Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phải cắt, đổ bỏ rau, hoa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Vì vậy, từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Rau đổ bỏ, hoa nhổ đem đi đốt
Lâm Đồng được xem là thủ phủ ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi sự bùng phát dịch Covid-19.
Tại thành phố Đà Lạt, phóng viên đã phải chứng kiến nhiều cảnh xót xa khi người dân phải cắt, nhổ bỏ hàng chục tấn rau xanh. Hay những nông dân phải thu gom những cây hoa mình chăm sóc hàng tháng trời để đem đi đốt do không tiêu thụ được.
|
Một người đàn ông ở phương 8, TP.Đà Lạt phải gom hoa ra lề đường đốt do không bán được. Ảnh: Văn Long |
Tại phường 8 (TP.Đà Lạt), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn xót xa chia sẻ, hiện nay giá rau giảm quá sâu cùng với việc chi phí vận chuyển quá cao khiến người dân trồng rau không những không bán được mà còn lỗ vốn. Vì thế, thời gian vừa qua gia đình bà Nhàn phải cắt bỏ hàng chục tấn rau xà lách carol.
Người dân không dám bán rau vì còn sợ lỗ vốn. Trung bình, 1.000m2, nhà vườn sẽ mất khoảng 25 triệu đồng tiền đầu tư gồm giống, phân bón, thuốc, chưa tính công trồng, chăm sóc, thu hoạch. Trong khi đó, nếu giá rau chỉ được 4.000-5.000 đồng/kg mà giá xe lại tăng gấp 2-3 lần thì chắc chắn người dân sẽ không đủ chi trả chi phí đầu tư.
|
Người dân nhiều địa phương tỉnh Lâm Đồng phải bỏ bỏ rau, đưa lên xe chở đi đổ bỏ do giá bán thấp, chi phí vận chuyển lại quá cao. Ảnh: Văn Long |
Vì vậy, bà Nhàn vừa qua đã phải đổ bỏ khoảng 20 tấn rau (4.000m2 trồng rau). Tương đương người phụ nữ này mất trắng khoảng 100 triệu đồng.
Người dân sản xuất đơn lẻ bị ảnh hưởng là chuyện dễ thấy, thế nhưng, một hợp tác xã rau nổi tiếng tại TP.Đà Lạt cũng không phải ngoại lệ. Đó là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hợp tác xã này giảm đến khoảng 60% sản lượng nông sản bán ra ngoài thị trường.
Ông Mai Văn Khẩn – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho biết, các mặt hàng của hợp tác xã trước đây bán chạy hiện nay để không "đi" được. Phần lớn là các mặt hàng cao cấp, cung cấp cho các siêu thị BigC, Metro.
"Chi phí cho vận chuyển rồi chi phí xét nghiệm cho tài xế lái xe sẽ bị đấy lên cao nhưng số lượng rau siêu thị cần quá ít khiến hợp tác xã không thể đi nữa. Trong khi đó, chi phí để gieo trồng mới chúng tôi vẫn phải bỏ ra, không được để đất trống", ông Khẩn lý giải.
Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có thể kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã lên kế hoạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
|
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tăng cường liên kết, thu mua nông sản của hộ nông dân. Ảnh: Văn Long |
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã đề nghị các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày, gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch covid 19 một cách phù hợp để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, ưu tiên duy trì và phát triển sản xuất đối với các sản phẩm có đầu ra ổn định, có liên kết, hợp đồng tiêu thụ.
"Trước tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi sẽ vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tăng cường liên kết, thu mua nông sản của hộ nông dân. Đồng thời, đầu tư mở rộng công suất thu mua, sơ chế, chế biến, đặc biệt là hệ thống kho lạnh dự trữ nông sản đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, chủ động giải quyết các tình huống nông sản tiêu thụ khó khăn do dịch Covid-19.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vật tư nông nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính", ông Châu cho biết.
|
Lâm Đồng được xem là thủ phủ nông nghiệp nhưng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Ảnh: Văn Long |
Chính vì vậy, tỉnh Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ đánh giá nhu cầu vật tư nông nghiệp và thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất trong tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.
Thực hiện rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, diện tích, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ lực và các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn để có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay và ngay sau khi dịch bệnh được khống chế tại các địa phương trong nước.
Theo Văn Long (Dân Việt)