Cùng gỡ 'nút thắt' con đầu lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giai đoạn có con đầu lòng luôn mang đến nhiều niềm vui cho đôi lứa uyên ương nhưng đồng thời cũng đặt hôn nhân của họ sang trang mới với những thử thách chưa từng gặp trước đó.
 

Trên thực tế, nhiều cặp đôi đã chia tay nhau vì không gỡ được
Trên thực tế, nhiều cặp đôi đã chia tay nhau vì không gỡ được "nút thắt" này.


Thử thách lớn đầu tiên

Trước tòa, chị Ng. (quận 2, TP.HCM) cứ nấc nghẹn từng cơn. Ba năm trước, chị nên nghĩa vợ chồng với anh L. (Bình Dương), tình yêu từ thời sinh viên của chị. Rồi chị có thai, nhưng khi mang bụng bầu to vượt mặt thì anh gần như ngày nào cũng đi sớm về muộn, mà về đến nhà đều sặc mùi bia rượu do "tiếp khách hàng".

Khi sinh con, con còn đỏ hỏn nhưng anh cứ bỏ mặc vợ một mình xoay xở. Cuối tuần anh vẫn í ới điện thoại bạn bè, chơi game... chứ chẳng mó tay đến việc nhà. Riết rồi mỗi ngày vợ chồng chỉ gặp nhau lúc khuya muộn và toàn cãi nhau, có khi "chiến tranh lạnh" cả tháng trời. Rồi chị phát hiện anh có "người thứ ba".

Cũng yêu nhau từ thời sinh viên nhưng vợ chồng chị T. - anh Kh. chia tay nhau vì chuyện khác. Khi chị bước vào tháng thứ 7 thai kỳ, anh đưa mẹ từ Phú Yên vào TP.HCM chăm vợ. Nhưng chỉ sau vài ngày là anh bắt đầu phải làm "trọng tài" cho những bất đồng giữa mẹ và vợ.

Đến lúc chị T. sinh con đầu lòng, khác biệt về cách chăm trẻ khiến quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thêm căng thẳng. Trong một phút nóng giận, chị đã bồng con về nhà mẹ ruột ở Đồng Nai. Rồi không biết nhà vợ "tác động" thế nào mà chị cương quyết đòi chia tay anh chồng "bênh mẹ".

Từ kinh nghiệm đồng hành cùng các cô vợ trẻ đòi ly hôn trong giai đoạn có con đầu lòng, các nhà tham vấn tâm lý hôn nhân - gia đình cho rằng giai đoạn này là thử thách "đủ lớn" đầu tiên đối với cặp đôi sau thời kỳ vợ chồng son đầy mật ngọt.

Vì khi mang thai và sinh nở, sức khỏe người vợ suy giảm trầm trọng nhưng ngay sau đó vẫn phải vất vả chăm sóc bé sơ sinh. Trong khi đó, người chồng vừa phải lo kinh tế gia đình, vừa "bao sân" việc nhà, lại vừa phải phụ vợ chăm sóc con thơ.

Không chỉ thế, tâm lý vợ chồng giai đoạn này cũng diễn biến phức tạp. Người vợ sau sinh con thường mặc cảm về nhan sắc, rồi muốn làm gì cũng vướng bận đứa con, công việc cũng bị gián đoạn. Tiếp theo nữa là cuộc đấu tranh dữ dội giữa hai chọn lựa: nghỉ làm ở nhà chăm con thì không có thu nhập, còn đi làm mà gửi con thì lo không an toàn.

Chưa hết, không ít cô vợ thấy chồng trẻ "bôn ba" bên ngoài thể nào cũng liên tưởng tới các mối quan hệ ngoài luồng. Còn về phía anh chồng trẻ cũng căng thẳng không kém khi vợ chẳng thèm "ngó ngàng" gì đến mình mà chỉ "đắm đuối" đứa con.

Ngoài ra, thạc sĩ - chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Ngọc còn cho rằng giai đoạn này cặp đôi cũng dễ nảy sinh bất đồng với ông bà nội, ngoại về cách chăm bé như cho bú sữa gì, tắm kiểu nào, dỗ ngủ làm sao...

Rồi với những cô vợ bị trầm cảm sau sinh còn có biểu hiện xa lánh, thậm chí nạt nộ và đánh con... khiến cho anh chồng trẻ, nếu không hiểu biết về chứng bệnh này, cũng sẽ "nghiến răng" với vợ. Bởi người chồng nghĩ rằng vợ "đổi tính" hoặc "sinh con làm chi rồi hổng thương con".

