Con số đau lòng: Không bán được, 90% lượng hoa tươi phải đổ bỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nếu như lượng tiêu thụ rau củ quả, trái cây hay các nông sản khác giảm 40-50% thì với hoa tươi, có đến 90% lượng hoa đến ngày thu hoạch phải đổ bỏ - con số theo báo cáo của Hiệp hội hoa Đà Lạt. Các chuyên gia cho rằng, phải đến cuối năm, thị trường hoa tươi mới hy vọng phục hồi một phần.
 
Người dân rao bán hoa ế Đà Lạt. Ảnh IT
Chị Nguyễn Mỹ (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, gia đình, người thân đều gắn bó với nghề trồng hoa. Mười mấy năm nay, chưa bao giờ thấy người trồng hoa rơi vào hoàn cảnh thê thảm như hiện nay. "Hoa không bán được, muốn có người yêu hoa đến lấy về dùng mà cũng không ai đến!", chị Mỹ nói.
Nhiều vườn hoa tại “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt cũng như nhiều huyện khác của Lâm Đồng phải nhổ bỏ để cắt lỗ. Chị Mỹ cùng một số người bạn “xót hoa” nên mở các chiến dịch giải cứu, đưa hoa xuống TP.HCM bán ở các chung cư với giá khá rẻ: Hoa hồng giá 1.500-2.000 đồng/bông; Đồng tiền giá 20.000 đồng/bó 20 bông; Cát tường 30.000 đồng/bó; Thạch thảo 18.000 đồng/bó…
Ngoài ra, vì là bán để “giải cứu” nên chị Mỹ sẵn sàng “bán hoa tặng bình” hoặc “bán bình tặng hoa”. Hoa nào héo, cắm sai mẫu, cắm không đẹp… chị sẵn sàng đổi bó khác cho người mua.
 
Chợ hoa đầu mối Thủ Đức thưa vắng khách hàng
“Hoa không như rau củ quả, vận chuyển phải dùng xe chuyên dụng mới đảm bảo chất lượng. Hoa gởi nhà xe khách, lại qua nhiều khâu kiểm tra, kiểm dịch sẽ hư hao rất nhiều nên càng khó bán. Tại vườn, tới mùa hoa nở nếu không cắt bỏ hoa cũng sẽ tàn, người trồng tốn công chăm sóc, bắt sâu… càng lỗ hơn”, chị Mỹ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ phường 5, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, gia đình có khu nhà kính rộng 8.000m2 trồng hoa hồng ở làng hoa Vạn Thành. Đợt vừa rồi hoa nở rất đẹp nhưng không bán được, ngay cả ngày lễ 8/3 vừa qua cũng không có người mua.
Do đó, ông Toàn phải cắt hoa mang đi đốt để dọn vườn, một phần trồng lứa hoa mới, một phần ông chuyển sang trồng rau để thâm canh tăng vụ trong những ngày thị trường hoa ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng thông tin, trong 2 tháng gần đây, có đến 90% sản lượng hoa Đà Lạt không thể tiêu thụ, buộc phải tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Theo ông Sang, hoa Đà Lạt chủ yếu trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, hoạt động xuất khẩu bị đóng băng, các nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới… đều ngừng hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ hoa cũng giảm theo.
Giá hoa do đó cũng tụt giảm mạnh, người bán gần như “cho không” người mua: Hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền chỉ còn 200 đồng/bông, hoa cát tường, cẩm chướng, salem chỉ còn 10.000 đồng/kg…
 
Giá hoa tụt giảm mạnh, người bán gần như “cho không”
Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty DalatGAP (Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận định, nếu các mặt hàng rau củ quả vẫn còn tiêu thụ được phần nào, vì người dân vẫn có nhu cầu ăn uống hằng ngày thì ngược lại, người trồng hoa Đà Lạt đang khóc ròng trên vườn hoa.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn đóng cửa khiến nhu cầu tiêu thụ hoa không còn, lượng hoa bán ra tại các kênh bán lẻ khác như shop hoa tươi, siêu thị, chợ truyền thống… cũng không bao nhiêu.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên người trồng hoa năm nay sẽ còn kéo dài hơn các ngành khác. Có thể phải đợi đến tháng 9, 10, thậm chí đến mùa lễ hội cuối năm nay, thị trường hoa tươi mới có thể phục hồi được”, ông Cường nhận định.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, lượng hoa hồng về chợ trong tháng 4 đã giảm khoảng 30% so với bình thường, chỉ còn khoảng 25-30 tấn/ngày. Giá hoa cũng giảm gần một nửa, chỉ còn khoảng 40.000 đồng/50 bông, giảm 30.000 đồng so với tháng 3.
Còn tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM), thời điểm này khá vắng vẻ, sức mua tại chợ đã giảm 60-70% so với ngày thường. Nhiều sạp tạm đóng cửa tạm nghỉ, có shop thông báo sang cửa hàng, trả mặt bằng…
Nguyễn Vy (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.