Đau lòng những câu chuyện bị xử tàn khốc vì nghi là "ma rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi giỏi bắt con thú trong rừng, giỏi làm nương làm rẫy, giỏi chịu mưa chịu nắng, nhưng khi trái gió trở trời ngã bệnh thì không biết phải làm gì để khỏi bệnh.

Bệnh hiểm nghèo chết đã đành, những căn bệnh đơn giản cũng có thể cướp đi mạng sống con người. Bởi, cách chữa bệnh phổ biến của người dân miền núi là… cúng.

Bi kịch vì hủ tục

Điều đáng lo ngại là nguyên nhân dẫn đến cái chết không được người làng cho là do đau bệnh, mà cứ nghĩ do người xấu gây ra bằng cách đầu độc. Ai bị nghi đầu độc là lập tức bị dân làng xem là “ma rừng”, rồi tìm cách trừ khử. Đây không phải là chuyện của thời mông muội, mà hiện vẫn còn tiềm ẩn trong những bản làng đồng bào dân tộc Hrê ở các xã vùng cao huyện An Lão (Bình Định).

 

Đồng bào Hrê ở An Lão đi rừng cứ khát là uống nước suối nên dễ bị bệnh, đây là cái cớ để nảy sinh nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Đồng bào Hrê ở An Lão đi rừng cứ khát là uống nước suối nên dễ bị bệnh, đây là cái cớ để nảy sinh nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.

Nghe chuyện của ông Đinh Văn Nghiêu ở làng Gò Mít xã An Trung tôi thấy thực sự đau lòng. Trước nhà ông Nghiêu có cây khế to, trưa nào lũ trẻ làng cũng tập trung hái quả, nô đùa. Để giữ giấc trưa cho tuổi già, ông Nghiêu hay đe nạt lũ trẻ. Sau đó, có mấy đứa trẻ trong làng bị bệnh chết. Không ngờ những lời đe trước đây của ông Nghiêu là căn cớ để người làng nghi ông là kẻ đầu độc gây ra cái chết cho lũ trẻ.

Một đêm, ông Nghiêu đang ngon giấc thì căn nhà của ông bỗng bốc cháy, ông kịp thời chạy thoát ra rừng, quay nhìn lại thì thấy căn nhà của mình đang nằm trong vòng vây của củi rừng. Hóa ra nhà ông bị dân làng chất củi đốt để giết “con ma rừng”.

Căn nhà cháy rụi! Những ngày sau đó ông Nghiêu phải tá túc tại cơ quan xã để được yên thân. Thế nhưng khi đã bị nghi là kẻ đầu độc thì sự bình yên đã vĩnh viễn mất đi, ông Nghiêu luôn bị người làng đe dọa, những ngày cuối đời ông phải tá túc quê vợ ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) để được sống yên bình.

Sau đó mấy năm, tại thôn 6 xã An Vinh cũng có người bị chết do ung thư. Vậy là mối nghi có kẻ cầm đồ thuốc độc lại trỗi dậy, bùng lên thành ngọn lửa phẫn uất, người bị nghi cầm đồ thuốc độc đứng trước nguy cơ bị người làng “loại trừ”. May là sau đó ngành y tế vào cuộc, tổ chức họp dân, đưa ra xác minh của bệnh viện là người chết do bệnh ung thư, nhờ vậy tính mạng người bị nghi cầm đồ thuốc độc mới được an toàn.

Mặc dù chuyện cầm đồ thuốc độc trong cộng đồng người dân tộc Hrê ở An Lão không ai là không biết, nhưng hỏi thuốc độc trông nó như thế nào thì ai cũng lắc đầu. Dò hỏi mãi, tôi cũng gặp được người có lời giải thích, tuy rất mơ hồ.

Ông này cho rằng người cầm đồ thuốc độc tự bào chế thuốc bằng cách trộn hàng trăm loại phân chim với một số rễ cây rừng. Phân chim và rễ cây rừng được bỏ vào lọ sành chôn vào lòng đất. Thỉnh thoảng lọ thuốc được đào lên, đổ vào 1 ít máu gà, rồi lại chôn xuống. Đến khi nó đã trở thành thuốc độc, thì chỉ cần quệt thuốc lên người mình muốn hại là người ấy sẽ lâm trọng bệnh chết ngay.

