Công bố đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 2/11, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng dự lễ công bố đường bay thẳng giữa TP. Nha Trang (Khánh Hòa) của Việt Nam với Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ, sự kiện quan trọng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh.

Đường bay của Vietjet sẽ được khai thác từ 15/12/2023 với tần suất ban đầu là 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần, thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách Mông Cổ đến với Nha Trang, Việt Nam và ngược lại.

Nha Trang là thành phố biển nổi tiếng thế giới của Việt Nam với khí hậu dễ chịu, bờ biển trải dài với nắng vàng, biển xanh, các điểm đến hấp dẫn, như Tháp bà Ponagar, Hòn Tre, ẩm thực phong phú đặc trưng Á Đông, đậm đà bản sắc vùng biển miền Trung Việt Nam.

Trong khi đó, Thủ đô Ulan Bator là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của Mông Cổ sẽ đặc biệt thu hút du khách với các điểm tham quan văn hóa, lịch sử cùng thiên nhiên kỳ vỹ, những thảo nguyên rộng lớn.

Đường bay sẽ góp phần tạo thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai quốc gia, hai dân tộc, kết nối Việt Nam với Mông Cổ, mở rộng hơn nữa cùng mạng bay của Vietjet phủ khắp Việt Nam, Australia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan...

Các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những năm qua.

Trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.

Từ quan điểm trên, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới.

Hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại mỗi nước; mở rộng hợp tác đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong các ngành hai bên có thế mạnh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước sang nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự lễ công bố đường bay thẳng giữa TP. Nha Trang với Thủ đô Ulan Bator - đường bay sẽ góp phần tạo thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai quốc gia, hai dân tộc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự lễ công bố đường bay thẳng giữa TP. Nha Trang với Thủ đô Ulan Bator - đường bay sẽ góp phần tạo thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai quốc gia, hai dân tộc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, như du lịch, lao động và hợp tác theo các kênh địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương hai nước cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác bền vững.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn về thuận lợi, khó khăn trong quá trình hợp tác đầu tư, kinh doanh; chia sẻ cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm; đề xuất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ, tạo ra những đột phá mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới.

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cho biết, Mông Cổ đã thành lập Bộ Phát triển kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động của các cơ quan phụ trách ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cùng các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cùng các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh khẳng định, Mông Cổ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến việc tạo điều kiện làm việc ổn định và môi trường pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tỉ lệ thuế của Mông Cổ thuộc hàng thấp nhất so với các nước trong khu vực, trong khi hàng hóa sản xuất tại Mông Cổ có cơ hội được hưởng các ưu đãi thuế ở nhiều quốc gia.

Tổng thống cho rằng, Việt Nam và Mông Cổ có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, như lương thực, năng lượng, nông nghiệp, khai khoáng, giao thông vận tải, môi trường và du lịch. Doanh nghiệp hai nước hoàn toàn có thể hợp tác theo hướng cung ứng quặng sắt, than cốc, khai thác và chế biến đất hiếm.

Việc hai nước ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông thông qua chuyến thăm lần này sẽ góp phần tăng cường kết nối giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Mông Cổ nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất