ĐƯỢC 8 TRƯỜNG ĐH Ở MỸ MỜI PHỎNG VẤN TIẾN SĨ
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, được ba mẹ lên kế hoạch cho đi du học từ nhỏ, nên đến năm 15 tuổi Nguyễn Thị Sao Ly (hiện 30 tuổi) sang Mỹ và bắt đầu cuộc hành trình chinh phục tri thức, theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Ly (thứ 2 từ trái qua) từng là thực tập sinh cho Tập đoàn Novartis. |
Sao Ly không ngừng nỗ lực chinh phục những mục tiêu mà mình đề ra. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học The King's Academy tại California, cô được nhiều trường ĐH tại Mỹ nhận vào. Cô chọn theo học Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA) và tốt nghiệp thủ khoa Summa Cum Laude (bằng danh dự xuất chúng mức cao nhất theo hệ thống giáo dục Mỹ - PV) ngành sinh học, minor y học tiến hóa.
Một năm sau khi tốt nghiệp ĐH, cô gái người Đà Nẵng được mời phỏng vấn tiến sĩ từ 8 trường ĐH ở Mỹ, trong đó nổi bật nhất là học bổng trị giá 9,3 tỉ đồng của Trường ĐH Johns Hopkins.
"Cơ duyên mình đến với Trường ĐH Johns Hopkins thú thật là vì quá nhiều phỏng vấn nên mình không thể tham gia hết được. Và lúc tới trường để tham gia phỏng vấn, mình cảm nhận được đây là nơi có môi trường rất tốt để phát triển bản thân. Hơn nữa, đây cũng là một trong những ngôi trường khá nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu mà mình muốn theo đuổi. Và thật may mắn mình đã có được trải nghiệm học tiến sĩ khá tốt, có thêm những kỹ năng và phát triển bản thân rất nhiều", Ly kể lại.
Ly và Giáo sư Douglas Robinson ở Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ). Ảnh: NVCC |
XUẤT BẢN NHIỀU BÀI BÁO KHOA HỌC QUỐC TẾ
Ly chia sẻ bắt đầu theo đuổi khoa học ung thư từ năm 19 tuổi. "Mình nhận thấy ở VN, tỷ lệ người mắc ung thư ngày càng cao, nhưng những biện pháp trị liệu bệnh này vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến mình trăn trở, nó không khác gì một hiểm họa và sẽ xảy đến với mình, những người thân xung quanh và đồng bào mình bất cứ lúc nào. Đó là động lực để mình tìm hiểu sâu về căn bệnh này và mong muốn dùng kiến thức để đóng góp một phần nhỏ vào việc tìm ra những biện pháp chữa trị ung thư", Ly trăn trở.
Trong thời gian nghiên cứu, Ly đã xuất bản được 6 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 1 công trình nghiên cứu trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF 10.5 năm 2020. Nói về bí quyết để có nhiều bài báo khoa học quốc tế, Ly chia sẻ: "Đơn giản là cố gắng nỗ lực hết mình và thật chăm chỉ tìm tòi. Vì nghiên cứu khoa học chỉ có hai mục đích, thứ nhất, với khoa học căn bản là xuất bản những bài báo khoa học để những gì mình tìm được trở thành kiến thức nhân loại. Thứ hai, là khoa học lâm sàng, làm thế nào để đưa ra được những phương pháp mới, tân tiến hơn để cứu người bệnh. Và trong quá trình học tiến sĩ, mục tiêu của mình gắn liền với mục đích thứ nhất".
Ly từng gây chú ý khi giành học bổng tiến sĩ 9,3 tỉ đồng. |
Sau thời gian nghiên cứu, Ly có thêm những kỹ năng và kiến thức về bệnh ung thư. Nên bây giờ thay vì chỉ tìm hiểu, nghiên cứu về mặt lý thuyết, cô muốn tìm ra phương pháp chữa trị. "Công việc hiện tại của mình là thiên về việc tìm ra phương pháp chữa bệnh ung thư gan và ung thư máu. Kiến thức mình học được đã ứng dụng vào thực tiễn và một ngày không xa sẽ giúp ích được cho bệnh nhân ung thư", Ly cho biết.
Trước đây nữ tiến sĩ trẻ từng là thực tập sinh cho Tập đoàn Novartis, tập đoàn y dược lớn thứ 2 thế giới và tiên phong trong lĩnh vực chữa ung thư bằng liệu trình tế bào. Hiện Ly đang là nhà khoa học cấp cao tại Công ty dược Intellia Therapeutics. Công việc của cô là tìm tòi và cải tiến liệu pháp tế bào để chữa ung thư máu và gan cho bệnh nhân.
Mark Jacob (25 tuổi), người Mỹ, đồng nghiệp của Ly tại Công ty dược Intellia Therapeutics, chia sẻ: "Trong công việc, Ly cực kỳ chăm chỉ và cô ấy là động lực cho tất cả chúng tôi. Bạn ấy cũng là một cô gái rất mạnh mẽ, cứng rắn và kiên trì, tôi cảm nhận được rằng không điều gì có thể ngăn cản bạn ấy tiến về phía trước. Ly cũng là một người bạn tuyệt vời, thân thiện mà mọi người có thể nói chuyện cùng".
Trong khi đó, Giáo sư Douglas Robinson (người hướng dẫn Ly trong thời gian nghiên cứu và học tập tại Trường ĐH Johns Hopkins) từng rất tự hào vì Ly chính là nghiên cứu sinh đầu tiên của ông trở thành tác giả chính duy nhất cho một công trình nghiên cứu lớn. Giáo sư Robinson nhận xét rằng Ly rất năng động và đáng tin cậy cho mọi hoạt động của phòng thí nghiệm, từ việc nghiên cứu tới hướng dẫn, dìu dắt các lứa sau.
"Ly làm việc rất tốt và dự án tiến triển nhanh. Khả năng tổ chức của Ly cũng phát triển nhiều qua các năm. Điểm mạnh của cô ấy là sự chăm chỉ và bền chí. Tôi khâm phục sự quyết tâm, hăng hái, nhiệt huyết và cầu toàn của cô gái này", Giáo sư Robinson cho biết.
Hơn 14 năm học tập và sinh sống ở môi trường giáo dục hiện đại như nước Mỹ, được tiếp xúc với bạn bè bốn phương, Ly nhận ra rằng mọi thứ về khả năng, kiến thức, sự chăm chỉ, người trẻ Việt không thua gì người nước ngoài. Tuy nhiên, có hai thứ người trẻ nước ngoài nổi trội hơn, đó là sự tự tin và khả năng độc lập. "Họ tự tin nói và làm những gì họ nghĩ, mạnh dạn bảo vệ quan điểm, chính kiến của bản thân. Tuy nhiên, điều mà mình hơn họ là sự chịu khó, luôn nỗ lực tiến về phía trước và không chùn bước trước những khó khăn", Ly nói.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Ly cho biết: "Mình mong muốn phát triển sự nghiệp ở mức cao nhất có thể, nên ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn cho mình. Nhưng nếu VN cho mình cơ hội để phát triển khả năng của bản thân thì tất nhiên chuyện về VN giúp ích cho quê hương vẫn là ý nghĩ mình luôn có trong đầu".
Cô gái người Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm những năm tháng qua ở Mỹ đã tôi luyện cô trở thành một người phụ nữ độc lập, có kiến thức, trưởng thành, mạnh mẽ và nắm bắt cuộc sống của mình trong tay. "Mình đang bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều sự yêu thương bản thân, nhiều niềm tự tin và lạc quan, cũng như yên bình trong tâm", Ly chia sẻ.