Chuyện nghề đào núi dời cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây bé hay lớn, nằm ở địa hình bằng phẳng hay đồi dốc gập ghềnh, chỉ cần đội quân đào thuê có mặt thì mọi khó khăn đều được giải quyết. Tùy từng vị trí, thế cây mọc mà nhóm thợ sẽ ngã giá, khi thì đôi ba triệu đồng nhưng cũng có lúc lên đến hơn chục triệu đồng mỗi gốc. Dù vậy, sau mỗi gốc cây di thực nhằm thỏa mãn nhu cầu chơi cây cảnh của “đại gia” là bao nỗi nhọc nhằn của những người theo nghiệp đào cây thuê.
Thấm đẫm giọt mồ hôi
Sau khi những loại cây, có dáng đẹp được các “đại gia” lùng sục tìm mua thì đội quân đào thuê chuyên nghiệp sẽ được “chọn mặt gửi vàng”. Bởi mỗi cây có giá hàng chục cho đến hàng trăm triệu đồng, nếu không đặt niềm tin đúng chỗ thì cây cảnh rất dễ trở thành... củi. Chính vì vậy, đội quân đào cây thuê này ngày càng có đất sống. Thợ đào chính thường được trả 500.000 đồng/ngày công, những thợ khác dao động từ 350 đến 400.000 đồng/ngày công.
Qua 1 người quen giới thiệu, chúng tôi hẹn gặp anh Rcom Tham ở Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Rcom Tham là cái tên mà giới chơi cây cảnh ai cũng đều phải kiêng nể mỗi khi nhắc đến. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về cái nghề đầy nỗi vất vả của mình, anh từ tốn cho hay: Cách đây hơn chục năm, 1 người bạn ở Hà Nội nhờ anh tìm mua một số cây chòi mòi trong làng để bán ra các tỉnh phía Bắc. Từ việc săn tìm cây, anh Tham kiêm luôn việc đào gốc. Được trả công hậu hĩnh, anh bắt đầu dấn thân trở thành thợ đào cây chuyên nghiệp.
Theo nghề lâu năm, anh Tham luôn đặt ra cho mình những giới hạn thử thách để chinh phục các loại cây ở những địa hình khác nhau. Người thợ lành nghề cho biết, tuy thu nhập cao nhưng công việc này rất vất vả. Khó “xơi” và mất nhiều thời gian nhất là cây sanh, cây sộp...
Ngoài độ to cực đại thì vấn đề nan giải nằm ở phần rễ chằng chịt, cắt hết rễ này thì lại vướng rễ khác, nhùng nhằng như nùi dây rối, rất khó cắt. “Đó là chưa kể, mấy loại cây này rất nhiều cành nhánh, chỉ mỗi việc cắt bỏ cành cũng… hết hơi. Vậy nên cần đến 5 thợ đào và phải mất 3-4 ngày mới khắc phục được”-anh Tham nói.
Những cây nằm ở vị trí khó phải huy động từ 4 đến 5 người đào nhiều ngày mới xong
Những cây nằm ở vị trí khó phải huy động từ 4 đến 5 người đào nhiều ngày mới xong. Ảnh: Minh Nguyễn
Riêng với những cây cổ thụ mọc ở lưng chừng dốc thì việc đào bới là vô cùng khó. Ngoài chằng giữ để cây khỏi bị tuột, việc đào bới quanh gốc cũng rất nguy hiểm do dễ trượt ngã. Có cây bám rễ trên đá, mỗi nhát đào khiến đôi bàn tay tê rần. Từng nhát cuốc, xà beng bổ xuống đá đều “nảy lửa”. Mùa mưa thì thuận lợi đôi chút; vào mùa khô, nắng cộng hưởng với sức nóng của đá hắt lên mặt rất khó chịu. Anh em thợ đào ai nấy mồ hôi ướt đẫm áo khi tìm thế để bẩy những tảng đá to ra khỏi rễ cây.
