Tháng 5-2023, bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của em Trần Minh Hoàng, khi đó là học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) “làm mưa làm gió” trên Facebook và TikTok khi đạt hơn 400 ngàn lượt tương tác.
Nhiều người comment bày tỏ sự cảm phục: “Đỉnh quá! Bức này là bức tranh vô giá. Bác Hồ muôn năm”. Có người còn bình luận: “Cuối cùng cũng tìm thấy cha đẻ của chiếc máy in”.
Mới đây, bức tranh do Hoàng vẽ về nhân vật Pu trong phim truyền hình “Đi giữa trời rực rỡ” cũng thành viral (nội dung lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội) với 40 ngàn lượt tương tác.
Kết quả cho nỗ lực không ngừng của cậu học trò từng nghiện game được khẳng định thêm một lần nữa khi Hoàng vừa trở thành sinh viên ngành Kiến trúc của Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
Hoàng cho hay: Năm học lớp 6 và lớp 7, em sa đà vào game mỗi ngày đến 7-8 tiếng đồng hồ, khiến việc học hành sa sút. Đây là khoảng thời gian Hoàng cho rằng vô cùng lãng phí, lại phụ công sức bố mẹ, những người làm lao động phổ thông để nuôi 5 đứa con ăn học.
Một lần, thấy cây guitar của cậu ruột hay hay, Hoàng bèn tự tìm hiểu trên YouTube và tập thử. Không ngờ, tiếng đàn giúp em nhận ra bản thân có chút năng khiếu về nghệ thuật và chuyên chú đến mức bỏ hẳn game.
Đang định hướng tương lai sẽ trở thành nhạc công, khi vô tình xem một video về vẽ tranh truyền thần, Hoàng không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi: “Vì sao người ta có thể vẽ được tới mức đó?”.
Vậy là, Hoàng thử sức rồi mê lúc nào không hay. Những bức vẽ đầu tay đăng lên mạng xã hội, dù nhận được khá nhiều lời chê nhưng với Hoàng thì “Không hiểu sao em lại tìm thấy động lực trong những lời góp ý đó”.
Giữa năm lớp 10, Hoàng tìm hiểu nghiêm túc về hội họa, đăng ký học vẽ để ôn thi đại học và tham gia các cộng đồng mỹ thuật trên mạng. Rút kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật, em bắt đầu kiếm được tiền từ sở thích khi có người đặt vẽ chân dung. Chi phí cho mỗi bức tranh khổ A4 khoảng 400-600 ngàn đồng, khổ A3 từ 600 ngàn đồng trở lên.
Càng vẽ nhiều, càng giao lưu với những người giỏi, tay nghề của Hoàng tiến bộ nhanh chóng. Ánh mắt, nụ cười, mái tóc nhân vật đến từng bóng nắng trong tác phẩm đều được cậu học trò phong thái điềm đạm chăm chút tỉ mỉ để bật lên đúng thần thái. Vì lẽ đó, chân dung mang cảm giác chân thật đến khó tin là vẽ tay.
Trừ tác phẩm đầu tiên bị “bom hàng” do chưa đạt, hiện nay, Hoàng luôn nhận được sự hài lòng của khách hàng. Thu nhập từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đã giúp em tự mua được điện thoại, máy tính, vật dụng cần thiết khi chuẩn bị vào đại học.
Say sưa với chì than, chì màu, có thu nhập nhưng tương lai là cánh cửa đại học chứ không phải là những đồng tiền kiếm được trước mắt, Hoàng dừng vẽ, ngưng làm TikTok để tập trung học tập, chỉ vẽ vài bức khi rảnh rỗi. Sự dừng lại đúng lúc, xác định rõ mục tiêu mở ra cho Hoàng một chân trời như mong ước.
Cũng có tiếng về biệt tài vẽ truyền thần là chị Nguyễn Thị Nga (SN 1992, trú tại hẻm 67 Lý Nam Đế, TP. Pleiku). Ai cũng phải ngả mũ vì sự kỳ công của chị khi nhìn ngắm những tác phẩm đạt đến độ chi tiết cao, sắc sảo, giống nhân vật đặt hàng như tạc.
Gò lưng bên chiếc bàn thấp, bàn tay chị lấm lem chì than-chất liệu mà Nga ưa thích. 2 sắc độ đen và trắng đủ làm nổi bật từng đường nét trong tác phẩm.
“Giơ máy ảnh lên bấm sẽ có ngay hàng loạt bức ảnh, nhưng vẽ tay thì chỉ duy nhất 1 bức”-chị Nga nói. Vì vậy, nhiều người sẵn sàng đặt hàng để có một tác phẩm độc bản tặng người thân, bạn bè.
Nga mê vẽ từ nhỏ, nhưng gia đình không ủng hộ theo nghề như một công việc ổn định. Vì vậy, chị thi vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng, lựa chọn không liên quan gì đến đam mê.
Ra trường, chị Nga có 5 năm làm việc tại một số công ty liên doanh nước ngoài. Thu nhập tốt song guồng quay công việc căng thẳng, áp lực chạy chỉ tiêu khiến cuộc sống của chị thành chuỗi ngày mệt nhoài. Chị mạnh mẽ bước ra khỏi quan niệm thông thường về sự thành công để nghỉ việc và theo đuổi nghiệp vẽ.
Lấy vẽ tranh làm nghề nhưng vì yêu thích nên chị Nga có thể ngồi vẽ bất cứ lúc nào trong ngày, bất kể xung quanh ồn ào hay tĩnh lặng. Cái tài của họa sĩ nằm ở những đường nét chuẩn chỉnh, đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác cao. Chị đặc biệt chăm chút cho đôi mắt và nụ cười, vì thần thái riêng của mỗi người ở đó.
Đến nay, sau 6 năm sống trọn vẹn với lựa chọn này, chị Nga có thu nhập khá tốt. Ngoài lượng khách tự tìm tới, chị còn cộng tác với khoảng hơn 10 phòng tranh trong cả nước và các trang quảng cáo về quà tặng. Tuy nhiên, chị từ chối lời mời đứng lớp online hay hợp tác với các YouTuber, TikToker để chỉ chuyên tâm với vẽ.
Tay nghề của chị Nga ngày càng điêu luyện, thời gian hoàn thiện tác phẩm được rút ngắn. Mỗi ngày chị có thể hoàn thiện 3 bức khổ A4, mỗi tháng vẽ trung bình 30 bức. “Tranh nào cũng đẹp mê”, “Máy in trắng đen đẹp xuất sắc!”… là những lời khen tặng dành cho các tác phẩm của cô gái trẻ.
Đã vẽ hàng ngàn bức tranh nhưng gần đây tác phẩm vẽ chân dung bố mẹ khiến chị xúc động nhất. Chị Nga có chút tự trách: “Mải vẽ cho mọi người nên đến giờ mới vẽ được cho bố mẹ. Khi đặt bút, tôi đặc tả từng nếp nhăn khắc khổ trên khuôn mặt bố mẹ bằng tất cả cảm xúc”.
Một trường hợp nữa mà chị nhớ mãi, đó là chân dung đặt hàng làm quà tặng cho một cô bé Việt kiều 7 tuổi đang trên giường bệnh tại Mỹ. Nga quay video lại từng công đoạn trong quá trình thể hiện để gửi và cô bé rất thích. Nhưng tác phẩm chưa kịp gửi sang thì cháu bé đã qua đời. “Những bức tranh như vậy khiến tôi rưng rưng khi vẽ”-chị nói.