Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn liên tục diễn ra trong những ngày gần đây khiến dư luận hết sức lo ngại. Vừa trở về từ hiện trường vụ xe chở sinh viên rơi xuống vực tại đèo Hải Vân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có trao đổi nhanh với báo chí về những bất cập khiến việc kéo giảm TNGT trở nên khó khăn và giải pháp khắc phục những vấn đề này.
Hiện trường một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người chết |
PHÓNG VIÊN: Bộ trưởng có nhận định gì sau các vụ TNGT liên tục xảy ra gần đây?
Bộ trưởng NGUYỄN VĂN THỂ: TNGT vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, dù đã có nhiều cố gắng nhưng năm 2018, chúng tôi chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu giảm TNGT, đó là giảm được số vụ, số người bị thương, riêng số người chết chỉ giảm được 0,4% chứ không đạt mức giảm 5% như đã đề ra. Ở một số thời điểm, số người chết vì TNGT còn tăng cao so với cùng kỳ. Sau hơn 1 năm làm bộ trưởng, tôi thấy rằng, TNGT có nhiều lý do nhưng rõ ràng ý thức chấp hành của lái xe là chưa tốt. Biểu hiện ở chỗ, lái xe dù có bằng cấp đầy đủ nhưng vẫn không chấp hành các hiệu lệnh, như: không dừng đèn đỏ, vẫn sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi điều khiển phương tiện.
Hầu hết các vụ tai nạn vừa qua các lái xe đều có vấn đề về sức khỏe, ngoài các chất kích thích còn có cường độ làm việc quá cao. Sắp tới, chúng ta sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, xử lý thật nặng những lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Với những vụ tai nạn gây chết người, có thể sẽ thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe.
Vậy còn trách nhiệm của Bộ GTVT thì sao?
Về góc độ ngành, có rất nhiều nội dung cần được rà soát lại nhưng vấn đề nổi bật hiện nay là hạ tầng giao thông đang yếu kém, công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường chưa đáp ứng kịp thời. Hiện cả nước có 24.600km đường ô tô với hàng ngàn cầu cống các loại. Theo quy định, cứ 5 năm, chúng ta phải trung tu, thay mặt đường cũ bằng mặt đường mới, sau 10 năm đại tu toàn bộ lớp bê tông nhựa bên trên. Với quy trình hiện nay, mỗi năm có 5.000km cần được trùng tu nhưng trên thực tế, kinh phí chỉ đáp ứng 30%. Tình trạng này nếu kéo dài đường sẽ ngày càng hư hỏng nặng, tất yếu dẫn đến TNGT gia tăng. Để xử lý vấn đề này, dự kiến trong quý 1-2019, Bộ GTVT sẽ hoàn thành một đề án về duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Quan điểm của chúng tôi là phải coi công tác duy tu bảo dưỡng đường là quan trọng, cấp bách, cần được quan tâm đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau.
Bên cạnh đường bộ, an toàn hàng không cũng là vấn đề người dân quan tâm khi một số sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không vừa xảy ra, nhất là trong bối cảnh thị trường hàng không đang tăng trưởng mạnh?
Gần đây, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều chỉ thị, văn bản siết chặt vấn đề an toàn hàng không. Theo tôi, có 2 nhóm vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, về kỹ thuật máy bay, chúng tôi sẽ tập trung vào đội ngũ kiểm tra kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra máy bay. Phải đảm bảo được rằng các cán bộ kỹ thuật làm việc có trách nhiệm, không có sai sót về chủ quan trước mỗi chuyến bay. Thứ hai là chất lượng phi công. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra xử lý các phi công có vấn đề về chuyên môn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý bay, cảng hàng không và các đơn vị liên quan cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc nếu có vi phạm. Đối với hãng hàng không có vấn đề, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát đặc biệt. Khi bị giám sát đặc biệt, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn về thương quyền, về giá trị doanh nghiệp, đó là điều không ai mong muốn nhưng chúng tôi phải làm vì tính mạng con người là quan trọng nhất.
Xin Bộ trưởng cho biết làm thể nào để người dân có thể an tâm hơn về vấn đề an toàn giao thông trong thời gian tới?
Ngay sáng 9-1, Ban Bí thư đã họp sơ kết Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tôi được biết, sắp tới, Ban Bí thư sẽ có kết luận nêu ra một số việc cụ thể, yêu cầu Chính phủ, cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ GTVT phải thực hiện, theo hướng sẽ xử lý nghiêm, thật nặng để đảm bảo tính răn đe, ví dụ với hàng không, lỗi nhẹ thì thu hồi slot (giờ hạ, cất cánh - PV), lỗi nặng thì giảm thị phần, nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng có thể cấm bay. Với các phương thức vận tải khác, các quy định mới sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia vận tải đều phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo sinh mạng người dân, để người dân có thể an tâm khi tham gia giao thông.
Khởi tố lái xe gây tai nạn trên đèo Hải Vân
Sáng 10-1, Thượng tá Trần Đăng Điền, Phó Trưởng Công an huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trương Anh Minh (trú TP Sóc Trăng) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017”. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vào lúc 12 giờ 30 ngày 8-1, tại km 898+200 QL1A qua đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trương Anh Minh điều khiển ô tô 51B - 22.930 theo hướng Đà Nẵng - Huế. Khi đến vị trí nói trên, xe đang đổ dốc và Minh cho xe vượt xe cùng chiều tại khúc cua ngoặt không đảm bảo an toàn đã gây ra tai nạn giao thông khiến 21 người bị thương và 1 người tử vong. Sau khi ổn định tinh thần và sức khỏe, Minh bước đầu khai nhận hành vi của mình.
Vào lúc 9 giờ 10 ngày 10-1, trên đèo Hải Vân lại xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe bồn chở gas và xe chở khách du lịch. Theo đó, xe bồn chở gas 92C - 07884 chạy trên đèo Hải Vân hướng Bắc - Nam, khi đến Km 912+600 (địa phận quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bất ngờ tông vào ô tô chở đoàn khách du lịch khoảng 40 người chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến cabin xe bồn xoay ngang đường, giao thông bị ách tắc, đầu ô tô khách bị hư hỏng. Rất may không có thương vong về người.
Văn Thắng - Lê quyên - Bích Quyên(thực hiện/sggp)