Đó là quyết tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.
Đưa ra chỉ tiêu và hạ quyết tâm như trên, dù muộn, vẫn còn hơn không để cứu cảnh quan, môi trường Đà Lạt. Cùng với nạn phá rừng, bê-tông hóa tràn lan, hiệu ứng nhà kính làm trầm trọng thêm hiện trạng Đà Lạt xấu đi trong những năm qua. Đà Lạt sụt lở đất, Đà Lạt ngập úng khi mưa lớn, Đà Lạt nóng hơn trước, nhiều nhà phải sử dụng máy lạnh… là những chuyện hàng chục năm trước chưa từng xảy ra, song lại đã xảy ra, làm dấy lên nỗi lo không chỉ cho cư dân Đà Lạt mà còn cho những ai yêu mến Đà Lạt.
Nhà kính bắt đầu được hình thành tại TP Đà Lạt từ sau năm 1990, góp phần đưa Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà kính, nhà lưới tại Lâm Đồng đã gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, mỹ quan.
Làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cảnh báo sự phát triển ồ ạt của nhà kính là hết sức nguy hại cho môi trường, cảnh quan nếu diện tích này tiếp tục tăng lên. Ông cho rằng phát triển cách này là đi ngược với xu hướng thế giới. Nhà kính đã và đang tác động xấu lên Đà Lạt, hình thành một vùng tiểu khí hậu tiêu cực. Lũ, ngập lụt cục bộ là hậu quả trước mắt đã xảy ra.
Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhà kính trong nông nghiệp sẽ có 3 tác động ảnh hưởng gây hại chính cho môi trường: làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước. Dân cư vùng trung tâm ngoài thụ hưởng giá trị quy hoạch rừng trong thành phố - thành phố trong rừng thì còn được hưởng giá trị cộng hưởng từ vành đai xanh là vùng nông nghiệp, rừng nguyên sinh ở quanh thành phố. Vùng vành đai có chức năng điều hòa khí hậu ở vùng trung tâm. Song hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng càng lúc càng lớn.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng trước mắt phải giảm tỉ lệ nhà kính trên một diện tích canh tác nhằm tạo ra khoảng thở cho đất, tăng hệ số thấm, giảm phát thải nông nghiệp và thoái hóa đất. Bên cạnh đó, cần khuyến cáo nông dân dần thay đổi công nghệ nhà kính, quy hoạch những vùng sản xuất nhà kính phù hợp với cảnh quan chung, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của vùng sản xuất nhà kính lên đô thị Đà Lạt nói riêng và hệ sinh thái cao nguyên Lâm Viên nói chung.
Không dễ gì có được một thành phố tuyệt vời như Đà Lạt, nơi hội đủ các tiêu chí của một đô thị di sản, có hệ thống di sản kiến trúc và đô thị phong phú, độc đáo. Khi trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được bảo tồn và phát huy gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người. Do đó, phải quyết liệt thực thi những giải pháp xanh, cứu lấy cảnh quan, môi trường Đà Lạt, không chỉ cho hôm nay mà còn cho con cháu mai sau.