Nhờ cách làm lạ đời này, khu vườn ở Đắk Lắk sống khỏe giữa mùa khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng thiếu nước tưới đang khiến cho không ít nông dân ở Tây Nguyên “đứng ngồi không yên”. Nhưng với cách làm lạ đời, khu vườn của anh Nông Văn Công tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vẫn sống khỏe giữa mùa khô hạn.
Phục vụ cây cối
Dắt phóng viên Báo điện tử Danviet.vn thăm quan một vòng khu vườn tại thôn Cao Bằng, TT. Phước An, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), anh Nông Văn Công (27 tuổi) tranh thủ bọc lại những trái na thái bằng túi bọc sinh học. Khoảnh đất trước căn lán nhỏ, đủ loại cây ăn trái: xoài, sầu riêng, na, chuối… mọc chen với cỏ dại.
Sả, vetiver, cỏ dại được nuôi để tủ ẩm gốc và giữ lớp keo đất, chống xói mòn. (Ảnh: PL)
Sả, vetiver, cỏ dại được nuôi để tủ ẩm gốc và giữ lớp keo đất, chống xói mòn. (Ảnh: PL)
Vạch một gốc sả xanh um, anh Công nắm lên nắm lá khô đã bắt đầu hoai mục: "Sả là loại cây tầng thấp, mình cho nó mọc chung với cỏ dại để ủ ẩm gốc. Cỏ mọc dày thế này sẽ hạn chế được quá trình bốc hơi nước và tránh rửa trôi nhờ vào mạng lưới rễ ăn lan trên bề mặt. Rễ cỏ cũng giúp nước nhanh thấm xuống lòng đất trong mùa mưa. Khi kết thúc vòng đời, cỏ trả lại cho đất nhiều dinh dưỡng." – anh Công nói.
Để sâu bọ phát triển tự nhiên, anh Công dùng màng bọc để bảo vệ trái cây khỏi bị chích hút. (Ảnh: PL)
Để sâu bọ phát triển tự nhiên, anh Công dùng màng bọc để bảo vệ trái cây khỏi bị chích hút. (Ảnh: PL)
Ngay giữa mùa khô hạn, các rẫy cà phê xung quanh trở nên khô cháy và xơ xác nhưng điều lạ là khu vườn của anh Nông Văn Công vẫn giữ được vẻ xanh tươi. Qua trò chuyện, anh Công cho biết đã xây dựng lối canh tác theo hướng thuận tự nhiên được 2 năm nay.
"Không dùng thuốc hóa học, cây trái bị chích hút, hư hại là điều khó tránh khỏi" - anh Công nói. (Ảnh: PL)
"Không dùng thuốc hóa học, cây trái bị chích hút, hư hại là điều khó tránh khỏi" - anh Công nói. (Ảnh: PL)
Năm 2017, anh Công quyết định bỏ lại công việc chuyên ngành xây dựng ở thành phố để về nhà làm nông cùng với mẹ. Anh kể lại rằng niềm mê thích với cây cối đã thúc giục anh trở lại nơi mình đã lớn lên tại Đắk Lắk.
Thời gian đầu, anh Nông Văn Công làm theo cách truyền thống. Anh sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học trên diện tích trồng trọt. Tuy nhiên, anh dần nhận ra mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và luôn trăn trở: Những cái cây trước giờ vẫn sống tốt tại sao phải bỏ thuốc độc cho nó để làm gì?
Khu vườn của anh Nông Văn Công vẫn xanh tốt giữa mùa khô hạn ở Tây Nguyên. (Ảnh: PL)
Khu vườn của anh Nông Văn Công vẫn xanh tốt giữa mùa khô hạn ở Tây Nguyên. (Ảnh: PL)
"Hai cuốn sách: Cuộc cách mạng một cọng rơm và Quả táo thần kỳ của Kimura đã mang cho mình rất nhiều cảm hứng về làm nông nghiệp thuận tự nhiên. Ngoài ra, mình cũng tìm hiểu thêm thông tin về hướng làm này trên các diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội. Mình đã chọn cách làm phục vụ cây cối thay vì bắt chúng phục vụ con người" – anh Nông Văn Công chia sẻ.
