(GLO)- Tuân thủ đúng quy định pháp luật là đòi hỏi cần thiết đối với nhà báo. Tại các phiên tòa, những người tác nghiệp phải nắm các quy định để đảm bảo sự trang nghiêm quyền lực của pháp luật, trong đó có việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh và đăng ảnh của đương sự được triệu tập trên các trang báo...
Loạn… khi tác nghiệp
Nhiều phóng viên, nhà báo khi dự tác nghiệp ở một số phiên tòa thường đi muộn, về sớm, ra vào tự do và không nắm rõ diễn biến các quá trình tố tụng diễn ra; việc đi lại chụp ảnh cũng không đảm bảo yêu cầu tính trang nghiêm của phiên tòa, buộc chủ tọa phải nhắc nhở. Trong khi đó những người được triệu tập đến phiên tòa với nhiều tư cách như: bị cáo, bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì rất… ngại nhà báo tác nghiệp và đưa hình ảnh của mình trên các trang báo. Những người được triệu tập đến tòa thường họ có nhiều tâm trạng khác nhau và chỉ mong muốn thông qua cơ quan xét xử nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của mình. Họ rất ngại trước áp lực của dư luận đối với bản thân...
Ảnh: Văn Nhung |
Thật tình mà nói, những người viết báo ai cũng muốn có những hình ảnh “độc” để đặc tả diễn biến tâm trạng, những trạng thái khác nhau của từng đương sự tại phiên tòa: bị cáo khóc vì bức xúc, khóc vì hối lỗi; bị hại và người thân khóc vì sự mất mát, thiếu kiềm chế vì chưa thỏa mãn yêu cầu; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ứng xử thái quá trong một phiên tòa... Song, bên cạnh đó, nhiều bị cáo, bị hại, các đương sự có liên quan cũng ngại khi bị ống kính phóng viên “lia” đến nên thường dùng tay che mặt, cúi đầu sát vành móng ngựa, thậm chí người nhà của đương sự cũng có những hành vi tiêu cực đòi hành hung nhà báo khi chụp ảnh.
Nhưng dù thế nào, khi dự một phiên tòa đòi hỏi người làm báo cần hỗ trợ cho cơ quan xét xử có những phán quyết thấu tình đạt lý, có cách ứng xử đúng mực khi thực hiện chụp ảnh để không ảnh hưởng đến sự trang nghiêm một phiên tòa xét xử nhưng đồng thời phải có góc nhìn nhân văn khi sử dụng hình ảnh (ngoài quy định pháp luật). Nhà báo và những người tác nghiệp phải biết những hình ảnh nào được sử dụng trên mặt báo; họ đã đủ tuổi thành niên hay chưa, việc đưa ảnh bị cáo đó liệu có tác động đến tâm lý và cuộc sống bình thường mà gia đình, con cái bị cáo đó phải đối diện sau này… Những vấn đề này đôi khi tại phiên tòa không đề cập nhưng đòi hỏi nhà báo, người cầm bút phải tự tìm hiểu, phải chia sẻ chứ không phải “tất tần tật” cái gì cũng đưa lên mặt báo.
Quyền về hình ảnh đến đâu?
Theo Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, đối chiếu với quy định này thì một người ra trước tòa có mất quyền đối với hình ảnh của mình hay không thì chưa quy định rõ.
Mặt khác, đối chiếu với Hiến pháp và Bộ luật Hình sự thì “người bị buộc tội coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Hay nói cách khác, khi bị cáo ra trước tòa vẫn xem là chưa có tội. Hơn nữa, nếu chiếu theo Điều 28, 36, 37, 38, 39 Bộ luật Hình sự thì bị can, bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền của mình như: cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định, cấm đi khỏi nơi cư trú… mà không có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của mình. Như vậy, bị can, bị cáo và cả những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn có quyền đối với hình ảnh của mình.
Tuy nhiên, Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ cho phép nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP thì cơ quan báo chí được phép đăng, phát hình ảnh các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án… Nhưng như thế nào là “trọng án” thì trong Bộ luật Hình sự không có quy định. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành thì tội phạm chỉ phân định 4 mức: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chứ không có quy định thế nào là “trọng án”. Cho nên trong khi chờ đợi có quy định thống nhất về quyền hình ảnh cá nhân, trong đó có quyền của những người được Tòa án triệu tập, những phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp trước hết cần tuân thủ dưới sự điều khiển nội quy xét xử do chủ tọa phiên tòa yêu cầu và phải lưu ý độ tuổi người được triệu tập.
Luật gia: Lê Văn Nhung