Đầu năm đi kéo lưới rùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy ngày nay, sáng nào cũng có gần 20 ngư dân đi kéo lưới rùng ở bãi biển Mỹ Khê, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
Cái nghề oằn tay, mỏi lưng, chùn gối này tưởng chừng đã thành dĩ vãng nhưng nay vẫn còn duy trì, cho người dân ở đây có thu nhập khá. Sáng, người bạn gọi: “Xuống Mỹ Khê kéo rùng không?”. Ngỡ anh bạn đùa, bởi cái nghề mưu sinh kéo lưới rùng này đã “cổ lỗ sĩ” rồi, ai còn làm nữa. Ai ngờ, xuống đến bãi biển Mỹ Khê, chúng tôi chứng kiến gần 20 ngư dân, cả đàn ông, đàn bà đang khom lưng kéo cá từ biển vào bờ.

 
Cá, tôm… từ kéo lưới rùng. Ảnh: Hải Phong
Cá, tôm… từ kéo lưới rùng. Ảnh: Hải Phong
Kéo cá lên bờ
Hôm ấy, biển Mỹ Khê còn mờ trong sương. Mưa xuân lất phất, pha chút lạnh se se. Trên bãi biển, chúng tôi gặp ông Phạm Có (65 tuổi, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) cùng một thanh niên chèo thuyền thúng đi thả lưới trên biển. Tấm lưới dài khoảng 3.000 m, ông Có phải đánh một vòng bán nguyệt trên biển, lưới căng ra từ bờ ra biển khoảng 1,5 km, rồi lại từ biển vào bờ, hai bên đầu lưới cách chừng 100 m, phải mất khoảng 30 phút mới xong.
Lưới ngư dân dùng để kéo rùng có dạng hình cánh cung thon dần về phía sau, mắt lưới rất nhỏ chỉ nhỉnh hơn đầu đũa ăn cơm. Sau khi thả lưới, gần 20 con người oằn lưng, hai bàn chân “xuống tấn” trên cát, kéo từ từ hai đầu lưới từ biển vào bờ. Xa xa trên ngọn sóng bạc, cá bơi trúng lưới vọt lên không xoay tròn một vòng rồi rơi xuống biển, trong vòng vây của sóng lưới lung linh. Khi lưới càng gần vào bờ, cá nhảy lên càng nhiều.
Sau hai giờ kéo lưới, mẻ cá đầu tiên đã nằm trên cát trắng, có cá liệt, cá hố, cá lẹp, cá đối, cá chim, cá cơm, mực, tôm, cua và nhiều loại khác nhau, chừng gần 20 kg. Lúc này, ngư dân bắt đầu gỡ cá ra khỏi mắt lưới, tập trung lại một nơi và bán cá cho tư thương, khách du lịch, người đang tắm biển tại đây.
Ngồi trên bãi cát nghỉ ngơi sau 2 mẻ lưới, bà Lê Thị Vương (50 tuổi, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ) cho biết kéo lưới rùng là cách đánh bắt hải sản bằng lưới gần bờ khá độc đáo của bà con vùng biển này. Nghề này bắt đầu khi ăn tết cổ truyền xong và kết thúc vào tháng 9 âm lịch. Việc kéo lưới rùng ngư dân thường chọn vào sáng sớm, tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào thời tiết nên không cố định thời gian trong ngày: cứ thấy biển lặng thì cùng nhau mang lưới ra biển, còn biển động thì cầu trời cho biển yên.
Bà Vương chia sẻ kéo lưới từ 7 - 11 giờ là được một giáp, dùng thuyền thúng chèo ra để thả lưới. “Khi kéo vô mà có cá thì mình bán cho người dân hoặc đem ra bán ngoài chợ. Một ngày bình quân kéo khoảng vài chục ký hải sản, ít nhất cũng được hơn 10 kg”, bà Vương nói. Tiếp lời bà Vương, bà Phạm Thị Sa (75 tuổi, cũng ở thôn Kỳ Xuyên) cho hay bà sống ở vùng biển này mấy chục năm nhưng rất ít đi chợ mua cá. “Ở đây, ngư dân hay kéo lưới rùng trước nhà, tôi chờ khi lưới được kéo lên bờ sẽ mua cá về ăn. Cá ở đây vừa tươi mà còn ngon nữa, có khi cá kéo lên bờ có con to hơn bàn tay người lớn”, bà Sa nói.

Ngư dân kéo lưới rùng ở bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: Phạm Anh
Ngư dân kéo lưới rùng ở bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: Phạm Anh
3 đời theo nghề lưới rùng
Nghề kéo lưới rùng đã có từ rất lâu, được ngư dân ven biển ở tỉnh Quảng Ngãi duy trì đến ngày hôm nay. Nghề này tuy vất vả và không khá giả nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân nơi đây. Mỗi ngày kéo lưới ngư dân được từ 300.000 - 500.000 đồng/người. So với lênh đênh đánh bắt xa bờ, ngư dân sống bằng nghề này an toàn tính mạng hơn. Vì vậy có không ít gia đình theo nghề cha truyền con nối.
Riêng ở xã Tịnh Kỳ, nói đến nghề kéo lưới rùng không ai không nhắc đến tên ông Phạm Có. Gặp chúng tôi, ông Có cho biết nhà ông đã 3 đời theo nghề lưới rùng. Cho đến nay, ông vẫn miệt mài với nghề mưu sinh này trên biển hằng ngày. Gần 50 năm gắn bó với nghề, có lúc kéo lên chỉ thấy rong biển, rác quấn vào lưới, nhưng không hiểu sao, ông Có vẫn đam mê, cái nghề “lạc hậu” ấy cứ thế gắn bó mãi với ông.