Phân chuồng từ chăn nuôi bò kem pháp, lợn, gà, vịt được anh đem ủ và bón cho vườn cây. (Ảnh: PL)
Phân chuồng từ chăn nuôi bò kem pháp, lợn, gà, vịt được anh đem ủ và bón cho vườn cây. (Ảnh: PL)
Anh Nông Văn Công cho rằng dù cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên, làm vườn rừng đã phát triển từ lâu trên thế giới nhưng không thể áp dụng một cách máy móc chúng vào điều kiện canh tác ở bất kỳ khu vực nào. Trong 2 năm qua, anh Công trải qua quá trình vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm trên khu vườn của gia đình.
Chi phí gần như bằng 0
Trên diện tích đất trồng 1,1ha vốn độc canh cây cà phê. Anh Nông Văn Công tạo ra một hệ sinh thái thu nhỏ bằng cách tạo ra nhiều lớp tầng tán. Anh trồng xen các loại cây gỗ họ đậu như keo, muồng, so đũa… để che bóng vào mùa khô. Mùa mưa đến, anh Công tiến hành cắt tỉa và tận dụng chính lượng cành, lá làm dưỡng chất hữu cơ, tăng sinh khối cho vườn.
Anh Công trồng nhiều loại cây để đa dạng tầng tán trong
Anh Công trồng nhiều loại cây để đa dạng tầng tán trong "vườn rừng". (Ảnh: PL)
Một số cây cung cấp sinh khối khác như cỏ vertiver, muồng vàng, cúc quỳ… được anh trồng ở tầng thấp hơn để cố định đạm, làm giàu cho đất. Xen thêm là một số loại cây có thu: dứa, khoai lang, khoai môn.
Theo anh Công, hệ sinh thái thu nhỏ sản sinh nhiều thiên địch ức chế sâu hại trên cây trồng. (Ảnh: PL)
Theo anh Công, hệ sinh thái thu nhỏ sản sinh nhiều thiên địch ức chế sâu hại trên cây trồng. (Ảnh: PL)
Chuyển qua hướng làm mới, anh cũng ngưng hẳn việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học cho cây trồng. Anh cho rằng, trạng thái cân bằng tự nhiên giúp hệ sinh thái đa dạng. Chỉ vào một cây bơ booth đang cho trái bằng quả trứng, anh Công nói: "Bơ booth là loại cây ưa mát, đặc biệt là trong thời gian ra hoa. Ở Đắk Lắk, nắng gắt, nhiệt độ cao khiến cây rụng hoa nhiều. Vườn rừng giúp "tiểu khí hậu" trong vườn mát mẻ hơn và tạo ra nhiều loài thiên địch như kiến vàng để bắt sâu và ruồi chích hút"
Cây chuối sau thu hoạch được anh Nông Văn Công tận dụng để tăng sinh khối cho vườn. (Ảnh: PL)
Cây chuối sau thu hoạch được anh Nông Văn Công tận dụng để tăng sinh khối cho vườn. (Ảnh: PL)
Anh Công cho biết hơn 1 năm trở lại đây chi phí anh đầu tư cho khu vườn "gần như bằng 0". Với nguyên tắc làm vườn rừng là tối giản chi phí đầu vào, anh Công chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để mua cây giống. Tận dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi bò, heo, gà, vịt, anh Công đem ủ hoai với vi sinh để bón bổ sung cho cây trồng.
Theo anh Nông Văn Công, nông nghiệp thuận tự nhiên mang đến cho gia đình anh một điều kiện sống tốt hơn. Nông sản sạch tự trồng đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản hằng ngày. Nhiều người quan tâm đến nông nghiệp thuận tự nhiên cũng chấp nhận trả giá cao hơn để mua các sản phẩm từ vườn của anh Công.
Phạm Ly (Dân Việt)

https://danviet.vn/nho-cach-lam-la-doi-nay-khu-vuon-o-dak-lak-song-khoe-giua-mua-kho-han-2020052309314093.htm

Có thể bạn quan tâm