Đà Nẵng: Cao tốc nghìn tỉ xây xong để lại khoản nợ cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến nay còn nợ Đà Nẵng hơn 30 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, đơn vị thi công tuyến cao tốc này còn bị tố “chạy làng” khi hứa hỗ trợ chính quyền huyện Hòa Vang 800 triệu đồng nhưng không thực hiện. Tuyến cao tốc đã đi vào hoạt động nhưng đến nay người dân Đà Nẵng vẫn mỏi mòn đợi tiền hỗ trợ.
 
Hư hỏng trên mặt đường cao tốc thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Hữu Long
Hư hỏng trên mặt đường cao tốc thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Hữu Long
Nợ tiền thuê đất của dân
Người dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về việc ruộng canh tác mất trắng do xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lấp hết toàn bộ hệ thống kênh mương thoát nước trước đây. Cụ thể, tại thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, có hàng chục hộ dân mưu sinh nhờ cánh đồng lúa nhưng 5 năm trở lại đây, nhiều cánh đồng ruộng gần như bỏ hoang.
Bà Đỗ Thị Xuyến, người dân thôn Thạch Nham Đông cho biết, gia đình bà có hơn 2 sào lúa nhưng hơn 5 năm nay không thể canh tác bởi dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xây xong đã bít toàn bộ kênh mương thoát nước. Việc cao tốc xây dựng lấp hết hệ thống kênh mương nội đồng dẫn đến tình trạng vào mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì ruộng đồng ngập úng. Theo lời bà Xuyến, người dân thôn Thạch Nham Đông đã nhiều lần kiến nghị việc chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cần sớm hỗ trợ, đền bù giải tỏa để bà con an tâm sinh sống.
Tương tự, tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang người dân kêu trời việc Ban điều hành gói thầu số 1 - thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) hứa hỗ trợ cho người dân xã Hòa Phong 800 triệu đồng sau khi thuê đất của người dân làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy vậy, cao tốc xây xong cũng là lúc chủ đầu tư mất hút. Chính quyền xã Hòa Phong nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư nếu không hỗ trợ tiền thì trả lại đất cho bà con nhưng chủ đầu tư không phản hồi.
Ông Ngô Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, đầu tháng 11.2020, UBND xã Hòa Phong có báo cáo gửi UBND huyện Hòa Vang về việc tồn đọng, vướng mắc liên quan đến đường công vụ, phục vụ Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cụ thể, xã Hòa Phong kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đại diện Cienco 5 thực hiện tất toán hợp đồng thuê đất cho nhân nhân và thực hiện theo đúng cam kết với chính quyền, nhân dân xã Hòa Phong.
Không rõ ngày trả tiền cho dân
Tháng 9.2018, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khánh thành, thông xe kỹ thuật cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ đó đến nay, tại vị trí nút giao thông Túy Loan vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, thi công hoàn chỉnh. Nguyên nhân là do không có kinh phí để chi trả cho các hộ dân. Trước tình hình này, UBND TP.Đà Nẵng nhiều lần có các văn bản gửi chủ đầu tư Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc chi trả đền bù (hơn 30 tỉ đồng) cho người dân nhưng chưa nhận được phản hồi. Trước áp lực từ phía người dân, UBND TP.Đà Nẵng đã tạm ứng trước tiền ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho người dân với khoản tiền 7,5 tỉ đồng.
Ông Trần Ngạnh - Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cho biết thêm, trước đó VEC đề nghị về việc tổng hợp báo cáo kinh phí giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Tháng 5.2020 vừa qua, đơn vị đã thông báo số tiền cần chi trả để giải phóng mặt bằng là 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, VEC vẫn chưa phản hồi. Ông Ngạnh khẳng định, việc chậm chi trả số tiền giải phóng mặt bằng của VEC khiến cuộc sống của người dân địa phương gặp khó khăn, đề nghị chủ đầu tư sớm trả dứt điểm số tiền này.
Liên quan đến việc hứa hỗ trợ 800 triệu đồng cho người dân xã Hòa Phong nhưng không trả, ông Nguyễn Nhật Tuân - Phó Tổng Giám đốc Cienco 5 thừa nhận năm 2018 - trước khi hết hạn hợp đồng thuê đất, Ban điều hành gói thầu số 1 - thuộc Cienco 5 hứa hỗ trợ xã Hòa Phong 800 triệu liên quan đến tuyến đường mà Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình 507 đã thuê trước đó. Tuy nhiên, sau này, gói thầu số 1 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại liên quan đến vụ án mà Bộ Công an đang điều tra. Từ đó, tất cả các khoản tiền ra, vào đều buộc phải ngừng để phục vụ điều tra.
“Đúng ra hết hạn bảo hành tuyến cao tốc Đà Nẵng hơn 1 năm nay chủ đầu tư là VEC phải thanh quyết toán cho nhà thầu và Cienco 5 (khoảng 30 tỉ đồng - PV). Nếu VEC thanh toán thì Cienco 5 giải quyết được câu chuyện nợ nần. Tuy nhiên, VEC không thanh toán khiến Cienco 5 cạn kiệt về tài chính” - ông Tuân nói.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139,2km vừa hoàn thành đã có tới 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi phải sửa chữa khắc phục trong thời gian qua, diện tích mặt đường cao tốc hư hỏng khoảng 1.663m2. Cơ quan điều tra Bộ Công an trước đó xác định 33 bị can có nhiều vi phạm về xây dựng trong quá trình giám sát thi công, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng gây thiệt hại lớn. Kết quả điều tra xác định chất lượng công trình xây dựng 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án từ nền, móng, mặt đường đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.
HỮU LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.