Đắk Lắk: Hơn 1.000 người phải uống thuốc phòng bệnh bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến vụ 1 người tử vong, nhiều người nhập viện do bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai, khống chế bệnh dịch.
Ngày 4/9, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan chức năng đã có kết quả xét nghiệm đối với 34 trường hợp cách ly theo dõi bệnh bạch hầu.
Theo bác sĩ Lào, trong 34 bệnh nhân nhập viện để cách ly, theo dõi, có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu, 31 trường hợp còn lại âm tính. Hiện sức khỏe của 3 trường hợp dương tính bạch hầu tiến triển tốt và đang được cách ly, theo dõi đặc biệt tại bệnh viện.
 
Các bệnh nhân nghi bị bệnh bạch hầu được điều trị cách ly tại bệnh viện. Ảnh: Đ.Nguyên
Cũng theo bác sĩ Lào, sau khi phát hiện cháu H’Si Yan (5 tuổi, ngụ xã Ea H'đinh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) mắc bệnh bạch hầu rồi tử vong, ngành y tế đã lập khu vực cách ly, phun hóa chất khử trùng.
Theo đó, ngành y tế cấp thuốc cho 1.000 trường hợp sống gần nhà bệnh nhân uống thuốc đặc trị. Đồng thời, ngành y tế cũng phối hợp với địa phương lập danh sách tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho khoảng 7.000 người từ 7-45 tuổi trên địa bàn xã Ea H'đinh để ngăn ngừa bệnh.
Như báo Công lý đã đưa tin, ngày 29/8, cháu H’Si bị ốm nên gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar thăm khám, điều trị trong tình trạng thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu.
Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Bệnh nhân sau đó lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Rạng sáng ngày hôm sau, bệnh nhân tử vong và kết luận nghi do bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria và dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc gián tiếp tiếp xúc với vi khuẩn. Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu ở trẻ em, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân trong vùng ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Chí Tâm (Công lý)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.