(GLO)- Những năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai tập trung đầu tư hạ tầng lưới điện, đảm bảo cấp điện kịp thời, liên tục cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm gần đây, hạ tầng lưới điện trên địa bàn huyện Krông Pa không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 5 xuất tuyến trung thế đang vận hành với hơn 190 km đường dây và 160 trạm biến áp phân phối, tổng công suất 44.642 kVA. Trong đó, khối lượng đường dây 22 kV là 191 km, dây trần trên không là 169,4 km, dây bọc là 20,5 km và hơn 1.000 km đường dây cáp ngầm.
Toàn huyện có 45.000 ha đất canh tác nhưng chỉ có 10 công trình thủy lợi tưới cho 7.000 ha cây trồng. Vì vậy, UBND huyện đã đăng ký danh mục nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất nông nghiệp với quy mô 69 km đường dây trung áp, 22 trạm biến áp, tổng công suất 2.200 kVA và 70 km đường dây hạ áp để phục vụ nhu cầu bơm tưới của người dân. Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: “Nhiều năm qua, ngành điện đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Hiện nay, lưới quốc gia đã về các buôn làng vùng sâu, vùng xa, thậm chí điện lưới còn được kéo ra cánh đồng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, ngành điện luôn sát cánh cùng chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội”.
|
Điện lực Chư Sê kéo điện về làng Achông, xã Ayun. Ảnh: Hà Duy |
Ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Điện lực Krông Pa-thông tin: “Giai đoạn 2022-2025, đơn vị đã đưa vào danh sách các công trình sửa chữa lớn, riêng năm 2022 có 15 hạng mục với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Điện lực Krông Pa còn đầu tư xây dựng 66 hạng mục mới với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng nhằm cải tạo, khắc phục, sửa chữa các công trình điện hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo vận hành liên tục, an toàn. Theo dự kiến, các công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I và II năm 2022”.
Đầu tháng 2-2022, Điện lực Đức Cơ đã hoàn thành công trình đường điện chiếu sáng tại làng Sung, xã Ia Dơk. Công trình được thực hiện với tổng kinh phí hơn 45 triệu đồng, gồm hệ thống dây và bóng điện chiếu sáng trên tuyến đường hơn 700 m. Không chỉ cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân mà toàn bộ tuyến đường được chiếu sáng vào ban đêm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đây cũng là hoạt động mà Điện lực Đức Cơ thực hiện nhằm góp phần cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Anh Rơ Lan Bleo (làng Sung) cho biết: “Trước đây, việc đi lại vào buổi tối khá khó khăn, an ninh cũng không đảm bảo. Nay có điện chiếu sáng vào ban đêm, bà con đi lại thuận lợi hơn”.
|
Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện vệ sinh sứ cách điện hotline. Ảnh: Hà Duy |
Giai đoạn 2022-2025, Công ty Điện lực Gia Lai triển khai nhiều hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của tỉnh. Để đáp ứng mục tiêu này, Công ty tiếp tục tập trung đầu tư các công trình lưới điện với dự kiến kế hoạch vốn khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Công ty triển khai 2 công trình lưới điện 110 kV, 24 công trình lưới điện trung hạ áp và 3 công trình công nghệ thông tin với tổng kế hoạch vốn hơn 194 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Thanh Liễu-Phó Giám đốc Điện lực Đức Cơ-chia sẻ: “Hàng năm, ngành điện đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng lưới điện các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ thi công điện chiếu sáng, sửa chữa điện sinh hoạt giúp người dân, kết hợp tặng quà cho các hộ khó khăn. Chúng tôi xác định sẽ nỗ lực để đóng góp công sức cùng với địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới, thể hiện trách nhiệm của ngành điện đối với sự phát triển chung của huyện”.
Công ty Điện lực Gia Lai đang quản lý 11 trạm biến áp 110 kV với công suất 536 MVA; 347 km đường dây 110 kV, 4.745 km đường dây trung áp, 4.845 km đường dây hạ áp, cấp điện cho hơn 418.000 khách hàng trong tỉnh và nước bạn Campuchia. Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: Những năm qua, hàng loạt dự án quan trọng đã được triển khai thực hiện với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể triển khai có hiệu quả nhiều công trình có ý nghĩa tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
HÀ DUY