Chuyên gia Pháp cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim là cách để đặt lại vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế cục.
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio, Giáo sư kinh tế-chính trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Pháp (Asia Centre) trả lời phỏng vấn VOV về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội.
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio.
PV: Theo ông, tại sao Mỹ và Triều Tiên lại chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh lần 2 giữa các ông Donald Trump và Kim Jong-un?
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio: Lí do đơn giản, đó là vì tất cả các biểu tượng mà Việt Nam có. Tôi không biết những bí mật phía sau hậu trường khi lựa chọn một địa điểm, như liệu các bên có đồng ý với nhau hay không, liệu có vấn đề an ninh nào lớn hay một khó khăn nào không… nhưng điều có thể thấy rất rõ, đó là các biểu tượng.
Giống như một cuốn sách đã viết, lịch sử của thế kỷ 20 được viết nên ở châu Á, và Việt Nam và Triều Tiên là hai trong số những địa điểm mà lịch sử được viết nên.
Trong lúc đó thì ở phía ngược lại, nếu nhìn vào Mỹ thì chúng ta mới thấy, đây là một sự thú nhận và một sự công nhận ngoạn mục đến nhường nào của ông Trump, dĩ nhiên là đối với tầm quan trọng của Việt Nam, nhưng đối với cả một thực tế, đó là giờ đây thì nước Mỹ đang tiến hành một cuộc đàm phán hòa bình tại một địa điểm mà nước Mỹ đã bại trận.
PV: Có thể coi đây là một thắng lợi của những nhà ngoại giao Việt Nam, sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại mở cửa ra thế giới?
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio: Đây rõ ràng là một bước tiến tiếp theo nhằm đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới. Ở châu Âu, chúng tôi dĩ nhiên biết Việt Nam và châu Âu có những mối quan hệ lịch sử và Việt Nam có một vị thế, nhưng xét đến quy mô dân số, đến những gì mà Việt Nam đại diện, đến tiềm năng phát triển của Việt Nam thì vẫn có một sự “thâm hụt” nhỏ về sự thừa nhận mà Việt Nam phải được hưởng. Mặc dù Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 và Việt Nam rất quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương nhưng đối với phần còn lại của thế giới thì Việt Nam vẫn chưa “lấy lại được” tầm quan trọng địa chính trị của mình. Vì thế, cuộc gặp Trump-Kim lần này là cách để đặt lại vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế cục.
PV: Chúng ta không chứng kiến nhiều bước tiến mới trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 ở Singapore. Vậy có thể trông đợi vào điều gì tại Hội nghị lần này?
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio: Chúng ta không được chứng kiến nhiều bước tiến mới từ sau Hội nghị tại Singapore. Nhưng nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay trở lại năm 2016 thì khi đó chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, nếu như chúng ta dừng đồng hồ thời gian lại, dừng tất cả những đe doạ, những leo thang căng thẳng lại thì tính từ thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến đi đầu tiên đến châu Á khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi dự APEC 2017 tại Việt Nam… thì tất cả đã thay đổi. Tất cả đã ngừng lại, vì từ thời điểm đó, các bên đã bắt đầu nghĩ đến các cuộc gặp. Các cuộc gặp này không nhất thiết phải là tìm ra một giải pháp cụ thể nào, mà quan trọng hơn là để ngừng lại việc leo thang. Như thế là chúng ta đã có được thêm thời gian, có thêm thời gian hoà bình, có thêm sự yên ổn.
Dĩ nhiên cái chúng ta mong chờ là một Hiệp định hoà bình giữa hai miền Triều Tiên, nhưng đó cũng không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Đối với Hội nghị tại Hà Nội, dĩ nhiên các bên sẽ lại phải đặt câu hỏi là đã có những gì làm được, và có thể làm tiếp những gì? Không ai có thể nói chắc là liệu có điều gì đạt được hay không. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo rất khó dự đoán, rất khó lường mà cả hai lại đang quyết định tiến hành cuộc chơi mà không có bất cứ cường quốc nào trong khu vực tham dự.
PV: Nhiều người nói việc Mỹ đồng ý chọn Việt Nam làm địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là có ngụ ý muốn khuyến khích Triều Tiên học hỏi mô hình phát triển của Việt Nam. Ông có nghĩ thế không?
Chuyên gia Jean-Francois Di Meglio: Đương nhiên là thế. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức. Công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam đã hiện đại hoá đất nước và đưa Việt Nam tiến vào sân chơi kinh tế toàn cầu, mà như anh biết là hiện nay Liên minh châu Âu và Việt Nam đang đi vào hoàn tất Hiệp định tự do thương mại, tức là Việt Nam đã tiến vào cuộc chơi toàn cầu hoá cùng phương Tây. Liệu mô hình phát triển của Việt Nam có thu hút Triều Tiên hay không thì chúng ta còn chưa đủ dữ liệu để nói, và cũng không chắc là với các điều kiện của Triều Tiên thì có thành công hay không. Nhưng ý tưởng là chắc chắn có.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quang Dũng (VOV.VN)