Cô gái trẻ "mê" nông nghiệp Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trần Thị Thúy An-cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vừa kết thúc khóa thực tập sinh tại Israel sau 16 tháng học tập và làm việc tại đây, mang theo những kiến thức mới mẻ với khát vọng đóng góp cho nông nghiệp Việt Nam.

“Bố mẹ tôi là nông dân trồng cà phê nên từ nhỏ, tôi đã được làm quen với nương rẫy. Khi đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp cho tương lai, tôi phân vân với nhiều lối rẽ: nông nghiệp hay những ngành nghề thời thượng đang thu hút giới trẻ. Cuối cùng, tôi quyết định chọn ngành Nông học của Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Chuyến thực tế vừa qua tại Israel giúp tôi củng cố thêm tình yêu ngành học mình đã chọn”-Trần Thị Thúy An hào hứng chia sẻ.

Đi một ngày đàng...

Trần Thị Thúy An cho biết, khác với Việt Nam, Israel lại là quốc gia bán sa mạc, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, quốc gia này đã biến vùng sa mạc thành đất canh tác, phát triển nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới như một phép màu.

“Phép màu mà họ tạo ra nhờ trí thông minh, sức lao động, sự sáng tạo không ngừng của con người. Đó là điều mà tôi muốn học hỏi đầu tiên ở “quốc gia khởi nghiệp” này. Học tập ở đây đã rèn luyện cho tôi tính kỷ luật cao, thể chất rắn rỏi. Ban ngày làm việc dưới cái nắng cháy da thịt, đêm xuống thì lạnh thấu xương nhưng tôi luôn giữ tinh thần vững vàng. Có quá nhiều thứ để học hỏi, tôi không muốn lãng phí dù chỉ 1 ngày. Mỗi tuần, tôi dành 1-2 ngày đến lớp học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành, thời gian còn lại làm việc trên đồng ruộng, thực hiện những ý tưởng riêng để mong ngày trở về Việt Nam có thể áp dụng”-An chia sẻ.

Trần Thị Thúy An mặc áo dài, đội nón lá giới thiệu truyền thống văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế tại Israel (ảnh nhân vật cung cấp).
Trần Thị Thúy An mặc áo dài, đội nón lá giới thiệu truyền thống văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế tại Israel (ảnh nhân vật cung cấp).


Cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho hay, nhiều thực tập sinh đến từ các quốc gia Trung Mỹ, châu Phi, châu Á đang học tập ở Israel. An và bạn bè thường chia sẻ vấn đề chung sự quan tâm là nền nông nghiệp ở các quốc gia.

“Thực tập sinh đến đây đều từ những quốc gia đang phát triển, mong muốn học hỏi không chỉ công nghệ mà cả “tinh thần Do Thái” của người Israel. Quốc gia “nói được, làm được” này đã tạo dựng được uy tín trên thế giới nên sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khá dễ dàng. Tôi hy vọng một ngày không xa, nước ta sẽ làm được như vậy vì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phong phú, chất lượng nên chắc chắn chinh phục được khách hàng thế giới”-An cho hay.

Đề cập đến xu hướng quay về với nông nghiệp của nhiều bạn trẻ, An hào hứng nói: “Nông nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển. Để sánh với các quốc gia trên thế giới, các bạn trẻ nên tìm cơ hội đến Israel học tập, tích lũy kinh nghiệm, mang tri thức về đóng góp cho đất nước. Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nếu kết hợp công nghệ cao chắc chắn sẽ mang lại năng suất, sản lượng, chất lượng vượt trội.

Học tập và làm việc ở đó, các bạn trẻ còn rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại, sáng tạo. Các bạn sẽ là cầu nối để đưa công nghệ tiên tiến về áp dụng cho ngành nông nghiệp của đất nước, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư không chỉ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn mà còn quảng bá rất tốt hình ảnh, tiềm năng của đất nước chúng ta”.

