Con đường chết chóc tìm miền đất hứa-Kỳ 3: Liều mạng vượt biển sang Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những người di cư ở thị trấn Calais (tỉnh Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp) tưởng như đã chạm vào giấc mơ 'miền đất hứa' Anh khi nhìn thấy rõ những vách đá trắng của hạt Kent (Anh) vào lúc trời trong...
 
Ngày càng có nhiều người di cư liều mạng vượt biển Manche bằng đường biển sang Anh - Ảnh: AFP
Điều cô ấy làm, chúng tôi là đàn ông không làm được. Chúng tôi không đủ can đảm như cô ấy
Một người đi chung xuồng nhận xét về chị Mitra Mehrad
Cái chết của người phụ nữ can đảm
Ông Georges là dân địa phương đang giúp đỡ nhân đạo cho người di cư đã thở phào giải thích: "Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vượt qua 33km eo biển Manche. Một số người thậm chí còn dùng xuồng hơi vượt biển lúc trời lạnh 8°C".
Trước đây, rất ít trường hợp người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển vì quá nguy hiểm. Đây là hành trình đối diện tử thần vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc. 
Thời gian gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt. Người dám liều mạng vượt biển thường là dân Iran và Iraq. Trong năm 2018 có 71 vụ được ghi nhận, trong đó có 40 vụ thành công. Còn năm trước đó chỉ có 12 vụ.
Chị Mitra Mehrad, 31 tuổi, người Iran, được coi là trường hợp người di cư tử nạn đầu tiên khi vượt biển Manche sang Anh bằng đường biển. Vào ngày định mệnh 9-8-2019, chị đi chung xuồng hơi với 19 dân di cư người Afghanistan và Iran. Ba người trên xuồng nhảy xuống biển để cố cột xuồng vào phao nổi. Hai người còn sống, chỉ có chị mất tích.
Những người trên xuồng chứng kiến sự việc, nhưng không làm gì được. Một người đi chung kể với kênh truyền hình Sky News (Anh): "Điều cô ấy làm, chúng tôi là đàn ông đã không làm được. Chúng tôi không đủ can đảm như cô ấy". 
Do hết xăng và không mang theo chèo, xuồng bị trôi và cuối cùng được hải quân Anh vớt. Gần 10 ngày sau, thi thể chị Mitra Mehrad được tìm thấy gần bờ biển Hà Lan. Nạn nhân có bằng thạc sĩ tâm lý học do đại học ở Thái Lan cấp.
Ngày 11-10, tòa án ở Boulogne-sur-Mer (tỉnh Pas-de-Calais) đã mở phiên tòa xét xử hai tên cầm đầu đường dây đưa người lậu gồm một công dân Afghanistan và một công dân Hà Lan với tội danh lập băng nhóm có tổ chức đưa lậu người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép tại Pháp, câu kết với bọn xấu và vô ý làm chết người. 
Phiên tòa được hoãn đến giữa tháng 12-2019. Trong tháng 8 và 9-2018, hai bị cáo đã tổ chức nhiều chuyến vượt biển Manche bằng đường biển. Chúng mua 6-8 xuồng hơi với giá từ 2.000-3.000 euro mỗi xuồng rồi thu của người di cư từ 1.000-3.000 euro tiền công đưa người sang Anh.
Khi chính quyền Pháp quyết tâm giải tỏa các lán trại của người di cư, nhất là ở Calais trong năm 2016 và 2017, người di cư muốn sang Anh đã thay đổi ý định. Thay vì chờ các băng nhóm đưa người tổ chức chuyến đi, họ đã liều mình vượt biên.
Ông Tom Dowdall - phó giám đốc Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) - giải thích trên báo The Telegraph (Anh): Việc Pháp tăng cường củng cố an ninh có thể thúc đẩy bọn đưa người vượt biên liều lĩnh chọn các tuyến đường dễ dàng hơn và các cảng ít kín đáo hơn như cảng Zeebrugge ở Bỉ. 
Chúng nghĩ rằng Zeebrugge là cảng vận chuyển hàng hóa và container nên không được trang bị để phát hiện người di cư, như vậy xác suất thành công sẽ cao hơn. Chúng cũng có thể thực hiện các cách thức đưa người vượt biên đầy nguy hiểm hơn như dồn người vào thùng xe đông lạnh hay dồn người trên xuồng cao tốc vượt biển Manche.
 
