Chuyện về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức là Vương cung Thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận tại TP. HCM. Được khởi công lần đầu tiên vào 1876, Nhà thờ Đức Bà được xây dựng với quy mô lớn và khánh thành vào năm 1880. Tính ra Nhà thờ Đức Bà đã có tuổi hơn 137 năm, trải qua với bao biến cố lịch sử cùng người dân Sài Gòn - Gia Định.
 

Toàn cảnh nhà thờ Đức Bà trong đêm Noel 2015.
Toàn cảnh nhà thờ Đức Bà trong đêm Noel 2015.

Suýt giống Nhà thờ Đức Bà Paris

Tháng 8-1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré tổ chức kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ. Vượt qua 17 thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad (Pháp) với kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét Gothic đã được chọn. Địa điểm xây dựng ban đầu được đề nghị ở 3 nơi: Góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng (nay là Lãnh sự quán Pháp); khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ đường Nguyễn Huệ) và cuối cùng chọn vị trí tại Công trường Công xã Paris (vị trí hiện nay).

Để chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng nhà thờ, người ta mở thầu rộng rãi và chính kiến trúc sư J. Bourad cũng là người trúng thầu, trực tiếp giám sát công trình. Ngày 7-10-1877, lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Sài Gòn do giám mục Isidore Colombert chủ trì dưới sự chứng kiến của phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt của Sài Gòn, diễn ra rất long trọng. Việc xây dựng nhà thờ này cũng rất đặc biệt, nhiều loại vật liệu như ximăng, sắt thép thậm chí đến con ốc vít đều mang từ Pháp sang, công nhân tham gia được chọn trong số thợ lành nghề người Công giáo dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư xây dựng Pháp.

Mặt ngoài công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Pháp là loại gạch không tô trát, không bám bụi rêu (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi). Tuy nhiên các kỹ sư giám sát cũng đánh giá cao một số vật liệu tại Việt Nam và đã sử dụng một số loại ngói trong nước. Toàn bộ thánh đường gồm 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của quận Chartres sản xuất. Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Đặc biệt, nhà thờ không có hàng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định ngày ấy.

 

Bên trong Nhà thờ Đức Bà.
Bên trong Nhà thờ Đức Bà.

Sau 3 năm xây dựng, ngày 11-4-1880 nhà thờ được khánh thành với tên nhà thờ Sài Gòn.

Tuy nhiên, ban đầu nhà thờ vẫn có sự khác biệt so với nhà thờ hiện nay, khi chỉ có 2 tháp mái bằng có chiều cao 37m và nhìn từ đằng trước, Nhà thờ Sài Gòn trông gần giống như Nhà thờ Đức Bà tại Paris. Điều đó đã làm dấy lên dư luận cho là nhà thờ bị bắt chước thiết kế và không có nét kiến trúc đặc trưng. Vì thế sau 15 năm mang dáng dấp tháp bằng, năm 1895 theo thiết kế bổ sung của Kiến trúc sư Fernand Gardes, Giáo hội đã cho xây thêm 2 gác chuông mái nhọn bên trên tháp bằng, mỗi gác chuông cao 20m và thêm cây Thánh giá cao 3,5m. Như thế tháp và gác chuông nhà thờ đã cao tới 60,5m, trở thành công trình Kiến trúc cao nhất thời bấy giờ.

Nhà thờ được thiết kế kiên cố nên chịu đựng tốt trước bão gió. Như cơn bão năm Thìn 1904, cơn bão được đánh giá lớn nhất miền Nam trong vài trăm năm đã càn quét Sài Gòn gây thiệt hại nặng nề, chỉ riêng tại Sài Gòn đã có hơn 3.000 người chết, nhưng Nhà thờ Đức Bà lại không hề bị suy suyển gì.

Gian nan con đường phục chế

 

Trung tâm Nhà thờ - Nơi cử hành Thánh Lễ.
Trung tâm Nhà thờ - Nơi cử hành Thánh Lễ.

Sau gần 140 năm hình thành, nhà thờ Đức Bà đã trở thành công trình kiến trúc biểu tượng văn hóa, lịch sử không chỉ của Giáo dân mà còn là của người Sài Gòn. Do nằm ở trung tâm quận 1, lại là nhà thờ Chánh tòa của Tổng giáo phận TP. HCM nên đây là địa điểm người dân thường tập trung về vào các dịp lễ, Tết, nhất là Noel. Không chỉ thế, khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà là địa điểm quen thuộc của nhiều bạn trẻ và cũng là nơi cô dâu, chú rể đến chụp ảnh cưới. Rất nhiều khách du lịch quốc tế cũng chọn Nhà thờ Đức Bà còn là điểm tham quan khi tới TPHCM. Tuy nhiên theo thời gian, nhiều hạng mục của nhà thờ đã xuống cấp nặng, cần được sửa chữa.

