(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vì thế, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của toàn xã hội.
Tích cực quan tâm đời sống nạn nhân
Theo đánh giá của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể của tỉnh đã có nhiều chính sách và biện pháp tích cực để hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ảnh: Phan Lài |
Từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 3 lớp tập huấn để quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công với cách mạng cho cán bộ làm chính sách ở 222 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của 646 người; phối hợp với Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh xét duyệt, thẩm định, giám định, công nhận và giải quyết chế độ cho 191 đối tượng là người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Kinh phí chi trả thực hiện các chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2014 là 112.113.067.000 đồng (trong đó, trợ cấp háng tháng cho đối tượng trực tiếp là 80.470.806.000 đồng; trợ cấp hàng tháng cho đối tượng gián tiếp là 27.548.344.000 đồng; bảo hiểm y tế là 2.514.117.000 đồng; quà của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 1.579.800.000 đồng).
Bên cạnh đó, nhiều ban ngành, tổ chức chính trị xã hội đã chung tay quyên góp tiền ủng hộ các nạn nhân. Từ năm 2012 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động được 6.797.000.000 đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để xây dựng nhà cho các nạn nhân khó khăn; cho các gia đình nạn nhân vay vốn để sản xuất, chăn nuôi; xây dựng nhà học tập đa năng... Những việc làm thiết thực này giúp đời sống của các nạn nhân được ổn định và từng bước được cải thiện, tạo động lực cho họ vươn lên khắc phục những khó khăn trong cuộc sống.
Vướng ở thủ tục
Một giờ học văn hóa tại Trung tâm Nuôi dưỡng-Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh. Ảnh: Thu Huế |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về xét duyệt, thẩm định, công nhận và chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 6.193 đối tượng (trực tiếp và gián tiếp) hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó chỉ có 2.550 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 89 hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin còn tồn đọng, chưa được giải quyết, người thì đang được xem xét tiếp, người thì chưa đúng các thủ tục hồ sơ theo quy định. Có nhiều nạn nhân là thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội rất thấp (mức 1:180.000 đồng/tháng, mức 2: 360.000 đồng/tháng dẫn đến đời sống của đối tượng và gia đình đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Sở dĩ có tình trạng này là do giữa các văn bản quy định của Trung ương chưa có sự thống nhất, thiếu thực tế gây khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện. Trong khi đó, đối tượng đã già yếu, việc đi lại và kinh tế rất khó khăn; danh mục 17 bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học còn nhiều điểm chưa đầy đủ… Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản về chính sách người có công nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nói riêng ở một số địa phương chưa kịp thời, sâu sát; một số cán bộ chính sách chưa thể hiện hết trách nhiệm, hướng dẫn không rõ ràng, tiếp tay cho các đối tượng khai man hồ sơ (gian lận, cố tình làm hồ sơ giả) để được hưởng chế độ, chính sách…
Phan Lài