Đắk Lắk: Sẵn sàng ứng phó dịch sốt xuất huyết trên diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau đợt tập trung chống dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết, quyết không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng như năm 2019...
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế để đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong những tháng sắp tới. Ảnh: Bảo Trung
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế để đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong những tháng sắp tới. Ảnh: Bảo Trung
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk, chỉ trong 4 tháng đầu năm, mặc dù không có mưa nhưng toàn tỉnh vẫn ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tập trung rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, số ca mắc SXH ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Năm 2019, Đắk Lắk đã có hơn 23.000 ca SXH, cao gấp 8-10 lần so với trung bình của nhiều năm trước đó. 
Nhiều ca mắc SXH chủ yếu nằm ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền những khu vực này còn buông lỏng tuyên truyền, vận động phòng dịch cho bà con. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế nên đã gây ra một số khó khăn nhất định cho lực lượng y tế khi thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ông Trịnh Quang Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk - cho biết: ‘’Trong những tháng tới đây, Tây Nguyên sẽ vào cao điểm mùa mưa. Ngoài việc tập trung phòng chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, chính quyền, người dân các địa phương cần hết sức chú trọng đến công tác phòng bệnh SXH.
Đặc thù địa hình ở Đắk Lắk chỉ cần chủ quan, buông lỏng thì dịch rất dễ lây lan mạnh dẫn đến khó kiểm soát. Năm 2019, tỉnh đã trải qua một đợt bùng phát dịch SXH chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Lực lượng chức năng phải rất vất vả để kiểm soát tình hình’’.
Thời gian qua, dịch bệnh này thường xuất hiện với chu kỳ 3 năm/lần. Tuy nhiên, với mức độ giao thương rất lớn giữa các vùng miền, quy luật này bị phá vỡ và số ca mắc có thể gia tăng bất cứ lúc nào. Người dân cần vệ sinh môi trường, loại bỏ những dụng cụ phế thải chứa nước để diệt bọ gậy... ngay trong những ngày đầu bước vào mùa mưa để kịp thời khống chế số mắc số ca nhiễm bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng. Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng y tế các địa phương nếu phát hiện ổ dịch phải nhanh chóng can thiệp, dập tắt để tránh lây lan trong khu dân cư, ông Trí thông tin.
Ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BV Đa khoa vùng Tây Nguyên - cho hay, sau đợt dịch COVID-19 này, dịch SXH ở Đắk Lắk sẽ có những diễn biến rất phức tạp. Đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc SXH nhập viện điều trị tăng cao đột biến, tránh lâm vào tình thế bị động.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk cũng đã tham mưu cho Sở Y tế Đắk Lắk ban hành một kế hoạch chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong mùa hè như tay chân miệng, sởi, SXH, viêm não Nhật Bản... để đảm bảo an toàn cho người dân.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.