Chuyện về chiếc áo dài nam của MC phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thường xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài nam, MC Nguyễn Hoàng Nam (tổ 3, phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã làm nên “chất riêng” của mình thông qua trang phục. Theo anh, chuyện ăn chuyện mặc thể hiện bản sắc văn hóa Việt.
 MC Hoàng Nam thường xuất hiện trên sân khấu trong trang phục áo dài. Ảnh: Hoàng Ngọc
MC Hoàng Nam thường xuất hiện trên sân khấu trong trang phục áo dài. Ảnh: Hoàng Ngọc
Với hơn 10 năm làm nghề dẫn chương trình, từng có thời điểm MC Nguyễn Hoàng Nam sở hữu hơn 100 bộ áo dài. Anh chia sẻ: “Khi dẫn chương trình cho tiệc cưới, gặp mặt đầu xuân hay những sự kiện có tính chất văn hóa dân tộc thì không có trang phục nào phù hợp hơn chiếc áo dài”.
Hoàng Nam kể, lần đầu tiên anh mặc áo dài lên sân khấu là trong một chương trình nghệ thuật chào xuân mới cách đây gần 10 năm. Lúc ấy, anh hồi hộp, lo lắng, tự hỏi không biết khán giả sẽ đón nhận hình ảnh mình như thế nào.
“Khán giả đã ồ lên, vỗ tay tán thưởng khi thấy tôi xuất hiện trong trang phục áo dài. Chương trình năm đó có mời ca sĩ Siu Black biểu diễn. Kết thúc đêm nhạc, chị mời tôi chụp ảnh và bày tỏ sự xúc động vì tôi đã đưa hình ảnh áo dài nam-trang phục truyền thống của đàn ông Việt ngày nào lên sân khấu. Đó cũng là chương trình nghệ thuật diễn ra đúng dịp Tết cổ truyền, hình ảnh chiếc áo dài đã đưa khán giả quay về với không khí mùa xuân, của sự sum họp đầm ấm”-anh Nam nhớ lại.
Được khán giả ủng hộ, MC Nguyễn Hoàng Nam thường xuyên mặc trang phục này trong các sự kiện. Đặc biệt, tại chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian cả nước trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018, anh mặc lần lượt 15 chiếc áo dài để dẫn chương trình cho các đoàn nghệ thuật và nhận được sự ủng hộ của các nghệ nhân.
“Một lần dẫn chương trình gặp mặt cuối năm cho một doanh nghiệp lớn ở Pleiku, khi thấy xuất hiện với trang phục veston lịch sự, chủ nhân đêm tiệc đã tế nhị yêu cầu tôi thay trang phục áo dài nam. Họ nói, sở dĩ mời tôi làm MC chính vì thích tôi mặc áo dài. Lần khác, một nữ doanh nhân mời dẫn chương trình tri ân khách hàng, chị yêu cầu tôi mặc 2 bộ áo dài cho sự kiện này. Những lời đề nghị ấy cũng thể hiện sự chỉn chu, tôn trọng của chủ nhân dành cho khách mời, đồng thời giúp tôi ý thức hơn giá trị của truyền thống văn hóa thông qua trang phục”-MC Nguyễn Hoàng Nam kể.
MC Hoàng Nam thường xuất hiện trên sân khấu trong trang phục áo dài. Ảnh: Hoàng Ngọc
MC Hoàng Nam mặc áo dài khi dẫn chương trình tiệc cưới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đặc biệt, với tiệc cưới, theo MC Nguyễn Hoàng Nam, không có trang phục nào phù hợp hơn chiếc áo dài. Cô dâu, chú rể mặc áo dài truyền thống cũng luôn mang đến nhiều cảm xúc cho người dự tiệc.
“Hơn 10 năm trước, khi được mời làm MC cho sự kiện “Yêu và Cưới”-một chương trình trình diễn các loại trang phục cưới, khi tôi bước ra với chiếc áo dài nam đã khiến ban tổ chức có chút ngỡ ngàng, nhận ra sự thiếu sót bởi họ đã bỏ quên mất chiếc áo dài truyền thống mà chỉ chú trọng đến trang phục cưới hiện đại. Từ sau chương trình đó, tôi thấy áo dài đã được đưa vào các bộ sưu tập trang phục cưới nhiều hơn. Các cặp uyên ương cũng thường xuyên chọn áo dài để thực hiện album cưới bên cạnh những trang phục thời thượng khác”-anh Nam chia sẻ. 
Mặc dù áo dài truyền thống của nam gần như đã thành ký ức nhưng câu chuyện của MC Hoàng Nam cho thấy trang phục này vẫn có chỗ đứng nhất định trong đời sống. MC Nguyễn Hoàng Nam thường chọn áo dài của nhà thiết kế Hoàng Giang (TP. Hồ Chí Minh) hoặc đặt may ở nhà may Thi Thi (Gia Lai). “Các nhà thiết kế rất vui khi tôi thường xuyên diện áo dài của họ lên sân khấu, lan tỏa được giá trị của trang phục truyền thống”-anh Nam nói.
Năm 2020, khi tỉnh Thừa Thiên-Huế thí điểm cho nam công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở, anh đã đăng thông tin trên mạng xã hội và tặng lại hơn 80 bộ áo dài trong tủ đồ đi diễn của mình. Anh cho hay: “Khác với áo dài nữ đã có chỗ đứng vững chắc thì áo dài nam lâu nay vốn chỉ còn gợi lại truyền thống văn hóa xưa của người Việt. Tôi muốn lan tỏa giá trị của áo dài nam truyền thống đến với đông đảo người dân nên quyết định tặng lại 1 phần tủ đồ của mình. Với tôi, cách tôn vinh bản sắc văn hóa tốt nhất là đưa các giá trị ấy vào cuộc sống”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Nho kiểng độc đáo, phục vụ khách chơi Tết

Nho kiểng độc đáo, phục vụ khách chơi Tết

Thay vì đưa ra thị trường các sản phẩm nho đóng gói, trái nho tươi..., nông dân tỉnh Ninh Thuận - vùng nho nổi tiếng cả nước - đã chăm chút từng gốc nho, tạo dáng trong chậu kiểng phục vụ thú chơi cây những ngày xuân.