Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 3: Học phí bạc tỉ của dân chơi chứng khoán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vài năm trở lại đây, dân chơi chứng khoán không chỉ chăm đọc sách, phân tích báo cáo tài chính, mà còn bỏ tiền 'tầm sư học đạo'.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến phiên giao dịch chứng khoán - Ảnh: B.M.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến phiên giao dịch chứng khoán - Ảnh: B.M.
Tuy nhiên, trường học chứng khoán khác trường đời. Mỗi lần bị lừa, thất bại, người trong giới chứng khoán lại đùa ra nước mắt đó là "học phí" giúp sáng mắt ra.
Khóc, cười với học phí bạc tỉ
Một sáng, nhận cuộc gọi, chúng tôi lập tức đến quán cà phê ở Q.3 (TP.HCM) để gặp nhóm cá nhân tố giác "thầy" dạy chứng khoán lật kèo, "ẵm" hơn 50 tỉ đồng góp vào đầu tư.
Nước mắt lưng tròng, chị Hạnh (đổi tên theo yêu cầu của các nhân vật) giới thiệu ngồi quanh bàn đều là "học trò" của "thầy" N.. 
Với các "học trò", "thầy" N. là doanh nhân thành đạt, vợ đẹp con ngoan, nhà cửa sang giàu, chuyên "gieo hạt đạo đức", lập quỹ từ thiện, thường xuyên livestream nhận định thị trường, nói "dân trí về chứng khoán còn yếu, muốn phát triển dân trí, cống hiến vì cộng đồng".
Ông N. còn tập hợp học viên để lập nhóm với sứ mệnh "vì sự phát triển bền vững của nhà đầu tư tài chính VN", tầm nhìn "tổ chức đầu tư tài chính thành công nhất VN", giá trị cốt lõi "cho đi vô điều kiện", thông điệp "nếu bạn muốn có được những thứ mình chưa từng có thì bạn phải dám làm những việc mình chưa từng làm".
Ngồi cạnh Hạnh, chị Thủy tiếp lời lúc mới vào "thầy" từng khuyên: "Cứ vô học đi, không nhất thiết đóng tiền một lần, miễn học giỏi là được, tiền không quan trọng". 
Gương mặt tiều tụy vì mất ngủ, đầu tóc rối bời, chị Hạnh xót xa khi đã cầm 2,7 tỉ đồng tiền bán chung cư, vay mượn người thân để đưa cho "thầy" đốt vào chứng khoán phái sinh.
"Nó thôi miên đầu óc mình từ sáng tới khuya, lúc nào cũng nghĩ tới nó"- chị Hạnh lý giải vì sao tin tưởng "thầy". Cứ mỗi sáng, chị Hạnh và cả lớp sẽ vào một nhóm trên mạng xã hội để chúc ngày mới tốt lành và nhớ tới tổ chức. 
Trưa ông N. sẽ mời người này đến người khác ăn trưa, uống cà phê, tâm sự riêng. Cuối tuần cả nhóm trích tiền từ quỹ từ thiện lập ra để tới giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn.
Riêng ngày lễ lớn, ông N. rủ nhóm dẫn theo chồng con, bạn bè đi Phan Thiết, Vũng Tàu hay khu du lịch nội thành TP.HCM để tổ chức trò chơi tập thể nhằm gắn kết. 
"Lần đi Phan Thiết, ông N. liên tục thuyết giảng về đạo hiếu với cha mẹ, hỏi dồn dập mọi người đã báo hiếu cha mẹ chưa, thời gian cha mẹ còn ngắn ngủi, phải lo báo hiếu. Sau đó nó ôm mặt khóc, cảm động lắm" - chị Hạnh kể.
Chính vì thấy ông N. đạo đức nên nhiều người nhẹ dạ xuống tiền. Chị Thủy tâm sự, ban đầu theo phương pháp "thầy" dạy, nhóm "đánh" đâu thắng đó, nên chị dần tin tưởng, bỏ ra hơn 4,2 tỉ đồng và 500 USD nhờ "thầy" đầu tư.
