Còn "hàng rào" liên vùng, công nhân khó đi làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Không có một chữ “phá rào” nào cả, nhưng việc TPHCM gửi phương án tổ chức đi lại cho người lao động giữa 5 địa phương cho Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh cũng giống y như việc “phá rào”.

 

Nhà máy có mở cửa cũng không thể hoạt động, nền kinh tế cũng không thể phục hồi nếu vẫn tồn tại những
Nhà máy có mở cửa cũng không thể hoạt động, nền kinh tế cũng không thể phục hồi nếu vẫn tồn tại những "hàng rào biên giới" giữa các địa phương. Ảnh: Anh Tú


Huỳnh Trúc My Kha, nữ công nhân Công ty TNHH PouYuen, 41 tuổi, hôm qua nhận được tin nhắn trở lại làm việc sau 3 tháng “đóng băng”.

My Kha, mẹ đơn thân, một nách 2 con, quá mong muốn được đi làm. Đơn giản là đã quá lâu, và quan trọng hơn là để có tiền nuôi 2 con, nuôi cha mẹ chồng đã lớn tuổi.

My Kha đã được tiêm vaccine mũi 1, hiện đang sống ở Long An, cách công ty khoảng 50km, là một trong 16.000 công nhân Công ty Pouyuen, chiếm tới 30% lực lượng lao động - sống ở 4 tỉnh lân cận TPHCM - đã phải nghỉ việc 3 tháng qua do các chính sách hạn chế đi lại.

Trên VNExpress, Chủ tịch Công đoàn Pouyuen Củ Phát Nghiệp nói một câu, nhưng lại là quan trọng nhất: Xe đã sẵn sàng để đưa công nhân quay trở lại nhà máy. Chỉ chờ các quyết định chính thức, thống nhất từ chính quyền TPHCM và các tỉnh.

Trong cái câu quan trọng ấy, có 3 chữ “và các tỉnh”, nó rất quan trọng.

Chính quyền TPHCM từ mấy hôm trước đã có phương án tổ chức đi lại cho người lao động giữa 5 địa phương cho Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.

Câu chuyện, y hệt như TPHCM sẵn sàng chia sẻ vaccine với các tỉnh có chung “biên giới”.

Nếu nhà máy sẵn sàng đón công nhân, nếu TPHCM mở cửa mà hàng xóm vẫn “dựng biên giới” thì cửa có mở to đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Trên bình diện quốc gia, không một địa phương nào sử dụng nguồn nhân lực chỉ trong phạm vi nội tỉnh, chưa nói đến chuỗi cung ứng hàng hoá, đặc biệt là nguyên vật liệu sản xuất.

Ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong chiến lược “thích ứng linh hoạt”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định là ngay cả khi phân xưởng xuất hiện F0 thì cũng không có nghĩa là phải đóng cửa cả nhà máy.

Ngoài TPHCM, các địa phương đang dần mở cửa nhà máy. Hay như Đồng Nai, đã chấp nhận để 13.500 công nhân vùng xanh được đi làm trở lại.

Nhà máy mở cửa càng sớm, càng mau chóng phục hồi sản xuất, càng tránh được nguy cơ người lao động bỏ về quê gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động.

Trong khi chờ một phương án thống nhất việc đi lại trên toàn quốc, có lẽ mô hình khu vực kinh tế, như sự trao đổi để tạo ra sự thống nhất giữa TPHCM và 4 địa phương lân cận rất cần được áp dụng.

Đó chính là linh hoạt, nhanh nhạy, vì 3-4 tháng phong toả là quá đủ cho cả nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và đặc biệt là với những người lao động như chị My Kha.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/con-hang-rao-lien-vung-cong-nhan-kho-di-lam-960101.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.