(GLO)- Năm 2012 đã được xác định là năm tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cũng là năm khởi đầu thực hiện chương trình đổi mới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản giao thông-vận tải đối diện với nhiều khó khăn khi nguồn vốn kế hoạch năm nay bị cắt giảm đáng kể...
Theo đăng ký ban đầu của Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải (CDAĐT&XDCNGTVT)-Sở Giao thông-Vận tải, năm 2012 với các công trình chuyển tiếp năm 2011 như: Công trình quốc lộ 25 (km99+432-km113), cầu qua sông Ba (nối từ xã Kim Tân-Ia Kdăm), đường tỉnh 670B (km17+540-km24+068) và cầu qua Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai và 1 công trình khởi công mới trong quý II-2012 là cầu Phú Cần; ước tính nguồn vốn kế hoạch khoảng 45 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và hơn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn JBIC; vốn ngân sách tỉnh mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế trong tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay trên địa bàn.
Thi công quốc lộ 25. Ảnh: S.C |
Thế nhưng, cho đến hết tháng 2-2012, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ về chỉ đạt 50% kế hoạch (20 tỷ đồng) chi cho công trình quốc lộ 25 (km99+432-km113). Với nguồn vốn vô cùng eo hẹp như trên nên dự án quốc lộ 14C (hạng mục nền, mặt đường) đang phải tạm dừng do vướng Nghị quyết 11 không cho khởi công mới.
Còn lại 2 công trình quốc lộ 19 (km159+960-km163) và quốc lộ 14C (công trình thoát nước), mặc dù đã được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12-2010 nhưng cho đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông-Vận tải chưa phân bổ đủ vốn để Ban Quản lý CDAĐT&XDCNGTVT quyết toán chi trả cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh năm nay tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết 01 của Chính phủ với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cắt giảm đầu tư công... nên nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông không được phân bổ đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai một số dự án quan trọng.
Đơn cử như dự án đầu tư các công trình giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng ngập lũ trên địa bàn tỉnh (công trình đường liên huyện Ia Pa-Krông Pa (372,8 tỷ đồng), đường liên huyện Chư Pưh-Chư Prông (444,7 tỷ đồng), đường liên huyện Đak Đoa-Mang Yang-Kông Chro (851,2 tỷ đồng)), dù đã được Chính phủ cho phép đầu tư thực hiện từ năm 2010 vẫn phải gác lại trong năm 2012 và tiếp tục chờ đợi...
Để giải quyết thấu đáo vấn đề vướng mắc nguồn vốn và yêu cầu về tiến độ thi công các dự án, ông Nguyễn Hữu Tiến-Phó Trưởng ban Quản lý CDAĐT&XDCNGTVT cho biết, hiện nay Ban Quản lý ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đang chuyển tiếp năm 2011 như cầu qua sông Ba, cho đến hết tháng 2 đã thực hiện giải ngân được 18,2 tỷ đồng và tiếp tục bố trí vốn kế hoạch 8 tỷ đồng. Công trình đường tỉnh 670B hiện đã giải ngân 15,858 tỷ đồng và tiếp tục bố trí vốn kế hoạch 5 tỷ đồng.
Dự án Cầu qua Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai hiện đã giải ngân được 9,847 tỷ đồng và tiếp tục bố trí vốn kế hoạch 13,7 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn JBIC và vốn ngân sách tỉnh nhằm đảm bảo đủ hoàn thành dứt điểm dự án vào cuối năm theo kế hoạch đề ra.
Sơn Ca