Đại sới bạc giữa rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sới bạc với cả trăm con bạc khắp nơi đổ về sát phạt, có những ván lên đến hàng tỉ đồng, tại cánh rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu ( Bà Rịa - Vũng Tàu).
 
Nhóm người nối tiếp nhau đi vào sới bạc
Sới bạc hoạt động nhiều tháng nay tại cánh rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với cả trăm con bạc khắp nơi đổ về sát phạt có những ván lên đến hàng tỉ đồng, thế nhưng chính quyền địa phương không hề biết. Vào cuộc điều tra, phóng viên mới “té ngửa” về thân thế kẻ gầy sới!
Từ nguồn tin phản ánh của người dân, sau nhiều ngày tìm hiểu, tiếp cận, nhóm PV Thanh Niên trộn vào nhóm con bạc từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đi “mục sở thị” các sới bạc tiền tỉ trong cánh rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
Tầng tầng lớp lớp cảnh giới
Khoảng 9 giờ một ngày giữa tháng 11.2019, một người tên H. đi ô tô đón chúng tôi ở TP.Biên Hòa, xuống khu vực gần Hồ Tràm để đánh bạc. Đi theo xe của H. còn có nhiều con bạc khác. “Casino Hồ Tràm là điểm đánh bạc được cấp phép, dành cho người nước ngoài đánh bạc; còn các sới bạc “lụi” trong rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (gần casino Hồ Tràm - PV) dành cho những người Việt nào “khát máu” ăn thua. Tụi này không thiếu tiền để đánh bạc mà chỉ thiếu chỗ an toàn để thử vận may”, H. nói.
 
"Đội quân" đưa đón chuẩn bị xe máy để chở vào sới
Sau hơn 2 giờ di chuyển, xe đến khu vực sân vận động TT.Phước Bửu, H.Xuyên Mộc. H. dừng xe, nhìn đồng hồ và nói đợi một lúc mới được thông báo điểm chơi (đánh bạc). Theo giải thích của người này, trước khi sới bắt đầu hoạt động khoảng hơn 1 giờ, nhóm cảnh giới, dẫn đường mới thông báo nơi đánh, tổ chức cảnh giới và dẫn khách tới. 12 giờ, hàng chục ô tô biển số các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận,... lũ lượt kéo về khu vực này.
Chuông điện thoại reo, H. nghe xong điện thoại liền cho xe quay đầu về Bến xe Xuyên Mộc, rẽ trái đi hướng ngã tư Hồ Tràm, rồi rẽ trái theo đường ven biển vài ki lô mét đến bãi đá Vênh Vênh thuộc xã Bưng Riềng (H.Xuyên Mộc) thì dừng lại bên đường.
Tại đây đã có nhiều ô tô các tỉnh thành đến đậu từ trước. Một nhóm người làm cảnh giới, dẫn đường, chở con bạc vào sới bạc chạy xe máy đến, chỉ chỗ cho H. đưa ô tô đi cất giấu, rồi chở khách vào sới bạc. Nhóm người này dùng xe máy chở ba chạy vào một con đường mòn ngay sát đường ven biển, dẫn vào “ổ” bạc. Đi hơn 5 phút tới nơi nhưng các con bạc phải qua 4 chốt do nhóm cảnh giới canh gác nghiêm ngặt để ngăn người lạ xâm nhập…
Sát phạt tiền tỉ
13 giờ 30, sau khi lọt qua lớp cảnh giới dày đặc, con bạc được dẫn vào tận sới cách xa đường lớn hơn 5 km. Sới bạc nằm ở giữa rừng, bốn bề cây cối um tùm. Phía trên căng một tấm bạt 20 x 5 m để che nắng, mưa, bên dưới là miếng bạt 15 x 2 m được trải ra nền đất để lập sới. Những con bạc mặc sức quăng tiền sát phạt gây náo động cả một khu rừng. Nằm sát bên sới bạc là hai quán chuyên phục vụ nước uống và đồ ăn như cơm, bún, chè...
 
Các con bạc chuẩn bị đặt cược trong một ván bài
Mặt chiếu bạc được chia làm 4 phần, có kẻ vạch đỏ gồm mặt bên chẵn và mặt bên lẻ, những con bạc lớn sẽ tập trung tại giữa chiếu để nhận đĩa và thay nhau cầm cái (xoay tua - PV). Nhiều lúc nhà cái hứng thú bán (tức nhà cái cược riêng với 1 con bạc nào đó - PV) mặt chiếu bạc bên chẵn hoặc lẻ với số tiền lớn thì lập tức con bạc lớn nhận kèo ngay.
 
Con bạc cầm những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng chờ xuống sới
Sới vừa mở, tiếng các con bạc đặt cược ồn ào, từng xấp tiền được con bạc ném vào chiếu cùng tiếng bàn bạc, tiếng la hét thắng cược làm náo động cả cánh rừng. Mỗi ván bài xóc đĩa không quá 3 phút nhưng số tiền chơi thì không thể nhỏ hơn 300 triệu đồng.
Trong sới bạc này không thể không kể đến những tay máu mặt như B., C. đến từ Biên Hòa (Đồng Nai), Th. “Hồ Tràm”, R. “cầu 5”, T. “bà Bông”, T.H... và một số con bạc đến từ TX.Lagi (Bình Thuận)... “Đánh bạc mà không có những người này thì sới bạc mất vui. Có cây bài “tố” nhau hơn 1 tỉ đồng, nhóm người này đều mạnh dạn đứng ra xử lý. Hơn 10 ngày vào sới, băng của C. và B. xuống đánh mang về hơn 10 tỉ đồng”, H. kể.
 