Quá trình học tập và làm việc tại Israel giúp Trần Thị Thúy An tích lũy kinh nghiệm, tri thức và mong muốn trở về đóng góp cho đất nước (ảnh nhân vật cung cấp).
Quá trình học tập và làm việc tại Israel giúp Trần Thị Thúy An tích lũy kinh nghiệm, tri thức và mong muốn trở về đóng góp cho đất nước (ảnh nhân vật cung cấp).


Không chỉ phát triển nông nghiệp

Sau khóa thực tập tại Israel, An càng thấy rõ nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo các ngành nghề khác, đặc biệt là du lịch. An tâm sự: “Nhà tôi trước đây có trồng 2 hàng chè xanh bên hông nhà. Mẹ hay bảo tôi chạy ra bứt vài đọt non đem pha nước uống, đập dập vài lát gừng thơm thoang thoảng. Một hôm, ngồi bên cửa sổ ở một đất nước xa lạ, nhấm nháp tách trà xanh Earl grey thơm nhẹ mùi chanh, tôi mới “ngộ” ra và da diết nhớ góc vườn đẹp tuyệt nhà mình. Hương chè xanh ở cao nguyên Gia Lai có vị rất tự nhiên, đặc biệt, không dễ quên. Chè xanh ở Việt Nam thuộc tốp 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc; dù đã được bạn bè thế giới biết đến nhưng chúng ta chưa khai thác nhiều giá trị như họ.

Ví dụ như Gia Lai có 2 đồn điền chè lịch sử hàng trăm năm, ngoài ngành công nghiệp chế biến, nơi đây có thể trở thành mô hình du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách. Làm mô hình homestay gần gũi với thiên nhiên cho du khách lưu trú, hướng dẫn họ hái chè, pha trà, thưởng thức thức uống đặc trưng, giới thiệu các món ăn bản địa… chắc chắn là hướng kinh doanh đầy tiềm năng. Ở Israel, ngay trên những sa mạc khô cằn, họ cũng xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp như vậy và rất thành công. Phương châm của họ chính là lấy những gì sẵn có, gần gũi nhất để thu hút khách du lịch”.

Trần Thị Thúy An có nhiều trải nghiệm mới mẻ trên hành trình tại đất nước Israel (ảnh nhân vật cung cấp).
Trần Thị Thúy An có nhiều trải nghiệm mới mẻ trên hành trình tại đất nước Israel (ảnh nhân vật cung cấp).


Trước ngày trở về Việt Nam, An đến thành phố phía Bắc của Israel để du lịch trải nghiệm. Tại đây, An gặp một số người bạn. Khi biết An ở Việt Nam, họ đã hỏi về cà phê Việt, vì đây là thức uống hàng ngày của họ.

“Khi nghe họ nhắc đến cà phê, tôi rất tự hào vì thế giới biết đến cà phê của chúng ta. Tôi mở điện thoại cho họ xem một số hình ảnh cây cà phê Gia Lai, từ quy trình thu hái, rang xay, chế biến cho tới ly cà phê thơm ngon thưởng thức mỗi ngày. Họ vô cùng thích thú vì chưa từng biết cây cà phê được trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến như thế nào. Nếu Gia Lai làm được mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng kết hợp như cho du khách trải nghiệm quá trình sản xuất, chế biến, thưởng thức cà phê tại chỗ thì đó sẽ là hướng phát triển mang lại nhiều giá trị cho ngành cà phê lẫn người nông dân”-An bày tỏ.

Khao khát mang những kiến thức học được về đóng góp cho ngành nông nghiệp, An trải lòng: “Trên hành trình tìm đến những vùng đất mới, gặp những người bạn mới, học những điều mới mẻ đã giúp tôi trưởng thành hơn, hiểu rõ hơn điều mình đam mê, theo đuổi, đó chính là sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Trước mắt, sau khi về nước, tôi sẽ bắt tay vào dự án trồng dưa lưới và theo học năm cuối đại học. Sau đó, tôi quay trở lại Israel để hợp tác, tìm cơ hội giới thiệu Việt Nam với các nhà đầu tư”.

 

 HOÀNG NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.