Ông Đinh Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy An Lão, không phủ nhận chuyện nghi cầm đồ thuốc độc đã từng gây ra những bi kịch trên mảnh đất quê mình. Theo ông Tấn, chuyện cầm đồ thuốc độc là không hề có. Nó chỉ là câu chuyện được lưu truyền từ đời này sang đời nọ, dần ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Ngày xưa, y tế chưa đến được với những vùng sâu vùng xa, điều kiện sống thiếu thốn của đồng bào dân tộc thiểu số dễ dẫn họ đến với những căn bệnh hiểm nghèo. Khi đau bệnh thì không có thuốc để chữa, chỉ biết trông chờ vào thầy cúng. Mà cúng thì không trừ được vi rút, vi khuẩn nên bệnh không bớt, dẫn đến tử vong. Cộng đồng nào cũng có người quá khích, và có người mang tính bạ đâu nói đó, không suy trước nghĩ sau. Khi có chuyện xảy ra, người ăn nói bậy bạ buông lời không thuận tai là lập tức bị những người quá khích nghi là kẻ cầm đồ thuốc độc gây tai họa cho dân làng. Vậy là bi kịch xảy ra!

Những người bị "bùa yêu"

Trong chuyến lên vùng cao An Lão này, dĩ nhiên không phải những chuyện chúng tôi gặp đều buồn. Ví như chuyện những chàng trai người Kinh gắn bó đời mình với những bản làng của đồng bào Hrê, nơi có “một nửa của đời mình”. Họ đã viết nên một chuyện tình đẹp giữa trùng điệp núi rừng.

Trong cuộc trà dư tửu hậu, tôi được nghe anh em ở Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, những người có vài chục năm công tác ở huyện miền núi này tiết lộ: “Ở An Lão có rất nhiều trai Kinh lấy vợ Hrê. Những người lính đóng quân gần các bản làng, những thanh niên làm trong ngành giao thông có thời gian dài công tác ở đây “quen hơi” các sơn nữ là chuyện đã đành, còn có cả những sinh viên tương lai ngời ngời cũng về đây ở rể. Có điều lạ, nhiều chàng rể vốn là con dân của thành phố hẳn hoi, nhưng vẫn chấp nhận cuộc sống mới giữa núi rừng hiu hắt”.

Nghe chuyện, tôi không khỏi thắc mắc: “Liệu câu chuyện “bùa yêu” của sơn nữ Hrê ở An Lão là có thật?".

Nghe tôi thắc mắc, cô giáo Đinh Thị Thao (Trường Tiểu học xã An Tân), kể: Tôi công tác trong ngành giáo dục ở An Lão từ khi mới ra trường giờ đã sắp về hưu, câu chuyện “bùa yêu” ở đây tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần.

Có cô đồng nghiệp người Hrê nói với tôi là “bùa yêu” có nhiều mức thời gian. Cô gái Hrê muốn chàng trai người Kinh “gắn” cả cuộc đời với mình thì dùng loại “bùa suốt đời”, còn cô nào chỉ muốn “nếm” tình yêu với trai Kinh một thời gian rồi dừng lại để lấy chồng Hrê thì dùng “bùa ngắn hạn”. Thậm chí hạn thời gian của “bùa yêu” người dùng có thể “đặt hàng” cho người làm bùa luôn.

 

Sinh hoạt cộng đồng của dân làng.
Sinh hoạt cộng đồng của dân làng.

Sau đó, tôi được anh Đinh Văn Dinh, thôn trưởng thôn 5 xã An Trung, mách cho mấy địa chỉ cần tìm: “Chẳng cần đi đâu xa, quanh quẩn trong làng Măng Gối này thôi cũng đã có 3 chàng rể người Kinh. Chàng rể nào cũng là trai đẹp, học hành hẳn hoi, đang có công việc rất ổn định”.