Thu và chung tiền thắng thua tại chiếu bạc
Tại sới bạc này còn có luật ngầm là không dùng “bạc rác”, ý nói nếu con bạc đánh dưới 1 triệu đồng sẽ không cho đặt cược. Nếu dùng “rác” thì phải xin “ké” với con bạc khác để số tiền đánh từ 1 triệu đồng trở lên.
Cho vay “nóng” tại sới
Con bạc đang say máu đỏ đen, S. “mập” bỗng hô lớn: “Rồi, thay người thay vị (nghĩa là thay người xóc đĩa và thay 4 quân vị dùng xóc đĩa) luôn nha bà con ơi!”. Vừa nói xong, S. “mập” xóc đĩa 5 lần rồi gõ vào đĩa 3 cái. Khi S. “mập” đứng lên thì người khác ngồi xuống thay ca. Ngoài S. “mập” thì sới bạc này còn có T. “Huấn” và D. “Hồ Tràm” là 3 người thay nhau xóc đĩa.
 
Chiếu bạc có nhiều phụ nữ tìm đến sát phạt. Ảnh: Thanh Niên
Tại sới bạc lúc này có gần 200 con bạc liên tục quăng tiền vào chiếu, mỗi lần đặt từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Những con bạc lớn ít khi tham gia vào chiếu bạc với số tiền vài chục triệu đồng, mà khi canh bạc nào cảm thấy “son” thì mua luôn mặt chiếu với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Những con bạc thường mua chiếu bạc tiền tỉ là C., B., Th. “Hồ Tràm”, T. “bà Bông”… “Sới đánh 2 mặt chiếu 300 - 400 triệu là bình thường, gặp khách sộp thì 2 mặt chiếu có lần lên đến 1,5 tỉ chứ không ít”, H. nhẩm tính.
Càng về chiều, con bạc kéo đến càng đông khiến sới bạc trở nên chật chội. Ngoài những con bạc nhiều tiền ngồi trên ghế, tiếp giáp với chiếu bạc thì sau lưng còn có hai ba vòng người chen chúc nhau quăng tiền xuống chiếu... Một canh bạc lệch (bên chẵn và bên lẻ chênh lệch nhau - PV) hẳn về bên chẵn, nhà cái liền hô: “Bán chẵn 30 ai lấy (bán 30 triệu đồng)?”. Tiếp tục con bạc đặt tiền vào hai cửa chẵn, lẻ thì nhà cái lại rao: “Chẵn 50 ai lấy nào, nhanh dỡ chén nè!”. Nhanh như chớp, một con bạc hô lên rồi quăng gói thuốc lá ra giữa chiếu: “Nè, anh D. mặt lẻ và gói thuốc này ăn hết 100 (đặt 100 triệu đồng), còn lại để anh Đ. ăn hết mặt chẵn”...
Như quy luật ngầm trong chiếu bạc, nhà cái có quyền bán chiếu hoặc bán chẵn, lẻ cho con bạc. Nếu con bạc mua lẻ 100 triệu đồng, canh bạc ra chẵn thì con bạc phải trả số tiền 100 triệu đồng thay cho nhà cái. Nếu canh bạc ra lẻ thì con bạc ăn trọn số tiền đã mua.
Xế chiều, nhiều con bạc cũng bắt đầu cạn túi tiền. Đây cũng là cơ hội để nhiều tay cho vay lấy lãi hoạt động hết công suất. Trong các sới bạc này luôn có T. (ngụ H.Xuyên Mộc), V. “xì ke” cùng nhiều người khác và chủ sới sẽ là người “bơm” tiền cho các con bạc “khát máu”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại sới bạc có một người tên Quyền, ngoài việc quản lý sới, Quyền còn tuyển nhiều đàn em với nhiệm vụ cho vay nóng tại sới. Khi con bạc sạch túi nhưng còn "khát máu", đàn em của Quyền sẽ tiếp cận mồi chài cho con bạc vay tiền. Với con bạc vay trên 100 triệu đồng phải liên hệ trực tiếp với nhà cái hoặc Quyền. Mỗi lần vay phải chịu lãi ngày và bị trừ trực tiếp vào tiền cho vay. Con bạc vay một trăm triệu đồng thì tiền lãi 2 triệu đồng/ngày. Cầm hơn 40 triệu đồng nhưng chưa được 2 giờ chơi đã sạch trơn, L. (40 tuổi, ngụ H.Xuyên Mộc) văng tục vì một ngày gặp vận đen. Thấy khách quen, một thanh niên khoảng 20 tuổi từ phía sau chạy đến khoác vai, hỏi thăm: “Sao anh L. hẻo quá hả. Cần không em “bơm” cho mượn một ít gỡ nè?”. L. gật đầu liền rồi lấy 10 triệu đồng tiếp tục "nướng" tiền vào chiếu bạc, chỉ 5 phút sau L. đành hậm hực ra về vì thua sạch tiền. (còn tiếp)
Chủ sới bạc là ai?
Tìm hiểu về nhân thân người tên Quyền là chủ sới bạc, chúng tôi bất ngờ khi biết anh ta là con một lãnh đạo công an tại địa phương, từng có tiền án về tội đánh bạc. Đây có thể là nguyên nhân vì sao sới bạc này tồn tại lâu ngày mà không bị “sờ gáy”.

Vậy Quyền là con ai? Mời bạn đọc xem trên số báo ra ngày 3.12. 

Thanh Niên ( Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.