Chính vì vậy, có cây 3 người đào hơn 10 ngày ròng rã mới xong. Đối với những cây cổ thụ, trung bình công đào thường dao động ở mức 3-4 triệu đồng/cây, cây khó đào thì có khi lên đến 8-10 triệu đồng/cây. Thu nhập khá nên đội quân đào cây của anh Tham đông dần lên với khoảng 5-6 người cùng làng.
Chỉ mới hơn 4 năm gắn bó với nghề nhưng ông Lê Văn Thọ (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cũng phần nào thấu hiểu nỗi nhọc nhằn khi trót vướng nghiệp đào thuê. Ông Thọ được tiếng ham việc, chuyên trị những “ca khó” nên tiếng lành đồn xa. Nhưng cũng chính vì vậy mà bệnh đau dạ dày đến giờ vẫn còn chưa thôi hành hạ ông.
Người đàn ông tuổi ngũ tuần thở dài: “Nghề nào cũng có cái khó của nó. Chuyện bỏ ăn để đào cây xuyên trưa diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, lúc gặp gốc cây khó mà đến ngày hẹn, chúng tôi chỉ kịp hớp vài ngụm nước rồi hối hả đào giao cây cho kịp “giờ lành”.
Người mệt lả, nhiều lúc tưởng chừng không cầm cự nổi”. Nhưng bù với công sức bỏ ra thì tiền công khá hậu hĩnh, đôi khi ông còn được chủ cây “thưởng nóng”. Lúc này, niềm vui với nghề đã khỏa lấp bao nỗi nhọc nhằn gây ra từ những vết thương do trầy xước tay chân lúc đào xới hay bị nhánh cây ngã trúng.
Gốc một cây khế cổ thụ được ông Lê Văn Thọ đào đưa vào chậu chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Minh Nguyễn
Gốc một cây khế cổ thụ được ông Lê Văn Thọ đào đưa vào chậu chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Thọ, càng có tiếng thì càng không được làm ẩu, nhất là khi chủ cây tin tưởng giao những cây có giá trị hàng trăm triệu đồng. Chỉ tay vào một gốc cây to dùng làm chân bàn ngồi uống nước, ông Thọ cho biết đây là sản phẩm lỗi từ một gốc cây me cổ thụ bán kính hơn 2 người ôm mà ông được thuê đào cách đây 3 năm. Chủ cây bắt lỗi, cho rằng cây to nhưng ông bó bầu rễ nhỏ nên cây không sống nổi. Thế là ông xin cắt một đoạn cây về làm chân bàn, xem như kỷ niệm khó quên.
Cũng từ lần “lầm lỡ” này, mỗi khi có chủ thuê đào cây, ông luôn cẩn trọng hết mức. Với những cây gần đường dây điện, phải tốn thêm chi phí thuê xe nâng đến cắt tỉa hoặc cây mọc xen đá, sát móng nhà thì giá đào sẽ cao hơn. “Còn có những cây nằm ở bìa suối, mỗi lần đưa cưa xuống cắt rễ thì lưỡi cưa dễ bị cùn do gặp cát. Khi đó phải thay lưỡi cưa bằng hợp kim giá 2 triệu đồng mới khắc phục được”-ông Thọ chia sẻ thêm về những vất vả trong nghề.
Sống được với nghề
Bỏ ra số tiền lớn nên các “đại gia” luôn thận trọng khi chọn người tin cậy để giao “mạng sống” của cây. Ông Cao Huyền Tuấn Anh-chủ Tiên Sơn Pleiku Homestay-khẳng định, ông luôn theo dõi sát sao quá trình đào cây. Với những cây cổ thụ thì phải đánh bầu rễ to, bó thật kỹ và đảm bảo bầu đất này không bị vỡ, như vậy thì tỷ lệ sống sẽ cao.
Đặc biệt, khi cắt rễ cọc (rễ chính) phải thật ngọt, không bị dập và phải bôi “keo liền da” để rễ không bị thối, làm chết cây. Những người thuê đào không những phải tỉ mỉ, nhiều kinh nghiệm mà còn tinh tế trong việc đánh dấu hướng của cây, cây hứng nắng hướng nào thì về trồng lại như vậy. Nếu xoay hướng khác, nắng quá cây sẽ chết vì không cấp đủ nước.
