Đắk Lắk kêu gọi tiêu thụ hơn 85.000 tấn bơ, sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ tiêu thụ 23.500 tấn bơ, 62.000 tấn sầu riêng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang bị bó hẹp do dịch bệnh COVID-19 diễn biễn phức tạp.
Còn khoảng 85.500 tấn bơ, sầu riêng
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2021 địa phương có 12.000ha sầu riêng, diện tích thu hoạch khoảng 5.300ha với sản lượng khoảng 103.000 tấn. Sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk bao gồm các loại sầu riêng địa phương, Ri6, Dona. Tính đến ngày 30.8.2021, chủ yếu còn lại sầu riêng giống Dona với diện tích khoảng 4.300ha, sản lượng còn khoảng 62.000 tấn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đáng có hơn 83.000 tấn bơ, sầu riêng cần hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: Phan Tuấn
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đáng có hơn 83.000 tấn bơ, sầu riêng cần hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: Phan Tuấn
Đối với cây bơ có tổng diện tích khoảng 9.000ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.400ha, sản lượng khoảng 82.000 tấn. Các giống bơ ở Đắk Lắk chủ yếu như bơ 034, bơ Sáp, bơ Booth, bơ Hass. Tính đến ngày 30.8.2021, chủ yếu còn lại bơ Booth, bơ Hass chuẩn bị vào vụ thu hoạch với diện tích khoảng 2.200ha, sản lượng khoảng 23.500 tấn.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk giá sầu riêng hiện tại dao động 25.000 - 38.000 đồng/kg tùy từng loại, giảm 20.000 - 25.000 đồng/kg so với năm 2020. Đối với giống bơ 034, bơ sáp đã hết vụ với giá trung bình 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy từng loại. Các loại bơ Booth và bơ Hass đến giữa tháng 9 mới thu hoạch nên chưa định được giá.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các địa phương. Do dịch COVID-19 nên số lượng thương lái (chủ yếu ở các tỉnh Miền Tây) đến thu mua các loại nông sản ở Đắk Lắk không nhiều như những năm trước. Trong đó, việc đưa công nhân kỹ thuật lên tỉnh Đắk Lắk để thu mua, bóc tách, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. 
Đối với việc xuất khẩu cũng bị ách tắc do phía Trung Quốc siết chặt tại các cửa khẩu, dẫn đến lượng nông sản bị ùn ứ. Một số doanh nghiệp bóc tách sầu riêng phải cấp đông trữ hàng để khi có điều kiện thông thương mới xuất hàng, điều này ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của người dân.
Trong khi đó, năng lực dự trữ kho lạnh bảo quản hạn chế có khoảng 7.500 tấn quả, sấy khoảng 500 tấn quả. Ngoài ra, hiện nay các mặt hàng như bơ, sầu riêng cũng không thể di chuyển đi sang các tỉnh, thành phố ở phía Nam có công suất kho lạnh lớn do cách ly và không còn sức chứa.
Kêu gọi tiêu thụ giúp người dân
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sầu riêng và bơ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong nước đề nghị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị UBND Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai… và các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, MM Mega, Bách Hóa Xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa mặt hàng nông sản trái cây lên Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái thu mua, phân phối nông sản và phương tiện vận chuyển. Chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát kho cấp đông trên địa bàn để giới thiệu cho doanh nghiệp thu mua nông sản thuê lại.
Mặt khác, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân nắm bắt trong tình hình dịch khó khăn, ngày càng diễn biến phức tạp, tránh tình trạng chần chừ, chờ giá cao rồi bán dẫn đến mất cơ hội kết nối tiêu thụ.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.