“Hiện nay, nhiều người không biết việc cung tiến hoặc tiếp nhận vào di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng các biểu tượng, sản phẩm linh vật mà không được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước là việc làm vi phạm pháp luật”.
Bà Trần Thị Thu Đông-Phó Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL (ngày 8-8-2014) của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam). Hội nghị diễn ra ngày 20-12 tại Hà Nội.
|
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khuyến cáo các cơ quan, đơn vị không sử dụng, trưng bày sư tử đá được tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
“Ngại va chạm vấn đề tâm linh”
Báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chỉ rõ, trong thời gian qua, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Tại các di tích đã được xếp hạng ở nhiều địa phương (như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định…), tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã được di dời, dỡ bỏ.
“Phần lớn người dân đã nhận thức rõ vấn đề sử dụng các biểu tượng, linh vật trong cuộc sống (với mục đích trang trí hoặc tâm linh). Các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã bắt đầu chuyển sang làm sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan (đặc biệt là cung tiến sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã xếp hạng đã chấm dứt”-bà Trần Thị Thu Đông khẳng định
Tuy nhiên, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng thừa nhận, vẫn còn một số người dân, cán bộ quản lý văn hoá không phân biệt được biểu tượng, linh vật có nguồn gốc nước ngoài hoặc còn buông lỏng trách nhiệm, ngại va chạm vấn đề tâm linh nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng di tích đã xếp hạng tại địa phương còn trưng bày các sản phẩm trang trí ngoại lai…
|
Trong thời gian qua, nhiều triển lãm giới thiệu các mẫu linh vật thuần Việt đã được tổ chức trong cả nước. (Ảnh minh họa: An Ngọc/Vietnam+) |
Cưỡng chế di dời linh vật ngoại lai
Xuất phát từ những hạn chế trên, giáo sư-tiến sỹ khoa học Trần Lâm Biền cho rằng, để người dân chủ động, tự giác không sử dụng, trưng bày và cung tiến các linh vật ngoại lai, đồ trang trí không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt thì cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu để người dân hiểu, phân biệt được sự khác nhau giữa linh vật ngoại lai và linh vật thuần Việt.
Vị chuyên gia này cho rằng, khi đã thực sự hiểu ý nghĩa của linh vật Việt thì người dân sẽ có cách ứng xử phù hợp.
“Tôi tin, người ta sẽ không sử dụng sư tử đá kiểu Trung Quốc để trưng bày nữa khi hiểu rõ rằng, ở Trung Quốc, đây là linh vật canh mộ với ngoại hình dữ dằn, gân guốc, mang dáng vẻ đe dọa. Khi du nhập theo kiểu 'sao y bản chính' vào Việt Nam, những con sư tử đá này ngang nhiên 'chễm chệ' ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân với ý nghĩa giúp phát tài phát lộc,” ông Biền phân tích.
|
Tượng sư tử đá của Việt Nam. (Nguồn: Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm) |
Trong khi đó, ở Việt Nam, sư tử đá là những con sư tử dạng cách điệu. Chúng được chạm hết sức công phu, trau chuốt với những đường nét mềm mại, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân; biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi, bao dung. “Đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết, vay mượn văn hóa một cách tùy tiện”-giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và đặc biệt là những người làm công tác quản lý văn hóa hiểu rõ được về các biểu tượng, linh vật thuần Việt (như con nghê, con sấu…).
“Trong đó, tôi cho rằng, cần đặt trọng tâm công tác giáo dục di sản, văn hóa truyền thống trước hết đối với thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên…). Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp tập huấn (với nội dung về văn hóa truyền thống, mỹ thuật truyền thống) cho các nghệ nhân, người sản xuất ở các làng nghề thủ công cũng cần được lưu ý”-nhà nghiên cứu bày tỏ.
|
Tượng linh vật của Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức vận động, cưỡng chế di dời biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp còn bày đặt ở các di tích, cơ quan công sở của nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên về vấn đề này.
Ngày 8-8-2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trong cả nước, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Công văn này chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng. Tiếp đó, ngày 19-8-2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam. Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng. Theo đó, con sấu, sư tử đá, con nghê là các linh vật phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt Nam. |
Theo TTXVN