Chuyện về kỳ thủ gốc An Khê vô địch SEA Games 32

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với môn cờ tướng, kỳ thủ Đặng Cửu Tùng Lân (SN 1982, tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt được cột mốc quan trọng trong cuộc đời mình với tấm huy chương vàng SEA Games 32 nội dung đồng đội cờ nhanh. Đằng sau chức vô địch ấy là một câu chuyện dài với bao nỗi niềm cùng công sức.

“Thần đồng” cờ tướng đất An Khê

Cuối tháng 7-2023, chúng tôi về An Khê để gặp nhà vô địch SEA Games 32 môn cờ tướng Đặng Cửu Tùng Lân. Trong căn phòng nhỏ treo đầy bằng khen và những tấm huy chương, anh Lân chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện đời mình. Anh Lân sinh ra trong một gia đình có nhiều người thân, từ cha, mẹ, anh, chị đến chú, bác… đều biết chơi cờ tướng. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, 2 người chú ruột của anh đã là những cao thủ ở An Khê. Còn anh thì biết chơi cờ từ khi vừa biết chữ. Lúc bấy giờ, anh thường lóc cóc theo 2 người chú lân la khắp các bàn cờ tại An Khê.

Trong những cuộc đấu trí căng thẳng ngày này qua tháng khác của người lớn, anh trở thành... chân chạy việc vặt như xách ghế, rót nước, hầu như việc gì cũng giành làm, cốt chỉ để được xem các chú đánh cờ. Thấy cháu đam mê, 2 người chú đưa anh đến tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Cờ tướng Thủy Tạ quy tụ nhiều danh thủ tại thị xã Khê.

Vận động viên Đặng Cửu Tùng Lân (thứ 3 từ trái sang) và Nguyễn Quang Nhật trên bục nhận huy chương vàng SEA Games 32 (ảnh nhân vật cung cấp).

Vận động viên Đặng Cửu Tùng Lân (thứ 3 từ trái sang) và Nguyễn Quang Nhật trên bục nhận huy chương vàng SEA Games 32 (ảnh nhân vật cung cấp).

Ngày tháng dần trôi. Từ một cậu bé chuyên... học lỏm cách chơi khi theo các chú đi đánh cờ “phủi”, anh Lân đã trở thành cao thủ cờ tướng từ lúc nào không hay. Năm 16 tuổi, anh đã trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất của môn cờ tướng tại thị xã An Khê. Kể từ ấy, vận động viên (VĐV) Đặng Cửu Tùng Lân luôn giữ vững vị trí số 1 và được mệnh danh là “thần đồng” của làng cờ tại vùng đất này. Năm 18 tuổi, anh giành huy chương vàng ở Giải Vô địch Cờ tướng trẻ toàn quốc.

“Hồi ấy, tôi mê cờ hơn mê học. Sau giờ học trên lớp là tôi lại đi khắp các bàn cờ ở An Khê rồi đi nhiều nơi khác, lên cả TP. Pleiku để chơi cờ. Nhiều hôm chỉ ăn uống qua loa cái bánh mì rồi lại say sưa bên những quân cờ. Những năm đó, trí nhớ vẫn còn tốt nên các thế cờ tôi nhớ hết, tính toán đường đi nước bước chiến thuật rõ ràng. Cũng nhờ các anh, các chú đi trước chỉ bảo mà năm đó tôi đã giành chức vô địch quốc gia ở giải trẻ”-anh Lân thổ lộ.

Thành tích năm 18 tuổi ấy càng làm cái tên Đặng Cửu Tùng Lân nổi danh trong làng cờ tướng. Nhưng nó cũng đưa anh đến một bước ngoặt để lại nhiều nuối tiếc. Cùng với chức vô địch của tỉnh, năm 2000, VĐV Đặng Cửu Tùng Lân chính thức được tuyển vào đội tuyển cờ tướng của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Lãnh đạo ngành thể thao bấy giờ hy vọng chàng trai người An Khê sẽ giúp tỉnh nhà rạng danh ở đấu trường quốc gia. Năm 19 tuổi, anh đã giành được tấm huy chương bạc ở giải vô địch trẻ quốc gia. Song, câu chuyện sau đó là cả một chặng đường mang đến nhiều nỗi buồn đối với VĐV duy nhất của đội tuyển cờ tướng Gia Lai bấy giờ.

