'Con muốn sống': Người mẹ nghèo nợ 150 triệu đồng khóc nghẹn tìm đủ đường cứu con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Níu lấy tay chúng tôi, chị Hoa lạc giọng: “Tôi không dám nghĩ đến ngày không có tiền để cùng con theo phác đồ điều trị ung thư não. Mong các bác, các anh, các chị thương cháu Tài...”.

Chúng tôi tìm đến mái ấm miễn phí nằm bên cạnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào một ngày nắng oi ả đầu tháng 4. Chị Nguyễn Thị Hoa, 35 tuổi, mẹ em Ngô Tấn Tài (13 tuổi, quê Đồng Tháp) đang giúp các phụ huynh phát cơm miễn phí, còn Tài đang nằm ngủ sau ca truyền hóa chất mệt lả người vì căn bệnh .

Trong nhà trọ chật chội là những đứa trẻ đang cười đùa vui vẻ. Tiếng cười giòn tan của những đứa nhỏ ốm nhom, tay chân chi chít vết kim tiêm, tóc rụng hết... phần nào xoa dịu được không khí bí bách, căng thẳng và u ám trong phòng trọ.

Chị Hoa sẽ chiến đấu với bệnh tật cùng con đến cùng

Chị Hoa sẽ chiến đấu với bệnh tật cùng con đến cùng

Giành giật sự sống cho con

Dáng người đậm, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm, chị Hoa cho biết lúc trước Tài phát triển bình thường. Năm 8 tuổi thấy Tài có các dấu hiệu như mù mắt trái, điếc tai trái, ói mửa, đau đầu và phát triển chậm. Nên gia đình đưa con đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, ở đây bác sĩ chẩn đoán bị ảnh hưởng rồi cấp thuốc và cho về nhà.

Tháng 4.2023, thấy bệnh của con không có dấu hiệu thuyên giảm và ngày càng nặng hơn nên vợ chồng chị Hoa đưa Tài đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Sau khi chụp MRI bác sĩ chuyển gấp lên bệnh viện ở TP.HCM. Ở đây, bác sĩ xét nghiệm mẫu sinh thiết và báo tin: Ung thư não giai đoạn cuối.

Ngày nhận hung tin, chị Hoa nghe như sét đánh ngang tai. Chị không tin căn bệnh quái ác lại ập đến với con của mình. Không giấu được nước mắt, chị kể lại quá trình giành giật sự sống cho con. Chị nhớ bác sĩ nói với chị nên đưa Tài về nhà, sống được với gia đình ngày nào hay ngày đó. Vì khối u phát triển to như quả trứng, chèn ép dây thần kinh. Nếu phẫu thuật thì tỷ lệ thành công 50%, có thể qua đời trên bàn mổ...

Thấy con đau đớn, vật vã, người mẹ không đành lòng nên chị năn nỉ bác sĩ cứu con. “Vợ chồng tôi canh con vô thuốc 3 ngày 3 đêm, nếu con đáp ứng thuốc, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật”, chị nói

Tài đáp ứng được thuốc, vì khối u ác tính quá lớn nên chỉ lấy được 80%. Tháng 12.2023, Tài được chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Huế để xạ trị, với chi phí gần 80 triệu đồng.

Trước thời điểm đó, ông nội Tài cũng đang nhập viện do bệnh tai biến. Áp lực kép về tài chính và tinh thần đã đẩy gia đình chị Hoa vào giai đoạn khó khăn nhất.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Hoa trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật, có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ của em Ngô Tấn Tài) qua số điện thoại 0867157453.

Số tài khoản Nguyễn Thị Hoa 6140205094358 - Ngân hàng Agribank.

“Tôi trắng tay rồi…"

Vợ chồng chị Hoa chật vật xoay sở đủ đường, hết vay mượn đến xin từ thiện để chạy tiền điều trị cho Tài và nuôi 2 đứa con (đứa lớn học lớp 8, đứa sau cùng học lớp 1) đang ở quê ăn học. Cưới nhau đã lâu, vợ chồng chị Hoa vẫn đang còn ở chung với cha mẹ chồng trong căn nhà chật chội ở quê. Chồng làm mướn thu nhập bấp bênh, chỉ đủ để ăn uống, sinh hoạt qua ngày. Còn chị Hoa làm nghề bán cá ở chợ, mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng.

Nuôi người bệnh ung thư như “rót tiền vào hố không đáy”. Tài sản của gia đình chị Hoa không có gì nhiều vẫn phải lần lượt “đội nón ra đi”. Đã có lúc bí bách, chị phải chấp nhận vay nóng với lãi suất cao. Đến nay khoản nợ của gia đình đã lên tới 150 triệu đồng.

“Tôi trắng tay rồi, lận đận 1 năm trời, đang nợ. Mấy chiếc xe làm ăn của vợ chồng tôi cũng bán sạch. Nhưng con mình làm sao bỏ được, bác sĩ nói bệnh này chỉ kéo dài sự sống nhưng gia đình tôi vẫn nuôi hy vọng con cố trụ 5 hay 10 năm, lúc đó y học phát triển sẽ có thuốc chữa con khỏi bệnh”, chị nghẹn ngào.

