(GLO)- Có dịp đến với Trường Sa, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa của khẩu hiệu “rau là thuốc, nước là máu”. Bởi lẽ, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khí hậu Trường Sa thì những cây rau xanh được trồng và lớn lên là điều không hề đơn giản. Và những người lính Trường Sa đã có những sáng kiến “trên cả tuyệt vời” để có những vườn rau xanh tốt…
Thời tiết ở đảo thường khắc nghiệt. Có lúc nắng như đổ lửa, có khi lại mưa bão, sóng gió mịt mù. Chính vì vậy, thành công trong việc trồng rau xanh trên các điểm đảo ở Trường Sa, thực sự là một kỳ công. Nền của các đảo đều là nền đá san hô, chính vì vậy muốn có nền đất để trồng rau thì phải tạo ra đất. Đầu tiên phải san nền cho phẳng, sau đó dùng nguồn đất từ đất liền đóng bao chở ra rải đầy lên mặt san hô, cùng với các nguồn đất kiếm trên đảo và để dành như phân chim, lá cây mục và phân heo… để tạo nên vườn rau.
Ảnh: Bích Nga |
Ở đảo nổi, vườn rau thường là một khoảng đất trống tận dụng và tương đối kín gió. Vì gió muối từ biển phả vào cây xanh sẽ úa, thối lá. Rau xanh gặp gió muối thì chỉ một thoáng là bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm sóc của anh em coi như bỏ đi. Còn vườn rau ở đảo chìm thì thường được tận dụng ở bất cứ khoảng trống nào có thể. Chỉ có điều quy mô vườn nhỏ hơn nhiều, chỉ là những khoảnh nhỏ chừng trên dưới một mét vuông. Đất được trải xuống nền bê tông để trồng rau. Cùng với đó là hệ thống khay gỗ cơ động. Còn ở nhà giàn thì việc trồng rau hoàn toàn nhờ vào các khay gỗ. Mỗi nhà giàn có vài khay trồng rau.
Rau trồng ở các đảo chủ yếu từ hạt giống được lựa chọn kỹ và mang ra từ đất liền, thường là rau cải, rau muống, mùng tơi, bầu, bí, mướp … Quá trình chăm sóc, giữ gìn từng cây rau ở đảo mới là giai đoạn gian nan nhất, bởi vì các loại rau xanh vốn rất nhạy cảm với thời tiết biển nói chung, nay lại phải sinh trưởng trong môi trường vô cùng khắc nghiệt giữa biển cả. Khi gió bão kéo đến, những người lính “nông dân” sẵn sàng chịu ướt lạnh để che chắn nước mặn cho từng cây rau, từng khóm xanh quý giá giữa trùng khơi. Nước tưới cũng là vấn đề nan giải đối với việc trồng rau xanh ở Trường Sa, nhất là các đảo chìm vì nước là thứ cực kỳ quý hiếm nên việc dùng nước tưới cây là một việc làm… xa xỉ.
Những người lính Trường Sa phải tận dụng từng ca nước nhỏ để tưới cho rau. “Vòng đời” một ca nước được khởi đầu chắt chiu từ mái tóc người lính chảy xuống đến chân, rồi lại tiếp tục được tận dụng để rửa ráy và cuối cùng là... tưới rau.
Vì quá trình sản xuất gian nan và khó khăn nên việc thu hoạch rau trên đảo cũng theo phương châm tiết kiệm. Nếu là rau muống thì việc hái tỉa rất công phu, vì phải chờ rất lâu rau mới lên đợt mới, phải hái xen kẽ, chừa lại những mầm nhỏ. Vừa thu hoạch vừa phải để lại ngọn để dưỡng gốc rau, nếu hái hết các ngọn thì có thể các gốc sẽ lụi tàn luôn chứ không mọc mầm mới.
Còn với rau cải, những người được phân công làm nhiệm vụ nấu ăn sẽ tỉa từng lá phía dưới thân cây để nấu canh chứ không cắt cả cây bao giờ. Khi cây phát triển tiếp, đẻ thêm lá sẽ lại quay vòng tỉa tiếp những lá dưới gốc. Cứ thế cho đến khi nào cây cải trổ ngồng thì mới thu hoạch toàn bộ. Lúc này thân cây cũng khá to, lính đảo sẽ tận dụng cả phần thân chứ không chỉ ăn lá, ăn hoa. Thân cải sẽ được tước vỏ, phần lõi chẻ ra ngâm nước mắm ăn với cơm, hoặc luộc cùng với rau. Còn với rau mùng tơi thì thường để leo dây dài rồi tỉa lá dần dần.
Trước đây, mỗi bữa ăn, một trung đội hơn chục người có khi chỉ được chừng vài lá cải thái nhỏ để nấu canh và việc ăn rau gần như là chỉ để cho đỡ nhớ rau xanh mà thôi… Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có rất nhiều sáng kiến kỹ thuật trồng rau xanh trên đảo được những người lính Trường Sa vận dụng nên cảnh thiếu rau xanh trong bữa ăn của người lính đã không còn…
Bích Nga