Cô Tô - đảo Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đoàn chúng tôi gồm khoảng 20 văn nghệ sĩ từ Quảng Nam đã ra cảng Cái Rồng thuộc huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Đứng trên bến cảng chờ tàu, trông ra vịnh Bái Tử Long chập chùng đảo đá mù sương rồi quay lại  ngược nhìn về phía đất liền, thị trấn Cái Rồng- thủ phủ của khu kinh tế Vân Đồn- đang vươn mình ra biển với tiềm năng của một đô thị lớn trong tương lai.

 

 



Có thể nói Cái Rồng là trái tim của Vân Đồn, Vân Đồn lại là gương mặt tương lai của Quảng Ninh, còn Quảng Ninh thì  lâu nay vẫn thường được ví von như một “Việt Nam thu nhỏ” bởi sự đa dạng về địa hình, sở hữu nhiều giá trị tiềm tàng về văn hóa, kinh tế, du lịch; một tỉnh mà có đến 4 thành phố và 2 thị xã, hơn hai ngàn hòn đảo với hàng chục cảng, bến lớn nhỏ. Tất cả đều đã và đang đua nhau phát triển từ mấy năm nay. Lại nhớ mấy câu thơ tếu của nhạc sĩ Tố Hải ở Nha Trang- tác giả của ca khúc “Sông Đăkrông mùa xuân về”: “Hôm nay về lại Quảng Ninh/ Bâng khuâng khi thấy cửa mình mở ra/ Thằng tây cho chí thằng ta/ Thằng nào cũng phải chui qua cửa mình/ Chủ trương thực hiện đình huỳnh/ Xuất thô đã giảm, xuất tinh đã nhiều”. Quả là một cụ già thông minh vui tính! He he!

Nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải ở Vân Đồn mà là Cô Tô, cũng là một huyện đảo nằm chếch về hướng đông bắc, cách bờ khoảng 60 hải lý.

Chuyến tàu cao tốc đưa chúng tôi ra biển theo một thủy lộ quanh co, len lỏi giữa những đảo đá điệp trùng trên vịnh Bái Tử Long. Hôm đó là một ngày có sóng to. Con tàu vỏ composit liên tục nghiêng ngả, chồm lên rồi chúi xuống những ngọn sóng cao như núi khiến cho những kẻ ưa cảm giác mạnh như tôi cũng nhiều phen khiếp vía, trong đầu cứ tự hỏi nếu nó gãy đôi thì mình sẽ thoát thân bằng cách nào (?!). Nhưng trông sang hai bên mạn, thấy những con tàu du lịch khác cũng đang bình an xuôi ngược như mình thì phần nào cũng yên tâm, bớt “nghĩ dại”. Trên tàu, ngoài một số hành khách địa phương vẫn chuyện trò tỉnh bơ còn phần lớn khách du lịch đều đồng thanh “bài ca á... ố” nhịp nhàng với những cú lắc như như trời giáng của thân tàu. Sau “á... ố” lại rộ lên tiếng “ọ...ọe” đâu đó, báo hại các nhân viên nhà tàu phải vất vả chuyển các túi ni lông đến cho kịp lúc.

Sau hơn một tiếng rưỡi “kiên gan” với cảm giác vừa kinh hoàng vừa thích thú của “lượt đi” trong chuyến hải hành này, đảo Cô Tô Lớn đã thấp thoáng chân trời với những tòa nhà màu trắng nhô cao như cột mốc giữa trùng khơi. Rồi bến cảng, âu tàu lần lượt hiện rõ dần với vô số tàu thuyền ra vào tấp nập.

Chúng tôi nối đuôi nhau trèo lên cầu tàu cùng lúc với các đoàn khách từ vài con tàu khác. Ngay ở đầu cầu tàu có một ca-bin Cảnh sát nhưng không thấy hỏi han giấy tờ gì ngoại trừ  một vị khách Hàn Quốc bị thẩm vấn trong giây lát. Từ tháng 7-2016, với việc công nhận Cô Tô là khu du lịch địa phương, du khách nước ngoài đến Cô Tô không còn phải xin giấy phép theo nghị định 71/2015 về việc quản lý biên giới của chính phủ. Cho nên kể từ đó, trung bình hằng năm đã có gần 5 ngàn khách quốc tế (trong tổng số 35 vạn lượt khách) đến với hòn đảo xinh xắn này. Tuy nhiên, vẫn có một sự cố xảy ra trong những ngày rong chơi trên đảo đã thực sự gây ấn tượng  vô cùng thích thú đối với tôi.

