Cựu chiến binh tay ngang... làm đường cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khác với kỹ sư cầu đường thường lập và thẩm tra tổng mức đầu tư, hồ sơ xây dựng…, ông Trần Hồng Nghiêm (trú thôn Đak Na, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông) mở đường bằng cách vừa thuê xe cơ giới xẻ núi, phóng đường vừa… bán bò, dê mua vật liệu.

Chuyện ông Nghiêm bán bò mở đường ai cũng biết nhưng khi hỏi nguyên do, ông nói tỉnh rụi: “Còn sức khỏe thì tôi làm đường để dân mình vận chuyển nông sản bớt khổ, làm đường để giúp đời chứ tính toán hơn thua bao giờ mới có đường!”.

 

Ông Nghiêm đang có mặt tại đoạn suối Đắk Rô để theo dõi công nhân mở đường, xẻ núi.
Ông Nghiêm đang có mặt tại đoạn suối Đak Rô để theo dõi công nhân mở đường, xẻ núi.

Ông Nghiêm cầu đường

2 năm nữa ông Nghiêm mới bước sang tuổi 70, nhưng ngày chúng tôi đến, ông khoe chân ông rắn rỏi, còn bước thoăn thoắt trên đồi đá lởm chởm, cheo leo ít nhất trong 10 năm tới. Mấy chục năm qua, dân xã Tân Thành quen với hình ảnh ông già cao dong dỏng, nước da cháy nắng, mang dép tổ ong, khoác trên mình bộ quân phục cựu chiến binh, ngồi trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp núi cao, rừng sâu để đo đo, tính tính nghĩ cách mở đường giúp dân...

Ông Nghiêm gốc Hà Tĩnh, nhưng đã vào Tây Nguyên lâu rồi. Hồi còn trẻ theo tiếng gọi của đất nước, ông vào bộ đội hành quân trong Nam ngoài Bắc và chiến trường Lào. Thời chiến, bom Mỹ rải xuống không ngăn được bước hành quân của chàng lính trẻ tên Nghiêm nói riêng và bộ đội Việt Nam nói chung trên đường vào Nam giải phóng dân tộc.

Ông Nghiêm còn nhớ, chiến tranh khốc liệt khi ban ngày bom Mỹ rải khắp Trường Sơn phá đường, còn đêm đến, bộ đội, thanh niên xung phong nỗ lực thông đường để xe ta tiến vào Nam.

Sau giải phóng, ông về quê lập gia đình nhưng, đời lính quen hành quân nên thời bình vẫn phải đi khắp. Ngày ngày ông cùng anh em cựu chiến binh khảo sát đường dân sinh tại các xã nghèo rồi huy động nhà hảo tâm, đóng góp xây đường dân sinh. Đường ông làm ở quê thì nhiều nhưng ông không muốn nhắc đến bởi ông tâm niệm, quan trọng là người dân có đường thẳng tắp để di chuyển chứ ai làm thì có gì quan trọng!

Năm 1989, ông Nghiêm đưa gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nhờ cần cù trong lao động, chịu khó dành dụm, vài năm sau vợ chồng ông sở hữu vài sào đất trồng cà phê, hồ tiêu, có của ăn, của để dành. Vào Tây Nguyên sinh sống, khi những đứa con của ông khôn lớn trưởng thành cũng là lúc ông tính đến việc làm đường giúp đỡ cho đời.

Tôi hỏi xuất phát từ nguyên nhân nào để ông có ý định xây đường cho dân, ông Nghiêm nháy mắt ra hiệu theo ông vào sâu trên con đường bụi đỏ mịt mùng, 2 bên rẫy cà phê đơm hoa trắng xóa. Từ đường lộ đi vào sâu đường đất đỏ rộng gần 5m dài hơn 8km với nhiều đường cắt ngang chằn chịt, xe chúng tôi dừng chân tại suối Đak Rô.

Dẫn khách rảo bộ đến con dốc dựng đứng nơi từng đoàn xe múc, xe ben tấp nập vận chuyển đất đá mở đường, ông Nghiêm bảo: Trước đoạn đường này là tuyến đường độc đạo để dân địa phương vận chuyển nông sản về xuôi. Đường dốc đá, ngoằn ngoèo nên đã có không ít vụ tai nạn lật xe công nông cướp đi nhiều mạng sống của người dân. Riêng tại cầu bê tông vững chãi tại suối Đắk Rô nơi chúng tôi đứng trước đây là cầu khỉ chông chênh đã xảy vụ việc một có cô gái trẻ mất mạng qua suối trong mùa mưa.

Ông Võ Tá Tâm (xã Đak Sak, huyện Đak Min) – chủ thầu xẻ núi, làm cầu giúp ông Nghiêm, dẫn chúng tôi đến một miếu thờ nhỏ giữa lưng chừng núi để xác nhận lời ông Nghiêm nói về các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trước đó. Nhiều năm nay, anh Tâm đồng hành cùng ông Nghiêm để mở đường giúp dân hàng chục km.