Người di cư ở Calais thu dọn lều khi hay tin có lực lượng truy quét - Ảnh: AFP
Như bắt cóc bỏ đĩa
Hiện nay, cách thức vượt biên sang Anh phổ biến nhất vẫn là trốn sau xe tải. Năm ngoái đã có gần 26.000 người di cư trốn trong xe ôtô và xe tải bị phát hiện tại cảng Calais và đường hầm qua biển Manche, trong đó 60% lên xe tại Bỉ. Con số nêu trên tuy lớn nhưng xem ra đã giảm 50% so với trước khi "khu rừng rậm Calais" (khu lán trại của người di cư ở ngoại ô Calais) bị giải tỏa. 
Rạng sáng 24-10-2016, cảnh sát Pháp bắt đầu chiến dịch quy mô giải tỏa "khu rừng rậm Calais". 170 xe ca được huy động để chở người di cư. Khu lán trại này hình thành từ đầu thập niên 2000 bên cạnh lối vào đường hầm qua biển Manche và khu vực cảng Calais. Trước khi bị giải tỏa có khoảng 6.400 người di cư tứ xứ dựng lán trại sinh sống.
Hơn ba năm sau, tỉnh Pas-de-Calais ghi nhận số lượng người di cư đã giảm 20 lần, chỉ còn khoảng 300 người so với năm 2016. Chính quyền thường xuyên tổ chức kiểm tra để ngăn chặn người di cư chiếm dụng đất tư nhân hoặc đất công dựng trại. Một người nhập cư than thở: "Cứ cách ngày, buổi sáng cảnh sát lại đến dỡ lán trại, phá lều và mang đi hết các thứ, kể cả quần áo".
Báo La Voix du Nord ghi nhận vào đầu tháng 9-2019, người di cư phân tán nhiều nơi, nhưng vẫn tiếp tục dựng lều theo từng nhóm nhỏ. Khi hay biết có cảnh sát bố ráp, họ gom lều đi nơi khác uống cà phê chờ rồi sau đó quay lại chỗ cũ dựng lán. 
Cảnh sát chơi trò "bắt cóc bỏ đĩa" trong khi dân địa phương la làng tố người di cư vứt rác tùm lum khiến chuột nghe mùi kéo tới, ăn ở bẩn thỉu, gây ồn ào và mất an ninh. Ban đêm thanh niên di cư chẳng biết làm gì bèn đem bóng ra chơi rầm rầm giữa đường lộ rồi còn nổi hứng đốt lửa trại.
Trong vụ đưa người vượt biển Manche sang Anh với chị Mitra Mehrad là nạn nhân, bọn đưa người vượt biên vô đạo đức đã chọn cách thức nguy hiểm này vì lo sợ viễn ảnh sau Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), tình hình di dân sẽ trở nên khó khăn hơn. 
Chuyên gia về nhập cư François Gemenne - giáo sư Học viện Chính trị Paris (Pháp) - bộc bạch: "Càng gần đến Brexit, càng có nhiều người di cư muốn vào Anh nhanh chóng do họ sợ sẽ khó đi hơn. Biên giới sẽ đóng giữa bờ biển Anh với Pháp và Bỉ. Thật không may chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thảm kịch mới của người di cư vì họ đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để vượt qua".
Đến nay, cho dù xác suất đi trót lọt sang Anh ngày càng thấp và cuộc sống ngày càng bấp bênh làm tăng thêm chi phí, người di cư vẫn tiếp tục bám trụ tại Calais chờ ngày đến "miền đất hứa".
Tuần tra ngăn chặn vượt biển
Tháng 1-2019, Pháp và Anh đã đưa ra kế hoạch hành động chung ngăn chặn di cư trái phép bao gồm tổ chức tuần tra trên biển cũng như trên đất liền, nâng cao nhận thức của những người bán thiết bị hàng hải, đồng thời tăng cường an ninh tại cảng.
Ngăn chặn vượt biên trên biển Manche cũng trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của hiến binh thị trấn Neufchâtel-Hardelot (tỉnh Pas-de-Calais). Mỗi ngày họ đi bộ hoặc đi xe máy tuần tra khắp các bãi biển rộng lớn.

Chỉ huy đơn vị giải thích: "Bọn đưa người vượt biên lậu thường giấu xuồng hơi trong cồn cát để bí mật ra đi ban đêm". Các hiến binh đã phát hiện nhiều xuồng hơi trang bị động cơ, bình xăng, máy bơm hơi. Tất cả đều là hàng mới mua.

Người di cư tứ xứ đổ xô về Pháp và Bỉ chờ thời cơ vượt biên sang Anh. Vì sao? Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt người Bỉ đã đưa ra năm lý do giải thích trong báo cáo dày 20 trang: "Nước Anh, miền đất hứa của dân di cư? Phân tích "giấc mơ Anh"" ...
Kỳ tới: Vỡ mộng nước Anh
Hoàng Duy Long (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.