Cơ cực phận đời di cư (*): Tranh giành đất để mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì kế sinh nhai, nhiều người dân di cư tự do lấn chiếm đất rừng canh tác, thậm chí hỗn chiến tranh giành đất với người dân địa phương, doanh nghiệp được giao đất
Những năm 2006, 2007, hàng trăm người dân di cư tự do (DCTD) ở khắp nơi đã tới sinh sống, phá rừng làm nương rẫy tại Tiểu khu 1535 (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Đến năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định cho Công ty Long Sơn thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha tại tiểu khu này, có cả phần diện tích mà người dân đã canh tác. Từ đây, nhiều vụ tranh chấp đất đã diễn ra.
Dùng súng giải quyết tranh chấp
Theo quyết định cho thuê đất, Công ty Long Sơn phải phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận, hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất nhưng khi chưa hỗ trợ, doanh nghiệp này đã tự đi cưỡng chế nên đã xảy ra nhiều vụ hỗn chiến giành đất.
 
Vườn điều của người dân di cư tự do bị Công ty Long Sơn san ủi trái phép dẫn đến vụ hỗn chiến làm 3 người chết. Ảnh: Cao Nguyên
Điển hình, ngày 23-10-2016, hơn 30 cán bộ, bảo vệ của Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân. Lúc này, ông Đặng Văn Hiến cùng ông Ninh Viết Bình (ngụ Tiểu khu 1535) dùng súng bắn nhiều phát về nhóm người của Công ty Long Sơn làm 3 người chết, 13 bị thương. Trước đó, năm 2015, cũng xuất phát từ việc tranh chấp đất, nhóm 8 bảo vệ của Công ty Long Sơn mang theo hung khí tới đánh anh Trần Văn Hanh khiến anh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%. Tương tự, gia đình ông Ninh Viết Thắng cũng bắt đầu canh tác tại Tiểu khu 1535 từ năm 2003. Từ năm 2008, Công ty Long Sơn đã nhiều lần đến chặt phá, san ủi nhiều diện tích điều của gia đình ông này. "Mỗi lần Công ty Long Sơn san ủi cây trồng của người dân, chúng tôi đều làm đơn, thống kê tài sản thiệt hại cầu cứu cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn không được xử lý. Những vườn điều, cao su xanh tốt lần lượt bị Công ty Long Sơn sản ủi" - ông Thắng bức xúc.
 
Đường đến trường của trẻ em làng H’Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Cao Nguyên
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng tranh chấp đất đai giữa dân DCTD với các doanh nghiệp và người dân địa phương cũng là vấn đề nóng. Cuối năm 2017, một nhóm người dân địa phương thường xuyên đến Tiểu khu 263 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) tranh giành 8 ha đất lâm nghiệp mà gia đình bà Phạm Thị Phượng (hộ DCTD) đang canh tác. Thấy nhóm người đang cày trên thửa đất này, bà Phượng đã gọi nhiều người trong làng DCTD mang theo hung khí kéo tới rồi 2 bên xảy ra hỗn chiến làm 1 người chết, 7 người bị thương nặng. Đầu tháng 6-2018 đã xảy ra một vụ nổ súng tranh giành đất lâm nghiệp, khiến 2 người bị thương. Ông Hầu Thanh Bình (ngụ Cư K’bang, huyện Ea Súp) cùng con trai là Hầu Seo Tướng đến Tiểu khu 182 thuộc lâm phần Công ty TNHH Sản xuất Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk, thuộc địa giới xã Ea Rốk, để làm rẫy. Tại đây, cha con ông Bình đã xảy ra mâu thuẫn với anh em Giàng Seo Sếnh và Giàng A Thành (ngụ xã Ea Rốk). Sếnh bất ngờ dùng súng tự chế bắn ông Bình bị thương ở đùi, con trai ông Bình bị Giàng A Thành dùng dao chém bị thương ở tay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng DCTD đã gây ra những hệ lụy lớn trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường ở các địa phương có người di cư đến và đi. Ngoài chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy thì tình trạng DCTD cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Trong đó, việc mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai giữa người dân DCTD với dân địa phương, các công ty nông - lâm nghiệp đã dẫn đến những vụ xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Phá rừng, thất học, tảo hôn
Thôn Ea Rớt, cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) hơn 20 km với 169 hộ dân người H’Mông từ các tỉnh phía Bắc DCTD vào lập nghiệp. Dù 100% hộ dân của thôn Ea Rớt vẫn thuộc diện nghèo và cận nghèo song tình trạng tảo hôn, đông con rất phổ biến. Trẻ em đa phần học đến lớp 9, lớp 10 rồi nghỉ học lấy vợ, lấy chồng, trong thôn chưa có người nào tốt nghiệp trung cấp.
Làng H’Mông ở Tiểu khu 540, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), ban đầu chỉ có 7 hộ dân người H’Mông DCTD vào nhưng đến nay đã có hơn 200 hộ với hơn 1.000 người. Tại làng H’Mông, bố mẹ đi làm rẫy cả ngày, những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 muốn biết chữ phải một mình đạp xe băng rừng ra trung tâm xã để học. Em Hoàng Thanh Loan (học sinh lớp 4, xã Ea Kiết) cho biết 4 giờ sáng là cháu phải đạp xe đi học, không kịp ăn chiều mới về tới nhà nên nhiều lần ngất xỉu vì đói. "Gia đình khó khăn, em sẽ cố gắng học hết tiểu học rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ trông em và làm rẫy" - em Loan tâm sự.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, cho biết dù lượng học sinh cấp tiểu học của làng H’Mông rất lớn, chiếm đến 10/18 lớp toàn xã nhưng từ trước đến nay chỉ có 1 em học THPT, còn lại học hết THCS thì nghỉ ở nhà lập gia đình.
Cả làng không có sổ hộ khẩu
20 năm trước, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào khu rừng thôn Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) phá rừng, sinh sống. Dần dần dòng người DCTD đến càng nhiều, hiện có 350 hộ với khoảng 1.200 khẩu và tất cả đều chưa được cấp sổ hộ khẩu, CMND. Ông Lục Văn Hiệp, Trưởng thôn Phú Vinh, cho biết thôn có hơn 300 xe máy nhưng không ai được đứng tên chính chủ và không ai có giấy phép lái xe. "Người dân chỉ dám đi loanh quanh trong thôn, mỗi lần có việc quan trọng, cấp bách, chúng tôi mới bất đắc dĩ đi ra khỏi thôn nhưng phải đi lén lút rất khổ sở" - ông Hiệp nói.

Kỳ tới: Lấn chiếm đất rừng

Cao Nguyên (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.