Đắk Lắk: Nông dân cay đắng nhìn đống gừng sắp thối, hỏng mà chẳng có người mua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trái với năm trước, nông dân trồng gừng ở Đắk Lắk phấn khởi vì được giá, năm nay, nhiều người "khóc" vì không tìm ra người mua.
Trên khoảng vườn rộng hơn 3 ha, anh Phạm Xuân Bình (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) đang trồng các loại cây ăn trái khác nhau. 
Anh Phạm Xuân Bình mong có thương lái đến mua gừng. Video: P.H
Để tận dụng hết khoảng đất trống, anh Bình quyết định đầu tư hơn 12 tấn gừng giống để trồng. Tuy nhiên đến nay, gừng của nhà anh vẫn nằm trơ trọi dưới nắng, chỉ mong có thương lái tới mua.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch gừng để kịp bán trước Tết. Ảnh: NDCC
Nông dân Tây Nguyên thu hoạch gừng để kịp bán trước Tết. Ảnh: NDCC
"Năm trước giá gừng cao, tôi thấy ai trồng gừng cũng phấn khởi nên đầu tư trồng, lúc đó tôi mua gừng giống với giá 30.000 đồng, nay giá bán chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng tìm không ra người mua", anh Bình chia sẻ.
Hiện nay, với 12 tấn gừng giống, anh Bình ước tính thu hoạch được 100 tấn gừng, tuy nhiên với giá bán hiện nay sau khi trừ hết chi phí thuê công làm, bón phân, tưới nước,… thì chẳng còn lời. 
Anh Bình ngậm ngùi: "Biết bán là không có lời nhưng cũng chỉ mong có người mua để lấy lại được một phần nào vốn thôi".

Trong khi đó, anh Bình thấp thỏm vì không có thương lái đến mua gừng. Ảnh: P.H
Trong khi đó, anh Bình thấp thỏm vì không có thương lái đến mua gừng. Ảnh: P.H
Cũng tương tự như anh Bình, bà Nguyễn Thị Lương (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đầu tư trồng gừng vì năm trước giá gừng cao. 
Tuy nhiên đến nay, sau khi thu hoạch và bán gừng với giá 7.000 đồng/kg, bà lỗ gần 10 triệu đồng. "Khi mới trồng, thấy xanh rờn, lớn dần là tôi vui lắm cứ nghĩ sẽ bán được giá, không cao hơn năm trước thì cũng phải bằng chứ, ai ngờ giá gừng năm nay thấp thế này", bà Lương nói.
Cũng theo bà Lương, tuy giá gừng thấp nhưng vì để có tiền chi tiêu Tết nên gia đình bà phải bán, hơn nữa gừng đã mọc ra khỏi mặt đất thì không thể để dành sang năm được mà bắt buộc phải đào lên, cất trong kho hoặc bán. 
Bà Lương chia sẻ: "Cất kho thì không có chỗ để cất, mà để dưới đất thì củ cũng thối dần nên thôi bán giá rẻ được đồng nào hay đồng đó".
Theo bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, năm nay người dân địa phương rút kinh nghiệm vì giá gừng bấp bênh nên chủ yếu chỉ trồng để ăn. Có 2-3 gia đình đầu tư trồng đang phải lao đao tìm đầu ra.
Tuy đa số nông dân đều trồng gừng xen canh, thế nhưng, việc cây trồng lâm vào cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa" vẫn luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ người nông dân nào khi đến mùa thu hoạch.
Theo Phương Hằng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.