Dân khổ vì tranh chấp đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai nhận được đơn của ông Võ Văn Hiến (trú buôn Djrông, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) phản ánh về việc chính quyền huyện chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết tranh chấp khiến đất đai của ông bị chiếm đoạt.
 

Ông Nguyễn Văn Hiến-người gửi đơn tới Báo Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Văn Hiến-người gửi đơn tới Báo Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú

Theo trình bày của ông Hiến, năm 2002, UBND huyện Krông Pa tổ chức nhiều đoàn công tác vận động gia đình ông và các hộ dân trong buôn Djrông (cũ) dời làng đến nơi ở mới. Nhân dân buôn Djrông (cũ) đồng tình với chủ trương, chính sách của huyện Krông Pa, tổ chức di dời nhà cửa đến nơi mới (buôn Djrông hiện nay). Theo chủ trương, mỗi hộ dân đồng ý di dời đến nơi ở mới được cấp 1 sào đất ở và hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền vận chuyển. Phần đất ở của gia đình ông được cấp nguyên là rẫy của một người dân trú buôn Sai (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa); đất đai không được bằng phẳng. Sau khi nhận đất, gia đình ông cùng các hộ dân trong buôn tổ chức san ủi mặt bằng, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay người chủ rẫy cũ cho rằng gia đình ông xâm chiếm đất canh tác, liên tục đến đòi lại đất, thậm chí có lời nói và hành động đe dọa tính mạng các thành viên gia đình ông Hiến.

Tương tự, năm 2005, ông Hiến mua một sào đất tại buôn Bầu (xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) do ông Nguyễn Văn Sổ nhượng lại. Phần đất này cũng là đất cấp mới cho hộ ông Võ Cơ Sinh di dời tái định cư, sau này sang nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Sổ. Hợp đồng sang nhượng đất giữa các bên được chính quyền xã Ia Hdreh xác nhận là hợp pháp. Nhưng đến năm 2011, người chủ rẫy cũ tên Kpa Veng (nguyên là chủ khu đất trước khi giải tỏa lấy đất cấp cho các hộ di dời tái định cư-P.V) ngang nhiên chiếm đoạt mảnh đất, tự ý chặt phá cây cối trong vườn và dựng nhà ở. Lý do được Kpa Veng đưa ra là đất rẫy trước đây bị chính quyền giải tỏa cấp cho người mới mà không đền bù; đồng nghĩa với việc phần đất này vẫn thuộc người chủ rẫy cũ.

 

Một sào đất được sang nhượng lại của ông Hiến bị chiếm đoạt.  Ảnh: Nguyễn Tú
Một sào đất được sang nhượng lại của ông Hiến bị chiếm đoạt. Ảnh: Nguyễn Tú

Nguyên nhân xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai nói trên được cho là do chính quyền huyện Krông Pa chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo diện di dời đến nơi ở mới; các chủ đất cũ cho rằng đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của mình nên liên tiếp đòi đất. Trước tình hình này, gia đình ông Hiến đã viết đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Huyện Krông Pa nhiều lần mời các bên liên quan đến hòa giải nhưng không thành. Từ đó đến nay, gia đình ông Hiến liên tiếp bị chủ đất cũ đến uy hiếp, đe dọa khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Hiến, đa phần các hộ dân sống tại buôn Bầu và Djrông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thường xuyên bị chủ cũ đến quấy rối. “Có trường hợp chủ cũ say rượu đến phá hết đồ đạc trong nhà. Các cơ quan đóng tại đây cũng trong tình cảnh tương tự. Điểm trường mẫu giáo buôn Bầu (xã Ia Hdreh) từng bị chủ đất “cấm cửa”, nhà trường phải mượn nơi khác làm nơi dạy học...”-ông Hiến kể lại.

 

Trường Mẫu giáo xã Ia Dreh bị “cấm cửa”. Ảnh: Nguyễn Tú
Trường Mẫu giáo xã Ia Dreh bị “cấm cửa”. Ảnh: Nguyễn Tú

Trao đổi với P.V, ông Trần Quang Hiển-Chánh Thanh tra huyện Krông Pa cho biết, khu vực tranh chấp đất đai nói trên thuộc dự án xây dựng trung tâm cụm xã vùng Tây nam huyện Krông Pa được triển khai từ năm 1997-1998. Mục đích của dự án là từng bước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, tăng cường cơ sở vật chất cho các xã trung tâm tạo ra các trung tâm cụm, nơi giao lưu hàng hóa của đồng bào các dân tộc ít người, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà. Tuy vậy, tại khu vực này đã xảy ra các vụ tranh chấp về đất đai. Thậm chí chủ đất cũ đóng cửa điểm trường mẫu giáo xã Ia Hdreh khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi chưa nắm rõ nội dung chủ trương cũ, chỉ nói là dân tự thỏa thuận với nhau rồi chuyển giao đất cho nhau, chứ chính quyền không can thiệp và không có tiền đền bù. Hiện, UBND huyện đang tổ chức đoàn thanh-kiểm tra, đo đạc lại diện tích đất thuộc dự án trước đây, đồng thời gặp lại các cán bộ đã có thời gian công tác trước đây để xác minh nội dung chủ trương thời ấy vì các loại giấy tờ, biên bản họp làng lúc đó không còn. Đây là đoàn thứ 3”-ông Hiển nói.

Được xem là một chủ trương đúng đắn nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội các xã bên kia sông Ba, nhưng đã 17 năm trôi qua, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chưa thể ổn định. Các cuộc tranh chấp, khiếu nại đất đai diễn ra liên miên, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nhân dân đang mong chờ các cấp thẩm quyền sớm có biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

(GLO)-Sáng 22-7, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) phối hợp với BIDV Nam Gia Lai chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá gần 1,1 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Phạm Văn Tụng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).
Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

(GLO)- Chiều 17-7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VIII (mở rộng) để sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP. Pleiku lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026), sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2024.