(GLO)- Là huyết mạch giao thông của huyện Chư Pưh nhưng những năm gần đây, tuyến đường 6C đi qua các xã Ia Hrú, Ia Dreng, Ia Hla bị hư hỏng nặng gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại.
Các địa phương tự sửa đường để việc đi lại đỡ vất vả hơn. Ảnh: H.T |
Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh: Toàn huyện hiện có khoảng 65 km đường giao thông nông thôn bị xuống cấp, trong đó có 18 km thuộc tuyến đường 6C. Phòng đã tham mưu UBND huyện kiến nghị lên tỉnh để tìm nguồn vốn sửa chữa. Song trước mắt, Phòng sẽ đề nghị huyện đầu tư sửa chữa một số tuyến đường trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới tới các thôn, làng, nhất là các làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân trên địa bàn. |
Tuyến đường 6C dài 18 km, bắt đầu từ xã Ia Hrú qua xã Ia Dreng, Ia Hla. Những năm gần đây, tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nắng bụi bay mù mịt, che khuất tầm nhìn của người lái xe; ngày mưa mặt đường lầy lội tạo thành rãnh gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân trên địa bàn. Trong đó, đoạn qua thôn Cây Xoài, thôn Tung Két, thôn 6C, làng Mung, thôn Su Per của xã Ia Hla bị hư hỏng nặng là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là vào mùa mưa.
Ông Kpuih Lim (thôn Su Per, xã Ia Hla) cho biết: “Đoạn đường đi qua thôn là đường đất nên mỗi lần xe lớn chạy qua đều gây bụi bẩn. Ngày mưa, đường lầy lội rất khó đi nên giá thuê chở nông sản bị đội lên cao. Trước đây, gia đình tôi chỉ thuê 50-60 ngàn đồng/chuyến xe chở lúa nhưng gặp trời mưa phải trả 200-300 ngàn đồng/chuyến”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Vui (thôn 6C) cũng cho hay: “Mùa nắng, muốn đi được, người dân phải đóng tiền để san gạt mặt đường. Ngày mưa, muốn vận chuyển nông sản về nhà phải thuê xe công nông, xe tời với giá rất cao. Đã vậy, giá nông sản bán ra cũng chỉ bằng một nửa của các địa phương khác. Đơn cử như bắp tươi, người dân thôn 6C chỉ bán được giá 1,5 ngàn đồng/kg (các địa phương khác là 3.000 đồng/kg)”.
Tại xã Ia Dreng, người dân cũng đang hết sức vất vả khi đi lại trên tuyến đường 6C. Nhiều đoạn đường tuy được rải nhựa nhưng vì lượng xe lưu thông nhiều khiến mặt đường bị bong tróc tạo thành ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Duy Tân (làng Tung Mo A, xã Ia Dreng) than thở: Đoạn đường qua làng dài chỉ 2,5 km nhưng bị hư hỏng nặng khiến tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Song khổ nhất vẫn là các em học sinh. Nhiều hôm gặp mưa to, đường bị lầy, phụ huynh phải nghỉ làm để đưa con em đến trường. Vì vậy, chúng tôi mong con đường sớm được nâng cấp, sửa chữa.
Trao đổi với P.V, ông Siu Pan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dreng cho biết: “Tuyến đường 6C bị hư hỏng nặng đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trên địa bàn xã Ia Dreng nói riêng, các xã còn lại nói chung. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân đều kiến nghị các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh vào cuộc, tìm giải pháp sửa chữa, nâng cấp tuyến đường. Trong quá trình chờ đợi con đường được nâng cấp, xã cũng đã huy động sức dân sửa chữa đoạn đường đi qua xã. Song chỉ được một thời gian ngắn, mặt đường tiếp tục bị hư hỏng gây khó khăn cho người dân”.
Hồng Thương