Đó là vào buổi chiều tà ngày đầu tiên trên đảo, mấy anh em chúng tôi đang ngồi ở một quán bia bên con đường ven biển của thị trấn Cô Tô. Lúc bia khui được vài tuần, một anh nhà thơ trong đoàn cao hứng ngâm bài “Phong Kiều dạ bạc”, một bài thơ có địa danh Cô Tô của Trương Kế (nhà thơ Trung Quốc thời Đường) mà ai cũng thuộc: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Anh em vỗ tay, còn tôi thì bảo: “Thơ Đường mà đọc bằng tiếng Việt thì Tàu nó cũng lắc đầu!”- “Rứa ông ưng đọc bằng tiếng chi?”- Anh bạn nhà thơ ban nãy sửng cồ. Tôi vênh mặt: “Đọc tiếng gì cho người ta đừng nhầm cái địa danh Cô Tô của mình chớ. Tôi đọc tiếng Tàu cho mấy ông coi!”.

Nghe chúng tôi cãi nhau, mấy người phụ nữ bàn bên chợt nhìn sang, thầm thì chỉ trỏ:

- Ủa, ở đâu bữa nay lại thòi ra mấy ông Tàu ồn ào như chợ vỡ thế này?

- Ừ, nhưng tôi lại nghe có lúc họ nói xen tiếng Việt.

- Chắc là dân Quảng Đông đó?

Ngay lúc đó, tôi bắt đầu cao giọng ngân nga bài thơ bằng tiếng Trung mà tôi đã học được của một thằng bạn ở Chợ Lớn hồi trước năm 1975(*). Lần này anh em càng vỗ tay cuồng nhiệt hơn. Một anh bạn ở Hội An đưa hai tay lên trời:

- Ui chao! Cha ni học ở đâu mà đọc y chang mấy ông Minh Hương ở cùng khu phố nhà mình rứa hè?

Đột nhiên, chúng tôi nghe tiếng cô chủ quán đang gọi điện chuyện trò với ai đó, giọng có vẻ nghiêm trọng:

- Dạ, báo cáo anh! Có mấy người bên Quảng Đông Trung Quốc không rõ lên đảo từ khi nào, nay đang ngồi ở quán em ạ!

Chúng tôi ngạc nhiên cùng quay lại nhìn. Một anh trong đoàn tiến lại phía cô chủ, cố gắng uốn lưỡi phát âm theo giọng Bắc, nhưng lâu lâu lại “vấp Quảng”:

- Em gọi ai thế? Chúng anh Việt Nam mà!

- Thế sao nghe các anh nói chuyện em chả hiểu gì cả.

- À, tiếng Quảng Nôm đó. Không phải Quảng Đông mô!

- Vậy cái anh kia đọc bài thơ gì đó cũng theo tiếng Quảng Nam à?

- Không, bài đó thì theo tiếng Trung, nhưng anh nớ chỉ thuộc mỗi bài đó thôi em à! Tin anh đi!

- Thế trong đoàn các anh không có ai người nước ngoài à?

- Không, chúng anh đều là dân xứ Quảng cả. Nhưng sao ở đây lại kỵ người nước ngoài rứa hè?

- Dạ không hề kỵ, nhưng phải báo cáo chính quyền, các anh thông cảm!

- Ừ, thế cũng tốt. Nhưng dân mình cố gắng học thêm tiếng Quảng em nha!

Hóa ra, giọng Quảng bọn tôi vốn đã đặc sệt lại còn đọc thơ tiếng Tàu nữa nên suýt đã tự gây ra phiền phức. Và hình như một số điều khoản trong Nghị định 71/2015 đã ăn sâu vào trong tâm thức, rồi trở thành một phản xạ cảnh giác thường trực trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân trên hòn đảo ngọc này.

Ngồi trên xe điện trở về khách sạn, một loại phương tiện rất phổ biến trên phố đảo này, bọn tôi cứ nhắc mãi lại sự cố ban chiều rồi ôm bụng cười ngất. Thị trấn Cô Tô đã lên đèn. Chỉ có ánh sáng nối liền biển đảo mà không nghe tiếng động cơ. Dọc ra phía ngoại ô, lại càng nhận ra vẻ hoang sơ trên những bãi cồn cát trắng, có cả những cây phi lao mọc xen trong lùm cây dại. Lại nao nao nhớ về những bờ bụi quê nhà.

Theo PHAN VĂN MINH (cand)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.