Đắk Lắk: Dự án thủy lợi 4.400 tỷ đồng đang "chạy nước rút" di dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 2-2023 là thời hạn cuối chặn dòng tích nước cho đại dự án thủy nông Krông Pắk thượng 4.400 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện vẫn còn 488 hộ dân chưa di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng. Do đó, từ nay đến thời điểm trên, địa phương và các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Dự án kéo dài 14 năm, vẫn còn 488 hộ dân chưa di dời
Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách thượng. Dự án này gồm 2 công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng và hồ chứa nước Ea Rót.
Địa điểm xây dựng nằm trên hai huyện Ea Kar và Krông Pắk. Vùng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực các xã thuộc 3 huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Bông. Tổng mức đầu tư của đại dự án thủy nông này vào thời điểm năm 2009 là gần 2.900 tỷ đồng với nhiệm vụ cấp nước tưới 14.900 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người, cắt giảm lũ cho vùng hạ du... Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng.
Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ làm nhiệm vụ quyết định chọn chủ đầu tư xử lý việc giải phóng mặt bằng, đền bù và di dân tái định cư.
Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai thực hiện, dự án nay hiện vẫn chưa hoàn thành và đã đội vốn từ hơn 1.500 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng. Không những vậy, đến nay, công tác di dân giải phóng mặt bằng vẫn còn hết sức ngổn ngang. 
Dự án hồ Krông Pách thượng. Ảnh: Phan Tuấn
Dự án hồ Krông Pách thượng. Ảnh: Phan Tuấn/laodong
Huyện M'Đrắk là trung tâm của dự án thủy lợi Krông Pắk thượng. Theo kế hoạch của chủ đầu tư thì việc chặn dòng tích nước sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 2-2023; thế nhưng, theo UBND huyện M'Đrắk, đến nay, công tác di dân tái định cư mới thực hiện được 241/729 hộ (còn khoảng 488 hộ chưa di dân). "Tiến độ thực hiện di dân còn chậm chưa đạt theo kế hoạch đến ngày 31-12-2022 phải hoàn thành" -UBND huyện M'Đrắk thừa nhận.
Dự án vẫn còn ngổn ngang, nhiều việc phải làm
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, khu tái định cư số 2 đã đáp ứng cơ bản và đầy đủ về hạ tầng phân lô, điện, đường, nước, trường học.
Mặt khác, công tác lập phương án đền bù cũng đã hoàn chỉnh và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các hộ dân theo quy định. Chính sách hỗ trợ sản xuất ban đầu cũng đã đầy đủ để người dân sinh hoạt ban đầu khi về khu tái định cư…
Vì vậy, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho UBND các huyện và các sở ngành liên quan sớm thực hiện các biện pháp cứng rắn, quyết liệt để người dân di chuyển khỏi lòng hồ để đảm bảo kế hoạch ngăn dòng tích nước vào trung tuần tháng 2-2023
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Nguyễn Đức Thảo cho rằng, trong điều kiện này thì đã cơ bản đáp ứng điều kiện về việc di dân. Do đó, huyện M'Đrắk đồng ý với kế hoạch chặn dòng của chủ đầu tư. Cũng theo ông Thảo, huyện M'Đrắk sẽ đẩy nhanh tiến độ để di dời dân. "Từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 huyện sẽ xây dựng kế hoạch và sau Tết sẽ tiến hành di dân theo quy định".
Tuy nhiên, về phía huyện M'Đrắk đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk sớm hoàn thiện các mặt hạ tầng còn lại và sớm bố trí đất sản xuất cho người dân yên tâm về khu tái định cư. "Việc này sẽ giúp huyện thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, di dời dân đến nơi ở mới" - ông Thảo cho hay. 
L.H (theo laodong, vov)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.