Từng được xem là cực Đông Tổ quốc, nơi ngắm ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam, mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) làm say lòng những ai từng ghé đến bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ
Chẳng dự định trước, chuyến đi đến tỉnh Phú Yên - vùng đất "hoa vàng, cỏ xanh" của chúng tôi đầy ngẫu hứng. Không lịch trình, không chuẩn bị, ấy vậy mà hành trình 2 ngày ngắn ngủi tại mảnh đất ven biển duyên hải miền Trung lại đi từ say đắm này đến hân hoan khác. Không chỉ ngắm nhìn nhà thờ Mằng Lăng với kiến trúc độc đáo trăm tuổi, chạm chân nơi tuyệt tác thiên nhiên ghành Đá Dĩa, khám phá tháp Nhạn huyền bí, chúng tôi còn có trải nghiệm tuyệt vời ở mũi Đại Lãnh (hay còn gọi là mũi Điện).
Mũi Đại Lãnh là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện ra vào cuối thế kỷ XIX. Vì thế, trước đây, người ta gọi nơi này là Cap Varella. Cách TP Tuy Hòa chừng 40 km về phía Nam, nơi đây còn là điểm A8 đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam.
Những tia nắng đầu tiên nhô lên ở mũi Đại Lãnh luôn được nhiều người “săn đón” |
4 giờ sáng, chúng tôi theo lời chỉ dẫn của Google map (ứng dụng tìm đường) đến mũi Đại Lãnh. Không gian vẫn còn chìm trong tĩnh lặng, hương biển, hương núi tinh nguyên phảng phất. Ban mai phơn phớt hồng, tô điểm thêm chút huyền ảo cho bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
Đến chân núi để lên mũi Điện, thay vì leo bậc thang dẫn đến điểm ngắm bình minh, chúng tôi men theo những hòn đá để tận hưởng thêm không khí thiên nhiên đầu ngày. Leo chừng 1 km mới đến được ngã ba rẽ đi các hướng: đường lên ngọn hải đăng, đường ra mũi Điện và đường đến mũi Rạng Đông - nơi ngắm mặt trời lên. Khi chúng tôi đến mũi Rạng Đông, chân trời màu hồng phớt vừa chuyển sang màu vàng cam và mặt trời từ từ nhô lên.
Hải đăng mũi Đại Lãnh |
Thật khó để diễn tả trọn vẹn cảnh sắc bầu trời hôm ấy. Trước mặt là biển Bãi Môn êm đềm nhịp sóng, bên kia là vách đá sừng sững xếp chồng lên nhau vươn mình ra biển, sau lưng là ngọn hải đăng vững chãi giữa dãy núi trập trùng. Lá cờ Tổ quốc tung bay đầy kiêu hãnh. Những tia nắng mới ló dạng đã vội vươn mình giữa trời cao, mặt trời đỏ rực như hòn lửa. Bức tranh thiên nhiên cũng theo đó chuyển từ thơ mộng sang hoang sơ, kỳ vĩ. Âm thanh sóng biển rì rào hòa cùng tiếng chim biển gọi bầy khiến không gian nơi đây càng thêm huyền ảo, say đắm.
Sau khi ngắm trọn khoảnh khắc hừng đông và tận hưởng đủ đầy vị gió, chúng tôi mới quay ngược về ngọn hải đăng Đại Lãnh - một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta. Hải đăng cao 110 m tính từ mực nước biển, bên trong có 108 bậc thang xoắn ốc bằng gỗ lên tận đỉnh. Từ lan can bên ngoài của ngọn hải đăng, phóng tầm mắt ra bốn phía, mặt biển tựa như đang vỗ về, ôm ấp mây trời lãng đãng.
Trên đường trở về, chúng tôi lại thêm lần nữa ngất ngây trước vẻ đẹp của con đường đến mũi Đại Lãnh. Màu xanh thăm thẳm của núi rừng, màu xanh bàng bạc của biển trời giờ hiện lên rõ nét trong sắc nắng vàng ươm. Nếu đèo Cả của đêm hoang dại, bí ẩn thì đèo Cả của ngày tràn đầy sức sống, tươi mới. Ngoái nhìn lần nữa về phía Mũi Đại Lãnh, ngọn hải đăng giờ là chấm nhỏ giữa nền trời, có chút tĩnh lặng mà ấm áp như người cha già đang ngóng đợi con thơ...
Trước đây, mũi Điện được xem là điểm cực Đông - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Tuy nhiên, sau này, giới chuyên môn xác định mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) mới là điểm cực Đông của nước ta. |
Bài và ảnh: TRÂM ANH (NLĐO)