“Chính vì vậy, hơn 50 cây xanh cổ thụ từ bằng lăng, kơ nia, me được mua từ khắp nơi bứng về trồng trong khuôn viên homestay hiện nay luôn xanh rì, cành nhánh mọc đều, đẹp. Nhưng bù lại, tiền công đào cây phải trả xứng đáng, bởi chỉ cần cẩu thả ở một vài công đoạn là xôi hỏng bỏng không”-ông Cao Huyền Tuấn Anh cho hay.
Trước yêu cầu ngày càng cao của các chủ cây, những người thợ cũng phải không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề. Ông Thọ cho hay, có không ít chủ vườn “cầu cứu” khi gặp phải thợ đào chưa lành nghề đã bỏ của chạy lấy người. Có lần, một chủ vườn ở TP. Pleiku nhờ ông đến xử lý bầu rễ bị vỡ của 2 cây mai vàng trị giá hơn trăm triệu đồng. Hì hục cả buổi chiều, vợ chồng ông được chủ cây trả công 1,5 triệu đồng và bồi dưỡng thêm một khoản kha khá.
Cũng từ lần này, ông được giới thiệu thuê đào cả vườn mai ở Kon Tum với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/cây. Cứ 2 ngày, vợ chồng ông lại đào được 5 cây, tiền công rủng rỉnh bù cho những giọt mồ hôi thi nhau đổ xuống. Cùng với hàng ngàn gốc mai, 4 năm qua, ông còn đào hàng trăm gốc bằng lăng, vú sữa, chòi mòi, me, khế, chôm chôm rừng…
Quá trình di thực cây về vườn cũng không kém phần khó khăn, trở ngại. Ảnh: Minh Nguyễn
Quá trình di thực cây về vườn cũng không kém phần khó khăn, trở ngại. Ảnh: Minh Nguyễn
Khi đã là thợ lành nghề, ông Thọ lại có cơ hội quan sát, học lỏm rồi chuyển sang săn lùng mua những cây có thế đẹp để bán ngược lại cho thương lái, kiếm lời tầm 5-6 triệu đồng/cây sau khi trừ chi phí. Ông kể, có lần đang uống cà phê thì có người quen cho biết trong làng có cây bằng lăng rất lạ, phần thân gốc nổi u sần rất to. Linh cảm nghề nghiệp, ông vội theo chân người chỉ dẫn này. Sau khi trả mua với giá 5 triệu đồng, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ gửi hình chào giá, ông Thọ kiếm lời được gần 20 triệu đồng.
Giờ đây, tuy đã lui về “ở ẩn”, phụ vợ ở tiệm tạp hóa trong làng nhưng khi những người từng làm cùng trước đây gọi điện nhờ, ông không ngần ngại đến hướng dẫn cách “thu phục” cây nằm ở thế khó. Theo ông Thọ, nhu cầu chơi cây cảnh vẫn còn thịnh nên nghề đào gốc cây cũng “sống được”.
Cũng như ông Thọ, ngoài đào thuê, anh Tham còn săn lùng cây cảnh ở khắp các buôn làng trong tỉnh. Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, điện thoại của anh liên tục đổ chuông. Anh khoe mình vừa bán 2 cây bằng lăng cổ thụ, thu về khoản lời kha khá. Theo anh Tham, ngoài thu nhập từ tiền công đào thuê, mua bán cây cảnh cổ thụ, anh còn nhận chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo dáng cho cây cảnh tại nhà… Từ nhiều khoản thu ổn định, anh ngày càng gắn bó hơn với nghề.
*
Cứ vậy, những lúc nông nhàn, các nhóm thợ đào cây thuê lại tất tả “chạy sô” để kiếm thêm thu nhập. Nghề phụ đã trở thành nghề chính giúp họ sống khỏe. Họ luôn tâm niệm: Không nhận đào cây gỗ rừng, dù được trả công cao, vì “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.