Tập trung ở Trung tâm nhưng không có huấn luyện viên và cũng không có đối thủ để tập luyện, hàng ngày, anh Lân chỉ có thể đến các quán cà phê để đánh cờ “dạo”. Tuy nhiên, trình độ các tay chơi cờ tướng khá chênh lệch đã không giúp chàng VĐV trẻ có cơ hội học hỏi, thậm chí còn khiến kỹ năng của anh bị mai một.

Anh tâm sự: “Gia Lai lúc ấy không có các kỳ thủ mạnh nên nếu muốn tập luyện, VĐV phải đi tập huấn dài ngày ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… trong điều kiện không đủ kinh phí. Công nghệ lúc đó cũng chưa phát triển như bây giờ nên không thể tập luyện, thi đấu online được. Tôi cũng liên hệ một số bạn từng gặp ở giải trẻ quốc gia về đầu quân cho Gia Lai để luyện tập với nhau, song không được bao lâu thì đội tuyển cờ tướng giải thể. Từ đó, mỗi người trôi dạt một nơi”.

Sau vài năm không thể cạnh tranh huy chương với các trung tâm lớn, năm 2005, đội tuyển cờ tướng Gia Lai chính thức giải thể. Đó là khoảng thời gian anh Lân thấy bản thân như đang đi vào ngõ cụt khi trở về quê nhà với 2 bàn tay trắng. Vừa lỡ dở việc học hành, vừa không thể đạt được những ước mơ trong sự nghiệp, anh Lân lập gia đình rồi mưu sinh bằng nghề xay xát gạo. Trong nỗi lo cơm áo ấy, những tưởng niềm đam mê với môn cờ tướng đã tắt lịm thì cơ duyên lại đến với anh.

Bước ra ánh sáng

Đó là năm 2011, khi anh Lân đón một người bạn đang đầu quân cho đội tuyển cờ tướng tỉnh Bình Phước tới nhà chơi. Thấy gia đình anh khó khăn, người bạn ngỏ ý khuyên anh Lân về đầu quân cho Bình Phước vì địa phương này rất trọng dụng nhân tài môn cờ tướng. Với bản thành tích đáng nể, anh Lân không quá khó khăn để ghi điểm trong mắt các huấn luyện viên Bình Phước.

“Rời xa bàn cờ chuyên nghiệp quá lâu, tưởng chừng tôi không quay trở lại được nữa. Nhưng khi nghe bạn nói vậy, tôi lại thấy vô cùng phấn chấn. Thực ra, trong thâm tâm, tôi vẫn luôn khát khao được chơi cờ, được so tài với các đối thủ mạnh. Lúc ấy, vợ mới sinh con thứ 2 lại hay đau ốm nên tôi suy nghĩ, dằn vặt dữ lắm, không biết liệu mình có thể tiếp tục thành công ở bộ môn này không. Nhưng rồi, với sự ủng hộ của gia đình, tôi đã quyết tâm theo đuổi niềm đam mê”-anh Lân trải lòng.

Vận động viên Đặng Cửu Tùng Lân (bìa trái) đã vươn lên đỉnh cao của làng cờ tướng trong nước và khu vực (ảnh nhân vật cung cấp).

Vận động viên Đặng Cửu Tùng Lân (bìa trái) đã vươn lên đỉnh cao của làng cờ tướng trong nước và khu vực (ảnh nhân vật cung cấp).

Hơn 6 năm trời rời xa bàn cờ tướng, kỳ thủ Gia Lai đã gặp không ít khó khăn khi trở lại cuộc chơi trí tuệ với những đấu pháp, chiến thuật. Không chỉ giảm trí nhớ, tư duy so với thời thanh xuân, anh Lân còn mắc bệnh tiểu đường và viêm phổi bởi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi mất cân đối khi còn trẻ. Từ một thanh niên lực lưỡng hơn 65 kg, anh sụt cân nhanh chóng xuống chưa đầy 50 kg. Vượt qua những trở ngại về sức khỏe, anh Lân quyết tâm lấy lại phong độ, miệt mài học tập các cao thủ trong nước cũng như hàng đầu thế giới ở Trung Quốc. Mỗi ngày, anh dành trên 10 giờ để tập luyện, học hỏi, phân tích các nước cờ cũng như chiến thuật phù hợp trong mỗi trận đấu.

