|
Ảnh: Thanh Nhật |
Khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nếu tôi không nhầm thì nó đã xuất hiện trên nhiều văn bản đã vài chục năm về trước. Khi ấy, tôi còn nhớ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Nguyễn Văn Sỹ do xuất phát từ thực tế công việc lãnh đạo, chỉ đạo của mình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ông còn thêm “cái đuôi” phía sau là “dân hưởng”.
Ông giải thích, bà con ta ở cơ sở họ rất thực tế, nói với họ chung chung là không ổn, họ biết, họ bàn, họ làm, họ kiểm tra, nhưng họ còn phải biết thêm là họ có được hưởng lợi gì trong việc mà ta vừa bảo họ phải nghe, phải làm-làm chủ ấy. Và quả đúng, nói với bà con chung tay, chung sức cùng làm và thành quả đem lại là cho chính bà con mình hưởng, khi thông điều này thì bà con làm tất cả những gì mà họ thấy đem lại cái lợi cho họ, họ mới thấy sự làm chủ thực sự của họ-họ là chủ.
Bây giờ hình như có nhiều việc triển khai ở cơ sở chúng ta còn nói với dân những điều chung chung quá. Nói khi thực hiện Quy chế dân chủ, phải công khai minh bạch, nhưng cái gì công khai, cái gì không được công khai, cái gì cần minh bạch, cái gì thì không, người dân vẫn chưa biết hết. Đã không biết hết thì làm sao bàn, đã không cùng tham gia bàn bạc thì khó có thể đi đến nhất trí và như vậy thì chắc chắn không muốn làm. Nói điều này để chúng ta tự ngẫm lại vì sao nhiều chủ trương, biện pháp đưa xuống cơ sở người dân chưa thật sự coi đó là việc của chính mình, mình cần tự giác tham gia. Đơn cử, một chủ trương rất lớn, tác động tới tất cả mọi mặt đời sống của bà con nông dân đã được phát động-chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Nhiều diễn đàn và trên nhiều văn bản của các cấp ủy, chính quyền chúng ta đã… quán triệt. Còn người dân ở cơ sở thì sao? Liệu họ đã thật sự coi chủ trương xây dựng nông thôn mới là của chính người dân-người nông dân làm hay chưa? Và việc “xây” ấy họ sẽ được lợi gì? Trong thực tế có điều lạ là, cấp trên nói sao thì cấp dưới “trung thành” về nói với dân y như thế. Trình độ của một bộ phận bà con ở cơ sở còn hạn chế, nhận thức không đồng đều, do vậy cán bộ cơ sở phải “lựa lời mà nói cho…” bà con hiểu. Ngoài ra cũng còn có nhiều nơi rơi vào tệ “tam sao thất bản”; khi lên huyện, lên tỉnh họp hành, tiếp thu, nghiên cứu không đến nơi đến chốn, không hiểu hết vấn đề về địa phương cần chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện là gì nên khi nói với dân thì qua loa đại khái, thậm chí nhiều chủ trương đến với dân theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, đôi khi tạo sự nhầm lẫn sinh ra thắc mắc, gây mất lòng tin của người dân đối với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục với việc triển khai thực hiện ngày càng sâu hơn, mạnh mẽ hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở, có lẽ cũng cần phải nghiêm túc đánh giá lại những kết quả đã làm được và những tồn tại, yếu kém, những nguyên nhân gốc rễ, sâu xa của vấn đề (nhất là công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ ở cơ sở) để khắc phục sửa chữa và làm tốt hơn trong tương lai, nhất là trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới-lấy đó một lần nữa làm thước đo cho sự đúng đắn của những nội dung mà Quy chế dân chủ ở cơ sở quy định. Trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất thiết người dân phải là người chủ!