Đất Bằng vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) chỉ mất chưa đầy 30 phút chạy xe máy trên con đường bê tông phẳng lỳ, chúng tôi đã tới xã Đất Bằng. Ngay đầu xã, những ngôi nhà kiên cố khang trang hiện ra như một lời giới thiệu về sự đổi thay của vùng đất một thời là căn cứ cách mạng này.

Nhiều tuyến đường ở xã Đất Bằng đã được bê tông hóa. Ảnh: Đ.Y
Nhiều tuyến đường ở xã Đất Bằng đã được bê tông hóa. Ảnh: Đ.Y

Sau ngày đất nước thống nhất, cơ sở hạ tầng ở xã Đất Bằng gần như không có gì, đường giao thông chủ yếu là đường đất gồ ghề, dày đặc ổ voi, ổ gà. Cuộc sống của người dân thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhớ lại những ngày gian khó, nguyên Chủ tịch UBND xã Đất Bằng Rơ Ô Blia kể: “Lúc ấy, tôi mới rời quân ngũ trở về quê hương. Bà con hàng ngày phải ăn lá rừng, củ mì thay cơm. Điện, nước sinh hoạt không có; trẻ em tới tuổi đến trường không đi học; người đau bệnh không biết đi bệnh viện...”.

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Đất Bằng vẫn còn là một xã đặc biệt khó khăn dù người nơi đây vẫn luôn phát huy truyền thống xã anh hùng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Song do thổ nhưỡng, khí hậu không ưu đãi, sự nỗ lực cũng chỉ giúp người dân bớt nghèo còn muốn làm giàu thì không đơn giản. Ông Nay Thai-Trưởng thôn Ma Hing trăn trở: “Bây giờ, người dân trong buôn không ai còn lo thiếu lương thực nhưng muốn làm giàu khó lắm. Nhà mình nuôi 10 con bò, có 2 ha đất chỉ biết trồng mì. Mì năm được giá thì mất mùa còn khi được mùa thì lại mất giá. Vì thế, nhiều năm nay, gia đình mình cố gắng trừ hết chi phí cũng chỉ để ra được trên 40 triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Bằng Kpă Phan cho biết, toàn xã có 2.449 ha đất sản xuất nông nghiệp. Xã có 9 buôn, 974 hộ với 4.302 khẩu (đồng bào dân tộc Jrai chiếm gần 95%). Những năm qua, xã được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, trường lớp khang trang đến tận các buôn, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã, nhà văn hóa buôn tương đối đầy đủ. Các chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công được thực hiện đầy đủ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã theo tiêu chí nghèo đa chiều cuối năm 2016 còn 47%. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường hiện đạt 98%. Nhiều gia đình dân tộc Jrai có con học đại học, cao đẳng và học nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì ở xã vùng khó này, việc học tập đang được người dân coi trọng, là cơ sở then chốt để tương lai gần Đất Bằng có thêm nguồn lực khởi sắc. “Nhằm động viên, khuyến khích con em trên địa bàn xã, hàng năm, cứ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, xã tổ chức gặp mặt, tuyên dương những học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó trong học tập. Xã cũng hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí để các cháu có thêm động lực phấn đấu, sau này về xây dựng buôn làng giàu mạnh”-ông Kpă Phan nói.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị cũng luôn được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm. Ông Phan Vũ Hưng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng, cho biết: Hệ thống chính trị của xã luôn được kiện toàn, củng cố. Do đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và đảng viên ngày được nâng cao. Hiện 9 buôn trên địa bàn xã đã có chi bộ Đảng. Chúng tôi đang xây dựng chi bộ buôn Ma Hing thành chi bộ kiểu mẫu của xã. Từ chi bộ kiểu mẫu ở buôn Ma Hing, chúng tôi tiếp tục nhân rộng ra các chi bộ khác. Đây là cơ sở để Đảng bộ xã Đất Bằng vững mạnh toàn diện.

“Cùng với đó, Đất Bằng xác định vật nuôi chủ lực trên địa bàn xã vẫn là bò, dê và heo; đồng thời tập trung phát triển đàn gia súc theo mô hình tập trung. Còn về cây trồng, xã vận động nhân dân dần chuyển dịch từ cây mì sang cây mía chuyên canh. Các buôn Ơi Khẳm, Ma Hing và Ma Leo thuận lợi cho việc trồng lúa nước thì tiếp tục phát triển, chủ động tìm nguồn giống tốt giúp bà con nâng cao năng suất và thu nhập”-ông Phan Vũ Hưng cho biết thêm.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.