Khoác áo cho Bình Phước từ năm 2011, sau 2 năm, VĐV Đặng Cửu Tùng Lân đánh dấu sự trở lại bằng tấm huy chương đồng ở Giải Vô địch Cờ tướng các đấu thủ mạnh toàn quốc. Năm 2014, anh giành huy chương bạc Giải Vô địch Cờ tướng đồng đội châu Á. Dấu mốc đưa anh bước ra ánh sáng là Giải Vô địch Quốc gia năm 2020 khi không được đánh giá cao ở nội dung cá nhân. Ở vòng tứ kết, anh Lân đã bất ngờ hạ gục kỳ thủ đương kim vô địch Uông Dương Bắc và vượt qua VĐV đã vô địch năm 2017 là Đặng Hữu Trang ở bán kết. Trong trận chung kết, anh Lân đối mặt với huyền thoại cờ tướng Việt Nam Lại Lý Huynh với 3 lần vô địch quốc gia. Và kỳ thủ người Gia Lai đã chơi đầy bản lĩnh, tận dụng triệt để cơ hội sau sơ hở của đối phương để giành chiến thắng, qua đó đăng quang ngôi vương ở nội dung danh giá nhất.

Ông Phạm Hồng Phong-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Đặng Cửu Tùng Lân từng là VĐV cờ tướng số 1 Gia Lai những năm 2000. Khi có Tùng Lân, chúng tôi đã chiêu mộ thêm những VĐV ở các địa phương khác cũng rất tài năng về đầu quân cho Gia Lai. Song sau đó, thành tích ở giải quốc gia và Đại hội Thể thao toàn quốc không được như ý nên không có kinh phí để duy trì đội tuyển. Chúng tôi rất vui khi cựu VĐV Gia Lai đã tỏa sáng ở đấu trường Đông Nam Á”.

Màn thể hiện chói sáng năm đó giúp VĐV Đặng Cửu Tùng Lân được triệu tập vào đội tuyển cờ tướng quốc gia và mở ra một cánh cửa giúp người con mảnh đất An Khê ghi dấu ấn ở đấu trường Đông Nam Á.

Trong lần đầu tiên tham dự SEA Games 31 năm 2022, VĐV Tùng Lân đã xuất sắc giành huy chương bạc. Đến SEA Games 32 ở Campuchia, anh cùng đồng đội Nguyễn Quang Nhật đã giành huy chương vàng nội dung đồng đội cờ nhanh sau khi vượt qua rất nhiều đối thủ mạnh đến từ Singapore, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Malaysia.

Anh Lân chia sẻ: “Tôi đã khởi đầu không tốt khi thua đối thủ Campuchia ngay trận đầu và nhận về không ít sự chỉ trích của khán giả quê nhà. Trước giải, tôi phải điều trị bệnh trong vài tháng nên thể lực rất yếu, song huấn luyện viên vẫn tin tưởng trao cơ hội cho tôi. Trong khi thi đấu, nhiều lúc mắt tôi nhòe đi nhưng vào thời điểm quyết định với đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Singapore, tôi lại thấy mình rất hưng phấn và tỉnh táo. Tôi rất hạnh phúc khi đã giành được tấm huy chương vàng SEA Games. Đây không chỉ là góp thêm thành tích cho quốc gia mà là “trái ngọt” trong việc lựa chọn trở lại với cờ tướng của bản thân tôi”.

Theo dõi từng bước đi của chồng, chị Đỗ Thị Xuân Mận không khỏi bồi hồi xen lẫn tự hào khi thấy anh đứng trên bục nhận tấm huy chương vàng danh giá. “Từ ngày yêu nhau đến khi cưới, tôi không hề biết anh là VĐV cờ tướng, chỉ biết anh cũng hay đi các quán cà phê đánh cờ thôi. Khi đi thi đấu chuyên nghiệp, anh thường xuyên phải xa nhà. Anh cũng bị bệnh, sức khỏe không đảm bảo nên tôi rất lo. Bởi vậy, khi anh giành được thành tích xuất sắc, tôi vô cùng tự hào”-chị Mận bày tỏ.

Kỳ thủ Đặng Cửu Tùng Lân: “Tôi dự định vài năm tới sẽ mở lớp dạy cờ tướng ở quê nhà. Biết đâu một ngày nào đó, Gia Lai lại có đội tuyển cờ tướng ở đấu trường quốc gia”.

VĐV Đặng Cửu Tùng Lân cùng bằng khen cho Thủ tướng Chính phủ khen tặng sau khi giành huy chương vàng SEA Games 32. Ảnh: Văn Ngọc

VĐV Đặng Cửu Tùng Lân cùng bằng khen cho Thủ tướng Chính phủ khen tặng sau khi giành huy chương vàng SEA Games 32. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.