Đắk Lắk tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác để thúc đẩy du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký biên bản liên kết, hợp tác du lịch với 17 tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch trong cả nước.

Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố không chỉ thuận lợi trong việc hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, mở các tuyến tham quan… mà với sự hội tụ đa dạng về tài nguyên du lịch rừng và biển, hệ thống sông, hồ, di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút lượng lớn du khách đến với Đắk Lắk.

dak-lak-tang-cuong-dd.jpg
Đoàn Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai đến xúc tiến, kết nối điểm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk.

Những kết quả bước đầu

Nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương, từ năm 2019 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký biên bản liên kết, hợp tác du lịch với 17 tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Nội dung liên kết, hợp tác phát triển du lịch chủ yếu tập trung ở bốn lĩnh vực: Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, quy hoạch và kêu gọi đầu tư; hợp tác khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Trên cơ sở biên bản liên kết, hợp tác được ký kết, các địa phương thường xuyên trao đổi về tình hình xúc tiến du lịch, hợp tác đầu tư, chính sách phát triển du lịch của từng địa phương để kịp thời cập nhật, đưa thông tin chính xác nhất đến với các nhà đầu tư và du khách, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch đến với người dân. Bên cạnh đó, các địa phương liên kết, hợp tác cũng thường xuyên tổ chức đoàn Famtrip đến với nhau để khảo sát, nghiên cứu và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch…, qua đó xây dựng tour theo các cấp độ dành cho đối tượng khác nhau; phối hợp với Hiệp hội Du lịch vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện các gói kích cầu du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư của các địa phương đã phối hợp, đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác nhiều công trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin, nhanh chóng giải quyết vướng mắc, đưa ra những giải pháp mới hiệu quả; đồng thời thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp mặt, trao đổi, hợp tác, kết nối du lịch; trưng bày, giới thiệu sản phẩm; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào du lịch; chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, âm nhạc… góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị hình ảnh văn hóa, du lịch các tỉnh, thành phố, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ liên kết, hợp tác phát triển du lịch của các địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên kết, hợp tác đã tạo thuận lợi nhất định từ công tác quản lý nhà nước đến xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù. Hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương cũng tốt hơn, nhất là sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, quảng bá, giới thiệu, qua đó giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng.

Đặc biệt, với sự hội tụ đa dạng về tài nguyên du lịch rừng và biển, hệ thống sông, hồ, di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề giúp cho các địa phương liên kết, hợp tác phát triển đa dạng về loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Mặt khác, hoạt động liên kết, hợp tác đã đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước.

Hướng đến hiệu quả trong liên kết, hợp tác

Cùng với kết quả đạt được, tại Hội nghị sơ kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk với 17 tỉnh, thành phố trong cả nước được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột mới đây, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục, như: Chưa duy trì tốt cơ chế đã thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương; việc liên kết trong xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các sự kiện của các địa phương chưa được phát huy tối ưu. Một số địa phương chưa tham gia đầy đủ các sự kiện, hội chợ du lịch chung cho từng vùng, khu vực liên kết; chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch chung tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch của vùng tại thị trường trọng điểm về du lịch trong và ngoài nước.

Công tác xúc tiến quảng bá chung cho các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được hình ảnh du lịch chung của các địa phương để giới thiệu, quảng bá. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong việc hợp tác, xây dựng và cung cấp những chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng, miền chưa được quan tâm đúng mức; thiếu sự liên kết trong tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch chung giữa các địa phương tạo thành chuỗi sự kiện, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch… Nguyên nhân được xác định do chưa có Ban điều phối chung về phát triển kinh tế du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực để phục vụ việc phát triển du lịch chung của vùng.

Điều kiện cơ sở hạ tầng các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống đường bộ và đường hàng không nối giữa các địa phương chưa được đầu tư hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến việc khai thác các chương trình du lịch kết nối các địa phương. Mặt khác, hiện du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển còn chậm và chưa có sự bứt phá; chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và các điểm du lịch chưa cao; cảnh quan thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhiều dòng sông, thác nước bị khô cạn… nên phần nào ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan du lịch.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố đều cho rằng, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch là đúng đắn nhưng phải tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ và cần thực chất hơn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu đề xuất, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế đã thỏa thuận; phối hợp liên kết khi tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo dấu ấn đặc biệt đối với chương trình du lịch giữa các địa phương.

Đặc biệt, việc tổ chức ký kết liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương phải đặt rõ mục tiêu về lượng khách đạt được, những chính sách ưu đãi khi tham gia liên kết hợp tác... chứ không phải ký kết một cách hình thức. Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, đổi mới cách làm, liên kết và phát triển để khi liên kết là bắt tay vào công việc cần làm, du khách sẽ được hưởng lợi những chính sách ưu đãi chung, dịch vụ tương xứng với thế mạnh từng địa phương. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch, xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch… để từng bước định vị thương hiệu du lịch giữa các địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.

Đối với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, cần khai thác tối đa các lợi thế về địa hình, các đặc sản, hàng thủ công truyền thống để đưa các hoạt động mới vào các sản phẩm, chương trình du lịch sinh thái, cộng đồng. Việc làm mới này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thì mới tạo nên sức hấp dẫn mới cho các sản phẩm cũ và kéo dài vòng đời của chúng, tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn đáp ứng nhu cầu khám phá cái mới lạ của du khách.

Theo Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ (NDO)

Có thể bạn quan tâm