Nằm trong dự án trồng mới 5 triệuha rừng của Chính phủ, từ năm 1999 đến nay, Gia Lai đã triển khai thực hiện khá đồng bộ nhiệm vụ phát triển vốn rừng, tạo vùng nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, tạo việc làm cho nhân dân vùng dự án và bảo vệ rừng. Cùng với 177 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh đã đầu tư gần 106 tỷ đồng và huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư từ các doanh nghiệp, vốn ODA để thực hiện dự án.
Riêng về hợp phần phát triển rừng, các đơn vị tham gia dự án đã thực hiện khoán bảo vệ rừng 982.345,5 lượt/ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 7.188 ha/năm, trồng mới 48.324,4 ha rừng (trong đó có 13.665,4 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 34.659 ha rừng sản xuất), chăm sóc 50.536,4 ha rừng phòng hộ. Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 12 năm triển khai, hầu hết các mục tiêu dự án đều đạt và vượt. Về mặt phát triển vốn rừng, dự án đã góp phần làm tăng độ che phủ của rừng thêm 3,57%, đến cuối năm 2009 độ che phủ của rừng trên địa bàn Gia Lai là 46,1% (chưa tính cây cao su). Chất lượng rừng theo đó cũng được nâng lên rõ rệt, khu vực đèo Mang Yang, đồi Phượng Hoàng (huyện Mang Yang), núi Hàm Rồng (TP. Pleiku), xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah)… được phủ xanh, đảm bảo phòng hộ đầu nguồn và cải tạo môi trường sinh thái.
|
Ảnh: Duy Lê |
Bên cạnh việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, việc quy hoạch và trồng mới rừng sản xuất đã tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào làm cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản. Với diện tích khoảng 20 ngàn ha, các khu rừng trồng tại các địa phương: An Khê, Đak Pơ, Ia Pa, Mang Yang, Kông Chro, Krông Pa đã cung cấp đủ nguyên liệu cho Nhà máy MDF An Khê. Hàng năm, Gia Lai khai thác khoảng 95 ngàn m3 gỗ rừng trồng với trị giá khoảng 34 tỷ đồng.
Hiệu quả xã hội mà dự án đã tạo ra là giải quyết việc làm cho 2.075 lao động mỗi năm. Hàng ngàn hộ gia đình sống gần rừng thoát nghèo nhờ nhận khoán bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, cháy đã được hạn chế đáng kể.
Tuy đạt được những mục tiêu đề ra song quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Công tác khoán bảo vệ ở một số nơi chưa đạt hiệu quả, nhiều hộ nhận khoán thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Đề cập những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, ông Nguyễn Ngọc Rân- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Gia Lai cho biết: Hàng năm, kinh phí Trung ương cấp chỉ đạt 58,8% tổng vốn dự án nên tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ đạt bình quân 1.000 ha/biên chế, cộng vào đó là địa hình phức tạp nên quản lý, bảo vệ không xuể.
Nhiệm vụ của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: - Trồng 2 triệu ha rừng phòng hộ, đặc dụng: Khoanh nuôi kết hợp trồng bổ sung 1 triệu ha, trồng mới 1 triệu ha gắn với định canh- định cư. - Trồng 3 triệu ha rừng sản xuất: 2 triệu ha rừng nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, gỗ quý hiếm…; 1 triệu ha cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả. |
Theo phản ánh của các chủ dự án, mức chi trả quản lý bảo vệ 100 ngàn đồng/ha/năm là quá thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, người được giao rừng chưa thực sự sống được từ nghề rừng.
Dự án 5 triệu ha rừng dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Việc kết thúc dự án chắc chắn sẽ để lại những “khoảng trống” khá lớn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nếu Chính phủ không triển khai những dự án tiếp sau, một trong số ít tỉnh có diện tích rừng lớn như Gia Lai sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Quan trọng hơn, hàng ngàn hộ dân sống gần rừng sẽ đối mặt với nguy cơ tái nghèo. Chính phủ cần có chương trình đầu tư kinh phí để tiếp tục đầu tư trồng mới rừng phòng hộ ở những vùng xung yếu, quản lý và phát triển vốn rừng hiện có- đó là kiến nghị hoàn toàn chính đáng của không chỉ Gia Lai.