Chuyện lạ Đắk Nông: Làng hút khách du lịch nhờ "Cây thần linh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) hiện còn có một cây đa khổng lồ tỏa bóng mát ngay tại bến nước của bon. Người dân nơi đây không biết cây đa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng qua mấy đời đã thấy nó sừng sững ở đấy. Dân địa phương gọi cây đa là "Cây thần linh".
Người dân trong bon vẫn tin, chuyền tai với nhau rằng cây đa chính là hóa thân của người con gái tên là H’Drim và thường gọi là “Cây thần linh”.
 
"Cây thần linh" ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong). Ảnh: Võ Anh Tú - CVĐC Đắk Nông.
Truyền thuyết kể rằng, bon Phi Mur xưa có nàng H’Drim hiền lành tốt bụng, ngoan ngoãn lại hay giúp đỡ mọi người. Một ngày nọ, nàng H’Drim đi lấy nước ở bến nước đầu bon thì bỗng nhiên trời tối sầm lại và một trận mưa tuyết lớn ập xuống. Nàng H’Drim tránh không kịp nên bị ngã xuống bến nước, bị lạnh đóng băng và chết.
Một thời gian sau, nơi nàng H’Drim chết mọc lên một cây đa xanh tốt. Già làng và người dân trong bon được nàng H’Drim báo mộng rằng cây đa chính là bản thân mình và cô sẽ giúp bon làng bảo vệ nguồn nước, bến nước nên người dân hãy an tâm lấy nước cúng thần linh (Yang) và phục vụ cuộc sống.

Điều đặc biệt là cây đa này rất linh thiêng, nên những ai có tâm địa xấu, không ngay thẳng thì khi đến lấy nước về uống đều bị đau bụng và ốm liên miên. Từ đó về sau, bà con đặt tên cho cây đa là “Cây thần linh”.


Ngoài việc thường xuyên đến nơi đây lấy nước về dùng thì bà con trong bon mỗi khi đi ngang qua đều dừng chân ghé lại bên gốc cây đa để nghỉ ngơi, kể chuyện cho con cháu nghe về nguồn gốc của cây đa. Vì vậy, trong đời sống tâm linh, nàng H’Drim được bà con kính trọng và xem như một nữ thần, luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải sống lương thiện, ngay thẳng, tốt bụng.
Đặc biệt, cứ đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, người dân trong bon cũng như khu vực lân cận đều tề tựu về dưới gốc “Cây thần linh” để tổ chức Lễ cúng bến nước để cảm tạ thần linh, nàng H’Drim đã che chở, bảo vệ dân làng, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt…Lễ cúng bến nước thu hút đông đảo người dân tham gia và trở thành một lễ hội truyền thống của người Mạ.
Ngày nay, cuộc sống dù đã đổi thay và cũng đã có nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt nhưng bà con bon Phi Mur vẫn giữ nguyên thói quen đi đến bến nước đầu bon - nơi có “Cây thần linh” để lấy nước về dùng.
Già làng K’Krang, bon Phi Mur cho biết: “Bến nước có “Cây thần linh” là nguồn sống của bon làng nên ai cũng trân trọng và gìn giữ vệ sinh khu vực này. Mỗi lần đi ngang qua, bà con đều nán lại đôi chút dưới gốc cây đa để hít thở không khí trong lành”.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông, “Cây thần linh” là một trong những điểm di sản thuộc tuyến du lịch “Âm vang từ Trái đất” của CVĐC Đắk Nông. Đây là một điểm đến lý thú, hấp dẫn du khách khi trải nghiệm du lịch CVĐC.

Ngoài việc được nghe kể về nguồn gốc, truyền thuyết ra đời của “Cây thần linh”, du khách có thể tìm hiểu, khám phá thêm những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Mạ nơi đây.

Dân Việt (Theo Gia Bình/Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm