Đắk Lắk: Loạn homestay, camping không phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch trải nghiệm, dã ngoại trở thành trào lưu của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Nắm bắt nhu cầu này, tại Đắk Lắk, một số doanh nghiệp thời gian qua đua nhau xây dựng và kinh doanh homestay, camping trên đất nông nghiệp, bất chấp an toàn của du khách...

Xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Cơ sở Camping Khang nằm trên trục đường liên xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk dù mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dã ngoại nhờ có không gian đẹp và các hoạt động trải nghiệm mới lạ.

Cơ sở Camping Khang xây dựng nhiều công trình trên đất nông nghiệp

Cơ sở Camping Khang xây dựng nhiều công trình trên đất nông nghiệp

Theo ghi nhận của PV, cơ sở này có địa thế khá thuận lợi nhờ dòng suối uốn lượn bao quanh đất nên không khí khá mát mẻ và trong lành. Với diện tích khoảng 5.000m2, chủ cơ sở tận dụng toàn bộ diện tích để xây dựng các phòng ốc, sân khấu và khu tổ chức hội nghị, khu cắm trại và kinh doanh các dịch vụ ăn uống.

Tại đây, hàng loạt các lều trại cũng được cơ sở dựng lên để cho du khách thuê lưu trú qua đêm. Đặc biệt, cơ sở này còn tổ chức hoạt động chèo thuyền dã ngoại quanh suối, nhưng không được trang bị các thiết bị bảo hộ. Qua tìm hiểu, khu Camping Khang xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi.

Nhiều công trình của cơ sở Camping Khang xây dựng trên đất nông nghiệp

Nhiều công trình của cơ sở Camping Khang xây dựng trên đất nông nghiệp

Ngược về huyện Buôn Đôn, cơ sở Vườn Bồ Câu hiện nay đang là địa điểm “hot” cho giới trẻ đến du lịch, tham quan. Vườn Bồ Câu nằm bên cánh đồng lúa của xã Cuôr Knia được xây dựng khá quy mô với nhiều công trình làm điểm nhấn để cho du khách check-in (chụp hình lưu niệm).

Tại đây, chủ cơ sở đã xây dựng nhiều khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà trên cây và thậm chí cả khu nhà lưu trú cho du khách. Được biết khu vực này trước đây là đất nông nghiệp, nhưng sau đó vì hoạt động không hiệu quả nên chủ cơ sở đã đầu tư hoạt động dịch vụ trên.

Nhiều công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp ở cơ sở Vườn Bồ Câu (huyện Buôn Đôn)

Nhiều công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp ở cơ sở Vườn Bồ Câu (huyện Buôn Đôn)

Không chỉ ở các huyện, tại vùng ven TP Buôn Ma Thuột các hoạt động camping, dã ngoại cũng được nhiều doanh nghiệp hoạt động rầm rộ. Trong đó đáng nói là Khu du lịch Đoàn Thành Horse Farm (thôn 4, xã Cư Ê Bur, TP Buôn Ma Thuột).

Đây là một Khu du lịch tự phát, được xây dựng trên đất nông nghiệp với diện tích gần 4ha và đi vào hoạt động từ đầu năm 2023. Bên trong, chủ cơ sở xây dựng nhiều hạng mục, khu nhà để thực hiện kinh doanh ăn uống, hồ bơi, cắm trại lưu trú. Đặc biệt, tại cơ sở này còn kinh doanh dịch vụ đua xe địa hình với nhiều loại xe phân khối lớn thu hút du khách.

Khu du lịch Đoàn Thành Horse Farm đã được khôi phục lại

Khu du lịch Đoàn Thành Horse Farm đã được khôi phục lại

Tháng 3-2023, Báo SGGP đã phản ánh về hoạt động trái phép của đơn vị này. Sau đó, UBND TP Buôn Ma Thuột đã kiểm tra, xử phạt và yêu cầu chủ cơ sở tiến hành tháo dỡ công trình.

Ngày 22-8, ông Lê Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Cư Ê Bur xác nhận với chúng tôi đã lập đoàn cưỡng chế, phối hợp với chủ cơ sở này tháo dỡ 5/8, công trình sai phép, trong đó có: san lấp lại hồ bơi, tháo dỡ các nhà gỗ và đập phá các đường bê tông trong khu du lịch.

Các nhà gỗ của Đoàn Thành House Farm đã được khôi phục lại

Các nhà gỗ của Đoàn Thành House Farm đã được khôi phục lại

Tuy nhiên, mới đây, trên trang Facebook của khu du lịch này tiếp tục quảng cáo các hoạt động mới, đón khách và kinh doanh các dịch vụ tại đây. Khi chúng tôi có mặt tại khu du lịch thì phát hiện toàn bộ công trình sai phạm của khu du lịch này đã được khôi phục lại.

Các nhà gỗ được dựng lên lại như lúc ban đầu, các con đường bê tông trong nội bộ khu du lịch đã được xây dựng lại. Khu hồ bơi cũng được khôi phục như trước đây. Liên hệ số điện thoại nhân viên kinh doanh khu du lịch để hỏi thì nhân viên khu du lịch này cho biết đơn vị vẫn đón khách, kinh doanh các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm và lưu trú qua đêm.

Khi phản ánh vấn đề này với UBND xã Cư Ê Bur, một lãnh đạo UBND xã này cho biết, Khu du lịch Đoàn Thành Horse Farm không có hoạt động kinh doanh. Khi PV cung cấp các hình ảnh về hoạt động kinh doanh của khu du lịch này và các công trình sai phạm chưa bị tháo dỡ thì vị lãnh đạo này chỉ trả lời ngắn ngọn: “Để chúng tôi kiểm tra lại”.

Hợp thức hóa sai phạm?

Nhìn chung, các khu camping, homestay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hoạt động không phép, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh nhưng chính quyền địa phương chỉ xử phạt hành chính rồi... tìm cách hợp thức hóa (?).

Như tại xã Quảng Tiến, ông Lê Minh Hòa, Chủ tịch UBND xã xác nhận cơ sở Camping Khang xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. UBND xã đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính đối với đơn vị này về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.

Hỏi về biện pháp khắc phục, ông Hòa cho rằng: “Chủ cơ sở đã bỏ ra số tiền quá lớn để xây dựng, nếu tổ chức cưỡng chế thì tội cho người dân quá. Chúng tôi cũng đang có ý kiến trình UBND huyện cho phép chuyển đổi khu vực trên thành đất kinh doanh dịch vụ hoặc đất nông nghiệp khác để tạo điều kiện cho cơ sở này kinh doanh”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia cho biết, hiện nay cũng đang xin chủ trương UBND huyện chuyển đổi khu vực đất tại cơ sở Vườn Bồ Câu thành đất nông nghiệp khác hoặc đất kinh doanh dịch vụ để tạo điều kiện cho người dân kinh doanh.

Dịch vụ đua xe địa hình ở Đoàn Thành House vẫn đang kinh doanh

Dịch vụ đua xe địa hình ở Đoàn Thành House vẫn đang kinh doanh

Trao đổi với PV về các cơ sở camping, homestay không phép trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở VHTT-DL Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở VHTT-DL thành lập 3 đoàn kiểm tra, kiểm tra đối với 15 cơ sở lưu trú du lịch (loại hình homestay, farmstay) và xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở hoạt động không đúng quy định.

Để chấn chỉnh các điểm camping, homestay hoạt động chưa đúng quy định, ông Hưng cũng cho biết, Sở VHTT-DL tiếp tục kiến nghị các địa phương thực hiện thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, không để xảy ra tình trạng đầu tư, kinh doanh hoạt động du lịch tự phát. Tiến hành rà soát, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực hiện đúng các quy định của Luật Du lịch và các văn bản có liên quan.

Ông Hưng cũng cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh các hoạt động trải nghiệm mang tính chất mạo hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của du khách. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục rà soát và sẽ xử lý, chấn chỉnh các cơ sở này.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.