Ung thư não khiến mắt Tài bị sụp mí, mù mắt trái và điếc tai trái

Ung thư não khiến mắt Tài bị sụp mí, mù mắt trái và điếc tai trái

Từ ngày Tài lâm bệnh, vợ chồng chị Hoa gác hết việc ở quê, lên TP.HCM chăm sóc con. Chị cũng đành đoạn gửi nhờ 2 đứa con ở nhà với bà nội. Thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, đứa nhỏ bị suy dinh dưỡng thấp còi chỉ còn 17 kg. Tiền thuốc thang cho đứa nhỏ cũng 1 triệu đồng/tháng.

“Tôi nhớ con mà không dám về vì sợ người ta đòi nợ. Thằng út bị bệnh bỏ nó tôi cũng không đành nhưng chẳng biết phải làm sao. Tôi sợ lỡ nó giống anh nó nữa. Nhà đã nghèo, nợ tùm lum rồi mà con cái còn bị bệnh 2 đứa”, nói tới đây, chị bật khóc nức nở.

Thuê ngoài không đủ kinh phí, hai mẹ con phải xin tá túc nhà trọ miễn phí. Vợ chồng chị Hoa cố kiếm đồng ra đồng vào lo miệng ăn 7 người cũng như tiền thuốc thang cho 2 đứa con.

Lời nói cuối cùng của con

Khi sức khỏe dần ổn định, Tài được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 TP.HCM để tiếp tục điều trị. Chị Hoa không nhớ con mình đã vào bao nhiêu đợt hóa chất, xạ trị.

Trước khi mắc bệnh, Tài là một cậu bé năng động, vẫn chạy nhảy, chơi đùa cùng các bạn. Nhưng căn bệnh ung thư khiến Tài bỏ ăn dài ngày, cơ thể ốm nhom, từ 33 kg Tài còn 21 kg.

Đến khi nằm viện, cậu bé 13 tuổi vẫn chưa thể nhận thức sự quái ác của căn bệnh đang hành hạ mình từng ngày. Tài chỉ biết cơ thể đang yếu dần, miệng bị lở, nuốt gì cũng thấy đau. Đặc biệt, với Tài nằm viện đồng nghĩa với việc không được đến trường cùng các bạn.

Chị nhớ như in trước khi vào bàn mổ, Tài nói với mẹ: “Mẹ ơi con mổ cục u này ra xong là con được đi học lại ha mẹ? Là con được làm công an phải không mẹ?”. Vì khối u quá lớn, chèn ép dây thần kinh nên sau khi phẫu thuật Tài không thể nói chuyện. Thỉnh thoảng Tài lên cơn co giật. Ước mơ trở thành công an là lời nói cuối cùng của Tài với mẹ và nay cậu đã quên. Còn với chị Hoa, câu nói ấy theo chị suốt đời.

Hiện tại, cuộc sống của Tài chỉ quanh quẩn trong phòng bệnh. Các đợt hóa trị, xạ trị, truyền máu diễn ra liên tục. Khi bị những cơn đau hành hạ, ban đầu Tài chỉ dám rên khe khẽ, lúc nào quá sức chịu đựng mới dám rên lớn… nhưng âm lượng chỉ đủ cho bản thân nghe thấy. Nhiều lúc Tài muốn nói chuyện, an ủi với mẹ nhưng không thể nói được.

“Tôi nuôi nó cả đời cũng không sao"

Mỗi đêm, khi con đã say ngủ trong lòng, chị Hoa vẫn hay giật mình thức giấc kiểm tra hơi thở, nhìn con khẽ cựa bởi nỗi sợ mất con. Thói quen ấy đã tròn 1 năm.

Trong những đêm thức trắng, chị cố giải thích vì sao con trai mắc ung thư nhưng chẳng tìm ra câu trả lời. Nên chị cũng đành đưa ra một lý do mà chị tạm chấp nhận để nguôi ngoai đi những trăn trở trong lòng.

“Số mệnh nó không may mắn nên đành phải chịu. Con có duyên với mình tới đâu hay tới đó”. Nhưng thương con, nhiều khi chị không đành lòng: “Sau này nó có thể ở hoài với tôi như vậy cũng được, nó không lớn cũng được chỉ cần đừng bỏ tôi đi là được. Tôi nuôi nó cả đời cũng không sao”.

Chị Nguyễn Thị Hoa khóc nghẹn khi nghĩ về con

Chị Nguyễn Thị Hoa khóc nghẹn khi nghĩ về con

Từ ngày cùng con bám trụ ở bệnh viện, nhìn con từng ngày cố gắng vật lộn với những cơn đau đớn sau các đợt hóa trị, xạ trị, chị Hoa quyết không bỏ cuộc. Chị tự dặn mình phải kiên cường lên để thành chỗ dựa vững chắc cho Tài.

Níu lấy tay chúng tôi, chị Hoa lạc giọng: “Tôi không dám nghĩ đến ngày không có tiền để cùng con theo phác đồ điều trị não. Mong các bác, các anh, các chị thương con trai em với...”.

Sự bất lực giằng xé tâm can khiến chị Hoa nấc nghẹn, không nói hết câu, đưa tay lên ngang mặt lau nước mắt, chị vội vã trở vào phòng dìu Tài vừa thức giấc. Nhìn theo cái dáng lầm lũi của chị khiến tôi không khỏi nao lòng…

Ngồi bên mẹ, Tài bẽn lẽn. Thấy mẹ khóc, Tài ú ớ, tay chân quơ quơ như đang cố giải thích điều gì đó. Chị Hoa đưa tay lên vuốt lại mái tóc ngắn cũn của con, chị dặn con ráng khỏe để sớm về quê, để con còn được đến trường với các bạn…

Có thể bạn quan tâm

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…