(GLO)- Gia Lai có vùng đất đỏ bazan trải rộng. Một màu đất tơi xốp, nuôi sống hàng vạn héc-ta cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày... Đi đến đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn, đầy sinh lực và tràn trề những hy vọng vươn lên từ vùng đất trù phú này. Trong đó khoai lang Lệ Cần cũng đóng góp một phần lương thực đáng kể cho tỉnh nhà trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Từ TP. Pleiku đi về phía Đông 12 km theo đường quốc lộ 19 là một vùng đất nổi tiếng về trồng khoai lang, nay là thôn 1 và thôn 2 xã Tân Bình, huyện Đak Đoa. Vùng đất này đã ấp iu và nuôi nấng, giữ gìn một loại dây lang quý do đồng bào đi dinh điền những năm 50 của thế kỷ trước ở Quảng Nam mang tới.
Khoai lang Lệ Cần được coi là một loại đặc sản (ảnh minh họa). |
Dây khoai lang nơi đây có nhiều giống khác nhau, nhưng đặc biệt hơn cả là 2 loại: loại lá có khía và lá tròn không khía, nhưng chất lượng khoai ngon như nhau. Vì chất đất được thiên nhiên ưu đãi nên lối trồng nơi đây cũng rất sơ sài. Có nơi vun vồng độn phân, rác, có nơi chỉ cần moi đất sơ qua rồi lấy ngón tay trỏ ngoáy lỗ găm cọng dây lang xuống, tưới nước chừng hơn 3 tháng sau đã sinh mầm, đẻ nhánh ra củ. Khi nhổ dây lên là cả một chùm củ đeo theo, khoai cứ nung núc như bắp tay tròn lẳn và nhuộm lên vỏ màu đỏ hồng bắt mắt.
Nếu là khoai lang bình thường nơi khác thì không cần phải nói. Khoai lang Lệ Cần có tiếng là ngon nhất vùng từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Khoai ở đây chẳng những có màu đặc trưng mà nó có mùi vị mà các vùng khác không có được. (Có lẽ do hàm lượng Mangan trong đất ở đây cao hơn hẳn so với đất các nơi khác nên khoai ngon hơn?). Khoai nấu chín khi bẻ ra có màu hồng vàng như lòng đỏ trứng gà, mùi thơm đặc trưng và khi ăn rất đậm đà vị ngọt.
Vào những năm đầu thập niên 80, khoai lang Lệ Cần được Nhà nước chủ trương trồng rất nhiều, bởi thời bấy giờ đây là món lương thực độn thay gạo phổ biến. Khoai được cắt nhỏ như chiếc đũa con rồi đem phơi khô để dành hấp cơm, hoặc nấu chín chà nhỏ qua lưới, phơi khô để dành hấp chung với đậu phộng rang giã nhỏ, hoặc cán thành bánh, rải mè như bánh đa, khi ăn nướng phồng lên. Có nhà người dân tự làm bàn nạo, nạo khoai thành sợi như sợi bún phơi khô để dành hấp cơm hoặc nấu chè. Riêng tinh bột khoai lang thì hình thức chế biến như mì hoặc sắn dây, để dành được lâu. Khi cần dùng cứ việc múc vài thìa tinh bột, một ít đường trộn vào ly đổ nước đun sôi vài phút để nguội, tinh bột đóng lại thành từng bánh như đông sương; hoặc trộn thịt, hạt đậu xanh làm nhân bánh. Đặc biệt, khoai thái lát dày chiên dầu hoặc bào nhỏ sợi chiên vàng với trứng dùng ăn chơi. Còn ngọn lang non luộc, chấm mắm nêm sả ớt hoặc mắm cua đồng là món ăn dân dã, có vị thơm và ngọt đặc trưng không thể thiếu trong mọi gia đình thời bấy giờ.
Cũng cùng loại dây khoai lang này, nhưng các vùng khác như An Khê, Kon Tum, hoặc thậm chí vùng lân cận như huyện Chư Pah lấy giống này về trồng thì chất lượng khoai không thể nào sánh bằng. Khoai cũng vẫn cùng màu hồng đất đỏ nhưng khi bẻ ra người sành ăn biết ngay là ở vùng khác, vì ruột khoai không tạo được màu đặc trưng và mùi thơm của khoai vùng Lệ Cần.
Ngày nay, tuy vật chất dồi dào no đủ, người dân sản xuất ít đi vì những lấn át về kinh tế của các cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu..., nhưng khoai lang Lệ Cần vẫn còn là đặc sản của một vùng miền, cần được bảo tồn và gìn giữ.
An Sinh