Kéo một hơi khói thuốc chống lạnh, ông Có tâm sự nghề lưới rùng là nghề cổ truyền của ông bà để lại, đã qua bao thế hệ rồi. Lục lại ký ức, ông Có nói rằng từ cha ông để lại rồi đến ông đã gắn bó với nghề này gần 50 năm. Nghề lưới rùng xưa kia làm ăn được. Hơn nữa, xưa ít người có thuyền to ra biển, hầu như chỉ có thuyền thúng đan bằng tre, chèo ra thả lưới và kéo vào. Việc đơn giản nhưng có cá đổi gạo, làm nhà, cưới vợ, sinh con… nên ông bà ta sinh sống ven biển lựa chọn nghề này để mưu sinh. Hồi xưa, kéo lưới lên còn có cả cá thu, cá hố, cá bẹ… “Mỗi giáp (một buổi kéo rùng) ngày xưa kéo được 5 - 7 tạ cá. Càng về sau thì mỗi ngày càng ít lại. Nay đánh bắt cá trên biển với nhiều phương tiện hiện đại, nên nghề rùng không bằng ngày xưa”, ông Có thở dài nói.
Ông Có cho biết nghề lưới rùng bây giờ chỉ duy trì đến tháng 9 âm lịch nếu thời tiết thuận lợi. Đến tháng cuối này, biển yên thì kéo rùng, sóng lớn thì xếp lưới. Hiện nay, 3 dàn lưới rùng của ông Có, mỗi lần ra biển kéo từ 12 - 15 người, thu nhập bình quân một ngày mỗi người được từ 300.000 - 400.000 đồng, có hôm cao nhất lên đến 1 triệu đồng/người. “Tôi muốn duy trì nghề này, vì nghề này đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân. Công việc cũng không vất vả nên phụ nữ cũng có thể làm được, kiếm mấy trăm ngàn trong ngày đâu phải khó”, ông Có trải lòng.
Nghề mỗi năm mỗi vắng
Nghề kéo lưới rùng không chỉ ở xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, mà còn có ở các xã: Đức Minh, H.Mộ Đức; xã Bình Châu, xã Bình Thạnh của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, số lượng ngư dân theo nghề đã giảm so với ngày xưa. Ngư dân Nguyễn Văn Năm (ở xã Tịnh Kỳ) bảo đã theo cái nghề “đi giật lùi trên cát” này hơn 20 năm. Dù tốn ít chi phí, thời gian hành nghề trong ngày ngắn và từng có thời hái ra tiền, nhưng các vùng biển có nghề này mỗi năm một vắng. Như ở xã Tịnh Kỳ, từng có 20 chủ thuyền và khoảng 300 ngư dân mưu sinh với nghề. Giờ thì số thuyền đếm không đủ một bàn tay, lao động chỉ mấy mươi con người còn sót lại, níu giữ nghề truyền thống cha ông.
Gìn giữ để phục vụ du lịch
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, cho biết nghề kéo lưới rùng thuộc nghề truyền thống lâu đời ở vùng biển này. Thế nhưng đến hiện nay, chỉ có khoảng 3 gia đình còn theo nghề, còn lại ngư dân đã chuyển nghề biển khác. Nguyên nhân là do mỗi chuyến kéo lưới cần nhiều lao động, mà thu nhập nghề này bấp bênh, đánh cá phải theo con nước, theo mùa.
Ông Thanh cho rằng nên giữ nghề này lại. Bởi đến nay nhiều du khách đến bãi biển này sinh hoạt đã trải nghiệm với nghề lưới rùng, ngư dân có thêm thu nhập. Trong xu thế về sau, khi phát triển du lịch biển ở đây, nghề này sẽ là “sản phẩm” trải nghiệm thu hút khách du lịch không kém nghề khác.
Rồi ngư dân Năm “kết luận”: “Hải sản ven bờ mỗi ngày một giảm. Ngày trước kéo một mẻ lưới kiếm vài tạ cá. Vậy mà giờ, mỗi mẻ chỉ còn khoảng vài chục ký. Hỏi ai còn đeo đuổi nghề này nữa?”.
Ngư dân Nguyễn Phương (ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh, H.Mộ Đức) cũng cho biết thôn nổi tiếng với nghề lưới rùng, mà nay chỉ có 4 thuyền hành nghề. Ông Phương thở dài: “Nguyên nhân, phần thì cá ven bờ sụt giảm, phần thì chủ nuôi tôm xả thải ra biển gây ô nhiễm. Dần dà, ngư dân thôn đành chuyển nghề khác mưu sinh, không bám vào nghề lưới rùng để sống nữa”.
Có một đêm ra bãi biển Khe Hai, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, chúng tôi chứng kiến ngư dân ở đây đang kéo lưới rùng, nhưng chỉ là “diễn” để phục vụ du khách với giá mỗi buổi 700.000 đồng. Khách trải nghiệm kéo lưới rùng, nếu có cá thì lấy hết để nhậu, còn không có cá thì cười xòa với biển. Chỉ có ngư dân vùng này cầm tiền trên tay mà buồn: nghề chính mưu sinh một thời, giờ dường như chỉ để vui là chính.
Theo Phạm Anh - Hải Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.