Dao đã bén, gọt sao cho ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với các dịch vụ OTT xuyên biên giới nhưng chưa có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, từ trước đến nay, tình trạng “cầm dao đằng lưỡi” hay chạy theo sai phạm khi sự đã rồi là điều không ai mong muốn nhưng vẫn đang diễn ra.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý các dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp thông qua Internet), phim ảnh trên không gian mạng tại Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện đầy đủ hơn. Với cơ sở hành lang pháp lý vững chắc đó, vấn đề còn lại là việc thực thi trong thực tế sẽ triển khai như thế nào, để vừa đủ nghiêm khắc nhưng cũng đảm bảo linh hoạt, uyển chuyển.

Về cả hình thức và bản chất, vi phạm của bộ phim tài liệu MH370 - Chiếc máy bay biến mất có “kịch bản” giống hệt như những lần trước đó, tức là vi phạm đã diễn ra và chỉ được phát hiện khi bộ phim lên sóng trên nền tảng Netflix. Phía Việt Nam cũng yêu cầu hãng sản xuất gỡ bỏ hoặc sửa nội dung không phù hợp. Động thái tiếp theo là chờ sự can thiệp và giải quyết rốt rẻng của Netflix, chứ không phải làm cho xong chuyện.

Với các dịch vụ OTT xuyên biên giới nhưng chưa có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, từ trước đến nay, tình trạng “cầm dao đằng lưỡi” hay chạy theo sai phạm khi sự đã rồi là điều không ai mong muốn nhưng vẫn đang diễn ra. Sai phạm đó có thể tiếp tục tái diễn và thực tế, nó đã tái diễn không ít lần, kiểu “ngựa quen đường cũ”. Trong câu chuyện kinh doanh, nó còn thể hiện sự bất bình đẳng, cạnh tranh thiếu công bằng mà phần thiệt chính là các đơn vị trong nước, vốn luôn ở thế yếu.

Nhưng, khi hành lang pháp lý với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ra đời và có hiệu lực thực thi, đã đến lúc thực tế “dao sắc không gọt được chuôi” không thể và không nên được phép tiếp tục kéo dài, gây nên những hệ lụy xấu. Điểm nhấn quan trọng trong Nghị định số 71/2022/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) là dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được quản lý theo đúng quy định pháp luật. Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải có giấy phép và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam như doanh nghiệp trong nước.

Trước đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng linh hoạt áp dụng cả tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên không gian mạng. Hay như mới đây, Cục Điện ảnh cũng quyết định lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Những động thái này cho thấy tín hiệu tích cực, chúng ta đã có hành lang pháp lý nghiêm ngặt và dần bắt nhịp thị trường. Trên hết, các chủ trương này đều nhận được sự đồng thuận rất cao và đang được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.

Thực tế, việc cấm hẳn các dịch vụ vi phạm như nhiều đề xuất từng được nêu ra trước đây không phải là việc không thể làm được. Sau khi Nghị định 71 ra đời, Bộ TT-TT cũng được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn các dịch vụ bất hợp pháp như sử dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết. Sai phạm tiếp diễn sẽ bị chặn truy cập và có cả quy định xử phạt. Nhưng chủ trương chung hiện nay là cởi mở, tạo cơ hội để hợp tác. Các quy định pháp luật hiện hành đã hết sức tạo điều kiện, vấn đề còn lại phụ thuộc vào hành xử có thiện chí của các dịch vụ xuyên biên giới, bởi ai cũng hiểu, trong cuộc chơi này, từ trước đến nay họ đã hưởng lợi không hề nhỏ.

Việc cấm, chặn truy cập sẽ là biện pháp cứng rắn cần thiết trong trường hợp các quy định pháp luật đã hết sức tạo điều kiện nhưng việc cố tình vi phạm tiếp tục tái diễn. Đó có lẽ là nước đi cuối cùng. Hiển nhiên, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ đều không mong muốn điều này xảy ra. Đặc biệt với các đơn vị này, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích về kinh tế là điều có thể thấy rõ khi Việt Nam đang là thị trường tiềm năng. Nếu nhìn nhận thấu đáo, việc “cấm” rất dễ tạo điều kiện nảy sinh thêm vi phạm theo hướng biến tấu tinh vi hơn, nhằm tiếp cận dịch vụ. Ngoài việc khán giả ít nhiều chịu thiệt thòi, nó còn khiến thị trường giảm đi tính cạnh tranh, mà ở bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào, môi trường cạnh tranh góp phần tạo nên động lực cho phát triển.

Ai cũng hiểu, đích đến cuối cùng là tất cả các dịch vụ phải được quản lý theo cùng mặt bằng pháp lý, công bằng và hợp pháp. Đây cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hợp tác đa phương, xuyên biên giới ngày càng nở rộ.

Có thể bạn quan tâm

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài Chỉ thị 45/CT-TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới...

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.

Vui quá, hóa dại

Vui quá, hóa dại

Đốt pháo nổ khi tổ chức đám cưới, lễ khai trương để tăng thêm niềm vui, nhưng việc làm quá khích này khiến nhiều người phải đối diện án tù thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như nhầm tưởng.