Anh Dinh dẫn tôi đến nhà chàng rể Ngô Tùng Vương ở làng Măng Gối. Vừa đến cửa nhà là anh Vương đang chuẩn bị đi chợ mua hàng tạp hóa cho vợ bán. Thôn trưởng Dinh trao đổi vài câu với Vương, Vương ngồi luôn xuống hè nhà tiếp khách.

Năm nay Vương 32 tuổi, quê ở vùng biển xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), về ở rể tại làng Măng Gối 4 năm nay. Lúc Vương đang theo học lớp chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ đóng tại địa bàn phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), trong dịp đi dạo phố Quy Nhơn, Vương tình cờ làm quen với cô sơn nữ Đinh Thị Xái, quê ở làng Măng Gối, thôn 5 xã An Trung (huyện An Lão). Xái đang theo học tại Trường Trung học Nội trú Bình Định.

Từ lần gặp gỡ ban đầu, không đêm nào Vương không nghĩ về cô gái người Hrê nhỏ hơn mình 7 tuổi. Những đêm Vương mất ngủ cũng là những đêm Xái thức trắng để nhớ đến chàng trai người Kinh. Tình yêu nhanh chóng nẩy nở, và chàng trai người Kinh không thể đợi được lâu hơn nữa, liền về xin gia đình đi cưới cô sơn nữ Hrê.

Nhưng chuyện không suôn sẻ, Vương gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, với lý do: “Con ở miền xuôi, chỉ quen với ruộng đồng, giờ lên ở rể trên vùng cao núi non bạt ngàn thì biết làm ăn thế nào”.

Tuy nhiên, tình yêu đã làm Vương “sáng suốt” hẳn ra, Vương phản biện: “Con học nghề chăn nuôi thú y, quê vợ con đang phát triển chăn nuôi rất mạnh, con sẽ có đất làm ăn. Sau khi làm dành dụm được ít vốn, vợ chồng con sẽ dựng cửa hàng mua bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, đồng thời đi làm thêm nghề chữa bệnh cho gia súc gia cầm, chẳng mấy chốc khấm khá cho mà coi”.

Sau 1 năm đấu tranh, cha mẹ Vương đồng ý cưới Xái cho con trai mình. Vương chấp nhận vừa đi học vừa làm chồng. Ra trường, Vương lên Gia Lai làm việc tại trại bò của Hoàng Anh Gia Lai, vợ ở nhà trồng keo trên mấy ha đất rẫy ba mẹ chia cho, đồng thời bán gian hàng tạp hóa nho nhỏ tại nhà. Sau 4 năm cưới nhau, vợ chồng Vương đã có được đứa con xinh xắn và dành dụm được ít vốn để xây dựng nhà riêng tại trung tâm xã. Giấc mơ mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của vợ chồng Vương đã bắt đầu hình thành.

Vũ Đình Thung/nongnghiep

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về bổ sung dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê; rà soát, đo đạc cắm mốc diện tích đất ngoài quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn xã Hải Yang (huyện Đak Đoa);...

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về khắc phục sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang)

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang); đầu tư trạm bơm để phục vụ sản xuất tại cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan thế chấp quyền đòi nợ để vay tiền

(GLO)- Bạn đọc H.T.K. hỏi: Ông A. vay của tôi 200 triệu đồng, 2 bên có lập hợp đồng vay tài sản rõ ràng. Tôi cần tiền làm ăn gấp, trong khi đó, ông A. không trả nợ cho tôi theo thỏa thuận. Vậy tôi có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho bên thứ 3 để vay 100 triệu đồng được không?

UBND tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê - Ka Nak

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê-Ka Nak; hoạt động TTYT huyện Đức Cơ; cấp GCNQSD đất tại Khu đất Làng quân nhân Lữ đoàn 234-Quân đoàn 3; đất do Binh đoàn 15 quản lý tại tổ 6, phường Yên Thế (TP. Pleiku) đang có gần 300 hộ dân sử dụng sản xuất nông nghiệp ổn định trên 30 năm.