(GLO)- Với kiểu dáng nhỏ gọn, kết cấu đơn giản nhưng mạnh mẽ, Honda 67 đã quay trở lại chinh phục những người đam mê xe máy cổ trên khắp mọi miền đất nước. Tại Gia Lai, năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) xe máy cổ-Honda 67 được thành lập và trở thành nơi kết nối, sẻ chia đam mê của những người yêu xe cổ Phố núi.
Honda 67 mà người Việt Nam quen gọi vốn có tên đầy đủ là Honda Benly 50 (SS50) được sản xuất tại Nhật Bản năm 1967. Để đơn giản và cũng vì thời điểm đó số lượng xe máy còn ít nên người ta hay gọi tên năm sản xuất để phân biệt. Chiếc xe này xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, sau đó mới phổ biến ra khắp cả nước. Ông Đỗ Hữu Quang-Chủ nhiệm CLB xe máy cổ-Honda 67 Gia La cho hay, Gia Lai là một trong những địa phương có phong trào chơi xe máy cổ từ khá lâu. Với mong muốn có được một sân chơi lành mạnh, ý nghĩa và tạo sự gắn kết giữa những người có niềm đam mê với chiếc xe Honda 67 nói riêng cũng như dòng xe Honda cổ nói chung, nên năm 2011, CLB xe máy cổ-Honda 67 Gia Lai đã ra đời.
Ban đầu, CLB có gần 20 thành viên, nhưng hơn 8 năm hoạt động, CLB đã thu hút đông đảo người đam mê dòng xe này trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku và các huyện, thị xã: An Khê, Ayun Pa, Phú Thiện, Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh…Thông thường, các thành viên tự sinh hoạt tại địa phương mình thành từng nhóm và chỉ tập trung khi có sự kiện chung như: sinh nhật CLB vào ngày 17-3; các chương trình thiện nguyện vào dịp hè; Hội ngộ Honda 67 toàn quốc vào ngày 30-4; Kỷ niệm ra mắt website cộng đồng Honda 67 vào ngày 20-11 hàng năm.
Hơn 8 năm qua, CLB là nơi để các thành viên chia sẻ niềm đam mê xe máy cổ. Ảnh: Mộc Trà |
Những người chơi xe máy cổ ở Phố núi Gia Lai xem CLB như một nơi để gặp gỡ, chia sẻ niềm đam mê với dòng xe Honda 67. Nhiều người dành thời gian cho những chiếc xe cổ không chỉ vì yêu thích mà bởi nó ẩn chứa trong đó biết bao tình cảm và hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ. Ông Nguyễn Văn Anh (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) là một trong số đó. Năm 1970, ba ông dành dụm mua được một chiếc xe Honda 67 màu đen. Chiếc xe đồng hành với gia đình suốt những tháng ngày khó khổ và gắn liền với những kỷ niệm của ông thời thơ ấu. Cho đến giờ, khi nhắc nhớ, ông Anh vẫn dành vẹn nguyên tình yêu của mình dành cho chiếc xe “đen huyền thoại” và dòng xe cổ này. Năm 2013, được sự giới thiệu của một người cháu, ông Anh mua chiếc Honda 67 đầu tiên tại TP. Pleiku với giá gần 50 triệu đồng. Đến nay, sau gần chục năm mãi miết sưu tầm khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, ông đã góp nhặt vào bộ sưu tập xe cổ của mình tổng cộng 18 chiếc Honda từ đời 65 đến 73, trong đó chủ yếu vẫn là đời 67. Đa số xe mà ông đang sở hữu đều “zin” gần như 100%; một số khác do ông tự mua phụ tùng, linh kiện xịn về tái ráp theo nguyên bản.
“Trong số các đời xe Honda cổ thì dòng Honda 67 vẫn trông mát mắt nhất. Điểm vượt trội của loại xe này là thiết kế khung sườn gọn nhẹ, phụ tùng máy móc đơn giản, ít tiêu hao nhiên liệu. Hình dáng của xe Honda 67 rất nam tính, khỏe khoắn và hợp với vóc dáng người Việt. Vì thế, ngày nay dù xuất hiện nhiều sự lựa chọn khác nhưng chiếc Honda 67 vẫn còn giữ được vị trí trong lòng người yêu xe”-ông Anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Anh bên chiếc Honda 67 mà mình tự sưu tầm linh kiện và tái ráp trong 4 năm. Ảnh: Mộc Trà |
Theo chia sẻ của những người chơi, xe Honda 67 hiện có 3 loại, gồm: xe nguyên bản-những chiếc xe mà phụ tùng máy móc còn gần như “zin” 100%; xe phục chế-xe đã hỏng nhưng được dân chơi tậu về rồi mua phụ tùng, linh kiện xịn lắp ráp lại tạo nên một chiếc xe gần như hoàn hảo; xe độ chế-xe vẫn giữ nguyên hình dáng của chiếc Honda 67 nhưng lắp ráp thêm phụ tùng, linh kiện thể hiện cá tính của người chơi với mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú hơn. Để tạo nên một chiếc xe đẹp và độc theo ý mình, người chơi có khi phải bỏ công kiên trì “săn lùng” phụ kiện ròng rã suốt 3-4 năm mới có thể hoàn thiện; chưa kể trong quá trình ấy, có đôi lúc phải chịu thiệt hại khi không may mua trúng vật phẩm giả, kém chất lượng. Mặt khác, giá một chiếc Honda 67 hiện nay trên thị trường rất khó định lượng, có chiếc chỉ vài triệu đồng nhưng có chiếc lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Nếu không có con mắt tinh tường để phân biệt, người mua rất dễ bị “hớ hàng”.
Không chỉ tìm thấy tiếng nói chung với xe máy cổ, khi đến với CLB, các thành viên còn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ, lan tỏa tấm lòng thiện nguyện của mình ra cộng đồng. Chị Phan Thị Luận (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) tâm sự: “Tôi biết đến các anh em trong CLB từ những đợt đi làm từ thiện chung. Sau đó vì hai vợ chồng tôi cũng có niềm đam mê với xe Honda cổ nên quyết định tham gia vào CLB. Là phụ nữ, khi ngồi lái chiếc xe 67, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ và cá tính hơn. 8 năm qua, gần như vợ chồng tôi đều có mặt đầy đủ ở tất cả các sự kiện lớn nhỏ. Các thành viên trong CLB khá đoàn kết, thân thiện như một gia đình”.
Nhiều người dân Phố núi chơi xe cổ không chỉ vì đam mê mà còn vì những hoài niệm tinh thần. Ảnh: Mộc Trà |
Chủ nhiệm CLB Đỗ Hữu Quang thông tin thêm, hàng năm, CLB đều quyên góp, vận động khoảng 40-50 triệu đồng để thực hiện các chương trình từ thiện về với người dân và các em học sinh vùng sâu, vùng xa hay những mảnh đời kém may mắn trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các hội, nhóm, CLB Honda 67 ở các tỉnh bạn tổ chức tặng quà, cấp phát thuốc và khám bệnh miễn phí cho bà con ở Gia Lai. “Dù phần quà không lớn nhưng các thành viên đều mong muốn qua đó có thể động viên tinh thần cho những người nghèo và các cháu học sinh tiếp tục vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Và dĩ nhiên, những chiếc xe Honda 67 luôn đồng hành cùng chúng tôi trên khắp mọi nẻo đường với một ý nghĩa riêng có”-ông Quang bộc bạch.
Mộc Trà