Nhưng đáng lo nhất, theo bà Ngọc, chính là "cái tôi to đùng" của cặp đôi. Người vợ trẻ lúc này nghĩ rằng mình có công rất lớn khi đẻ đứa con như là "tài sản vô giá" cho chồng và nhà chồng, do đó "có quyền" được nâng niu và cưng chiều hết mực.

Trong khi đó, anh chồng vì tuổi đời còn trẻ nên cũng luôn nghĩ rằng mình là nhân vật quan trọng, là trụ cột có quyền quyết định mọi thứ trong nhà. "Hai cái tôi lớn va chạm nhau rồi đổ vỡ, chứ không ít cặp đôi lúc ly dị còn thương nhau", bà Ngọc nói.

Yêu thương với cái tôi nhỏ bé

Khảo sát 400 vợ/chồng tại TP.HCM và Hà Nội, dự án xã hội "Đời sống hôn nhân gia đình đô thị" (do Công ty Nghiên cứu thị trường TITA phối hợp các chuyên gia tâm lý thực hiện gần đây) cho kết quả: lúc mới cưới, 48% vợ/chồng "rất hài lòng" và 51% "hài lòng" về đời sống hôn nhân của mình. Tuy nhiên, đến khi có con đầu lòng, tỉ lệ "rất hài lòng" rớt xuống chỉ còn 21%, trong khi tỉ lệ "không hài lòng" tăng từ 1% lên 11%.

Ông Phan Quang Thịnh, giám đốc dự án, nhận xét kết quả khảo sát: giai đoạn có con đầu lòng đánh dấu sự suy giảm khá mạnh về mức độ hài lòng với cuộc hôn nhân. Vì vậy, ông gợi ý đôi lứa uyên ương khi quyết định có con đầu lòng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm thế, kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Còn ở góc nhìn rộng hơn, bà Ngọc gợi ý các cặp đôi ngay từ trước khi cưới cần chuẩn bị nhiều thứ cho cả cuộc hôn nhân bền vững qua các giai đoạn khác nhau, trong đó bao gồm "nút thắt" con đầu lòng. "Cặp đôi có thể theo học khóa tiền hôn nhân hoặc tìm hiểu từ các nguồn khác về cách thích ứng với các giai đoạn hôn nhân, tâm lý vợ chồng, cách tổ chức cuộc sống gia đình, hòa hợp tình dục, nuôi con đầu lòng...", bà Ngọc gợi ý.

Tiếp đến, theo bà Ngọc là nên lên kế hoạch sống chung, trong đó cần có kế hoạch sinh con đầu lòng. Chẳng hạn cần tích lũy bao nhiêu tiền, kiến thức và kỹ năng gì để chăm con tốt, sắp xếp cuộc sống thế nào và ứng xử vợ chồng ra sao... trong giai đoạn đặc biệt đó.

Để gỡ "nút thắt" con đầu lòng, bà Ngọc cho rằng vợ chồng trẻ cần "bớt tự ái" để có thể ngồi lại với nhau, trước tiên là lắng nghe, chia sẻ và cảm thông cho nhau, sau đó là cùng tìm giải pháp. Chẳng hạn như sắp xếp nề nếp sinh hoạt, phân công lại việc nhà và chăm con, thống nhất cách chi tiêu, ứng xử với hai bên nội ngoại...

"Vợ chồng cần chia sẻ thật lòng và thiện chí hợp tác với nhau để cùng bước tiếp, tức là trái tim phải lớn ra và cái tôi phải nhỏ lại", bà Ngọc nói.

 

Ông Phan Quang Thịnh, giám đốc dự án xã hội, cho biết bí quyết của nhóm 25% vợ/chồng trả lời "hiện tại rất hạnh phúc" sau giai đoạn nuôi con đầu lòng trong dự án khảo sát "Đời sống hôn nhân gia đình đô thị" chính là họ biết cách hâm nóng và giữ lửa tình yêu.

Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên san sẻ việc gia đình, các cặp đôi này còn luôn quan tâm nhau, nói lời yêu thương, nhường nhịn cũng như có nhiều hoạt động vui chơi giải trí cùng nhau. "Những khó khăn trong giai đoạn có con đầu lòng giống như phép thử tình yêu, cặp đôi nào biết cách vượt qua sẽ có hạnh phúc vững bền", ông Thịnh nhận xét.


Theo THÁI BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.