Có 3 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các Ban quản lý dự án chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết, huy động đầy đủ trang thiết bị theo hợp đồng, tăng mũi thi công bù lại tiến độ cao tốc Bắc-Nam đã chậm.

Nhà thầu thi công một dự án đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Nhà thầu thi công một dự án đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, 10 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai thi công xây dựng, lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt khoảng 29,7% giá trị các hợp đồng.
Cụ thể, 7 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ và tiến độ điều chỉnh gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45; Quốc lộ 45-Nghi Sơn; Nghi Sơn-Diễn Châu; Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo; Phan Thiết-Dầu Giây.
Ba dự án cao tốc còn lại đoạn Cam Lộ-La Sơn (sản lượng thi công đạt khoảng 77,6%, chậm khoảng 0,54% so với kế hoạch điều chỉnh), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (đạt 24,9%, tiến độ thi công, chậm 8,2% so với kế hoạch), Diễn Châu-Bãi Vọt đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (sản lượng thi công rất thấp, chậm 6,93% so với kế hoạch).
Trước đó, dự án Cao Bồ-Mai Sơn đã được khánh thành vào ngày 4/2 vừa qua, đây là công trình sớm nhất được đưa vào khai thác trong số 11 dự án thuộc dự án đầu tư xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Riêng, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 3 tháng nhưng đáp ứng kế hoạch điều chỉnh; sản lượng thực hiện đến nay đạt 48,4% tổng giá trị các hợp đồng.
Nguyên nhân việc chậm tiến độ là do thời tiết mưa nhiều, việc thi công gặp nhiều khó khăn, thiếu vật liệu đất đắp vẫn chưa được giải quyết, nhà thầu tổ chức thi công chưa hợp lý…
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông yêu cầu các Ban quản lý dự án chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết, huy động đầy đủ trang thiết bị theo hợp đồng, tăng mũi thi công bù lại tiến độ đã chậm, giải quyết dứt điểm việc cấp phép, khai thác các mỏ đất còn lại, đáp ứng nhu cầu đất đắp. Trường hợp không có chuyển biến, cần có biện pháp xử lý theo quy định hợp đồng.
Trước đó, tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào ngày 18/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đưa vào khai thác, sử dụng.
Cụ thể, các đoạn cao tốc đang thi công, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 gồm Mai Sơn (Ninh Bình)-Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63,37km; Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3km; Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8km.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149km trong năm 2023, gồm các đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,2km); Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50km); Nha Trang-Cam Lâm dài 49,1km và cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6km./.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.