“Trước ông Nghiêm mở đường thử nghiệm rồi người dân thấy hiệu quả nên ủng hộ cách làm của ông. Riêng tôi cam kết đồng hành với ông Nghiêm. Diễn nhiên, đồng hành nghĩa là hỗ trợ công sức còn tiền bảo trì, xăng xe, ăn uống đều nhờ vào vợ chồng ông Nghiêm vì chúng tôi cũng đều nghèo cả” – anh Tâm dí dỏm.

Bán cả đàn bò để làm đường

Việc ông Nghiêm bỏ tiền làm đường vợ con không ai ủng hộ nhưng cũng chẳng phản đối bởi hiểu tính ngay thẳng, đã nghĩ là làm của ông. Dù cũng quen với việc làm của ông nhưng cách đây 2 tháng, trời mưa lớn, đường sạt ngăn cách trong khi nhà túng thiếu, ông Nghiêm bán đàn bò 10 con được 90 triệu để có tiền xây đường làm mọi người trong nhà bất ngờ.

Vợ ông - bà Phan Thị Mến (67 tuổi), thấy đàn bò chăm bẵm bao lâu nhưng chồng bán rẻ chỉ biết thở dài! Khách đến nhà, bà sắm sửa vài món ăn giản đơn để chồng trò chuyện.

Nhắc chuyện bán bò, dê trong nhà của ông Nghiêm để có tiền làm đường, bà Mến thật thà: “Nói không tiếc của thì không đúng nhưng đã là phận vợ chồng, tôi không giúp gì được cho ông nên chỉ biết ủng hộ việc ông làm”.

“Đời tôi rứa mà may mắn chú à! Tôi có vợ ủng hộ trong mọi thứ công việc. Nói rứa nhưng ngoài chuyện làm đường do tôi quyết ra thì việc gì trong nhà vợ tôi nói tôi cũng nghe lời bà cả!” - ông Nghiêm nói lớn như cố ý để vợ nghe. Đáp lại lời ông là tiếng nguýt dài cùng ánh mắt sắt như dao của bà Mến trước khi bước xuống bếp.

Ngày trước ông Nghiêm làm đường giúp dân còn có người lời ra tiếng vào nhưng sau này, nhận thấy đường ông Nghiêm mở phóng qua núi, xuyên rừng để xe máy cày băng băng vận chuyển nông sản, người dân hồ hởi ủng hộ. Nói vậy nhưng số tiền ông bỏ ra để xây dựng tuyến đường xuyên rừng đến nay đã trên 1 tỉ đồng mà thu lại chẳng là bao. Hiểu việc ông Nghiêm làm cho người dân, cuối mùa khi công việc nông nhàn, nhà nào hưởng lợi từ con đường do ông Nghiêm làm ra cảm ơn ríu rít.

Nhắc chuyện bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng tuyến đường, ông Nghiêm tâm sự: Việc tự bỏ tiền xây dựng, trải đá để dân đi lại thuận lợi không ai ép buộc ông mà xuất phát từ tâm. Việc ông làm là tình nguyện nên người nào ủng hộ bằng vật chất, tinh thần ông đều nhận để có kinh phí duy tu, sửa chữa tiếp tục con đường.

Lần đầu tiên trong cuộc trò chuyện, ông Nghiêm trầm ngâm, phóng cái nhìn xa xăm trước câu dự định trong tương lai của ông là gì. Ông chia sẻ, trong những năm tới, ông vẫn sẽ đến những nơi mà người dân có nhu cầu vận chuyển nông sản để xây đường mở lối. Ông Nghiêm năm nay cũng đã lớn tuổi nên ông mong muốn có thêm nhiều người đồng hành cùng ông trong việc xây dựng đường đi lại.

“Năm nay sức khỏe tôi còn tốt nên tôi sẽ làm nốt con đường tại xã Tân Thành. Tôi sẽ tiếp tục xây đường đến khi nào sức khỏe không cho phép mới thôi” - ông Nghiêm nói.

Đánh giá về những việc làm của ông Nghiêm, ông Cao Văn Tính - Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, trong khi nguồn kinh phí của địa phương còn nhiều hạn chế thì hành động của ông Nghiêm là đáng hoan nghênh, ủng hộ. Ông Tính thông tin, việc làm đường của ông Nghiêm dựa trên sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía người dân.

Quá trình làm đường, xây cầu, ủy ban xã đều hướng dẫn chi tiết để ông Nghiêm thực hiện đầy đủ các cơ sở pháp lý, thủ tục làm đường trình các cơ quan chức năng.

“Xã Tân Thành hiện còn nhiều khó khăn, người dân sống dựa vào các loại cây nông sản nên nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân là rất lớn. Chúng tôi ghi nhận những việc làm của ông Nghiêm, chúng tôi đã tổ chức khen thưởng, động viên nhiều lần. Tôi hy vọng, trong xã có thêm nhiều người tốt như ông Nghiêm để cuộc đời thêm đẹp” - ông Tính nói.

Trần Hữu/laodong

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.