Người được chọn để phụ trách công việc trùng tu, sửa chữa Nhà thờ Đức Bà là Linh mục Hồ Văn Xuân, người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng nhiều công trình tôn giáo tại Sài Gòn và các địa phương. Nhận nhiệm vụ do Bề Trên giao cho, Linh mục cho biết: “Từ trước tới nay tôi chỉ tham gia xây những công trình mới, nay với việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà, tôi cảm thấy thật khó khăn vì đây không chỉ là di tích Công giáo mà còn là một công trình kiến trúc vô giá của Sài Gòn nên phải cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Linh mục Xuân kể, việc đầu tiên là đi tìm các bản vẽ thiết kế của nhà thờ. Do biến động của thời cuộc nên sau gần 140 năm, các hồ sơ cũ của nhà thờ đã thất lạc nhiều. Nhưng tại một thư viện kiến trúc ở Pháp, các hồ sơ vẫn còn lưu trữ đầy đủ nên nhà thờ mới có cơ sở để khảo sát, thẩm định lại toàn bộ các hạng mục cần phải sửa chữa.

Linh mục cho rằng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn giống như nhiều nhà thờ ở châu Âu, đó là được thiết kế và xây dựng rất công phu, sử dụng những vật liệu có độ bền rất cao. Nhưng tại châu Âu, do được tu sửa hàng năm và do điều kiện khí hậu nên tuổi thọ các nhà thờ rất cao, có nhà thờ hiện nay đã lên tới hàng ngàn năm tuổi mà vẫn đẹp, vẫn bền với thời gian. Còn tại Việt Nam, do khí hậu nắng nóng mưa nhiều, độ ẩm không khí cao và trong một thời gian dài, Nhà thờ Đức Bà không được tu sửa nhiều vì thế xuống cấp.

Công tác đánh giá, thẩm định lại công trình kéo dài tới mấy năm, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở Pháp đã qua nhiều lần để xem xét thẩm định kỹ. Theo bản khảo sát thì Nhà thờ Đức Bà sẽ có 15 hạng mục cần trùng tu như thay mái ngói, khung gác chuông, tháp chóp chuông, vòm trần, khu vực Cung Thánh, tường trong ngoài nhà thờ, cầu thang, mái cuốn vòm, hệ thống cửa kính, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều áp và thông gió… Và nhiều hạng mục sửa chữa như chuông, đồng hồ, cửa kính… Trong đó riêng ngói thay thế đã có 6 loại khác nhau, bao gồm các loại ngói lợp mang nhãn hiệu Việt như Phú Hữu, Đồng Nai, ngói Trung Quốc như Vương Đại, ngói Pháp như Marseille, ngói vảy cá, ngói mũi tên… Các loại gạch thẻ, gạnh ống Marseille là loại gạch nung nguyên chất không có pha màu. Các loại sắt đúc nguyên khối, các loại tôn chất lượng cao. Các loại kính màu đúc có sẵn các họa tiết hoa văn của nhà thờ.

Linh mục Xuân nói: “Ban đầu tôi cũng không biết sẽ tìm những vật liệu đó ở đâu. Nhưng may mắn có một đại lý công ty chuyên bán vật liệu xây dựng của châu Âu tại Việt Nam đã giới thiệu cho tôi với những nhà sản xuất của họ tại Pháp. Tôi đã sang Pháp để tìm đến tận nơi sản xuất của họ”. Theo linh mục Xuân, việc chuẩn bị vật liệu cho quá trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà hiện nay đã hoàn tất, nhiều loại vật liệu đã được đưa về Việt Nam như ngói mũi tên, kính màu. Hiện 86 ngàn viên ngói vảy cá và 10.800 viên ngói âm dương cũng đã được chuyển về.     

Ngoài phần chuẩn bị vật liệu thì phần thi công cũng sẽ là một khó khăn khi yêu cầu của nhà thờ đưa ra quá trình thi công cải tạo không được làm ảnh hưởng đến kết cấu gạch đá hiện hữu và phải đảm bảo cho việc tổ chức Thánh Lễ trong nhà thờ sẽ vẫn được tổ chức hàng tuần. Ngoài ra nhà thờ còn yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả thợ thi công và không làm ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực này. Vượt qua các tiêu chí, cuối cùng Công ty Thép Việt tại Bình Dương đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặt ra nên được chọn là nhà thầu thi công cải tạo Nhà thờ Đức Bà. Tuy nhiên trong quá trình thi công, sẽ có các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng từ Pháp qua giám sát để đảm bảo chất lượng công trình.

Trọng Thịnh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.