Theo nhóm này, "thầy" đã cầm của họ hơn 70 tỉ đồng, thỏa thuận khi "đánh" thắng sẽ chia lợi nhuận 5%, nếu lỗ trên 20% tổng số vốn thì ngừng giao dịch. 
Tuy nhiên, lúc tài khoản lỗ quá mức, không những không ngừng giao dịch mà "thầy" N. còn báo lời, lấy tiền người sau trả cho người trước để "che mắt". Bại trận ở tài khoản phái sinh, ông dốc số tiền còn lại để đầu tư trái phép trên thị trường ngoại hối Forex để gỡ lỗ, nhưng thất bại.
Sự việc vỡ lở khi cuối năm ngoái có nhà đầu tư muốn rút, ông N. lại thông báo "cháy" tài khoản, không còn tiền nữa. Anh Tân buồn kể bản thân anh tin vào lời nói đạo đức nên huy động 14,4 tỉ đồng đưa ông N. vì lời hứa hẹn quỹ sẽ lên 1.000 tỉ đồng.
Vào cuối năm ngoái, ông N. đề nghị nâng quỹ lên 150 tỉ đồng, nhưng khi anh Tân đòi minh bạch pháp lý, dòng tiền, danh mục đầu tư, thì ông N. không cung cấp được. 
Dù sinh nghi, nhưng anh Tân "không ngờ ra ngày hôm nay". Để huy động vốn lớn, anh Tân sử dụng các mối quan hệ thân thiết. "Mình nghĩ giúp người nhưng không ngờ lại lừa người" - anh Tân buồn nói.
Gương mặt thất thần, chị Thủy ấm ức: "Đau nhất là một năm qua mình bỏ thời gian đi theo "thần tượng", nghĩ đó là một người tốt đẹp, xây dựng cộng đồng tốt đẹp, sau này thành một quỹ tài chính, không cần lo cơm áo gạo tiền, nghỉ hưu sớm".
Nhóm "học trò" nói trong nước mắt bị sập bẫy, nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản, có người là sinh viên, sư cô, người đang đi làm, đã nghỉ hưu, người giấu gia đình bán nhà đất, lấy tiền nghỉ hưu, tiền thai sản của vợ, tiền cưới hỏi, ma chay, tiền điều trị bệnh của người thân… gom đi đầu tư.

Sau thời
Sau thời "ngây ngất" tranh nhau chơi, nhiều nhà đầu tư nay đã thận trọng, nghiên cứu kỹ - Ảnh T.T. DŨNG
Mánh khóe lừa kẻ "muốn giàu sau một đêm"
Trên thị trường chứng khoán, người thành công nhiều mà kẻ bị lừa tiền bạc cũng không thiếu. Một buổi sáng, bên tách cà phê nóng, ông Phan Dũng Khánh, người gắn bó thị trường chứng khoán hơn 20 năm, giãi bày: "Phần lớn bị lừa chỉ vì muốn giàu sau một đêm".
Bản thân ông Khánh đứng dạy các lớp đầu tư chứng khoán và không quên hướng dẫn học viên xác định chiêu thức lừa đảo để tránh. 
Nhưng vẫn có học trò dính cú lừa trăm triệu. "Chính vì biết nên mất ít tiền nhất trong nhóm bị lừa" - ông Khánh nói về một lần học trò bị "thầy" khác lừa với lời đường mật.
"Thậm chí có bên còn cử nhân viên tới lớp tôi dạy để học bài xác định chiêu thức lừa đảo, rồi lấy chính nó đi lừa người khác" - ông Khánh chia sẻ. Chưa kể, có người tìm cách trà trộn vào các lớp chứng khoán trên thị trường để coi "hốt" được ai không.
Những mánh lừa nhà đầu tư "tay mơ" nhiều vô kể. "Ví dụ mã cổ phiếu đó đang chuẩn bị xả, nhưng bán ra phải có người mua, nên họ kêu gào, tung tin tốt đẹp trên các nhóm, diễn đàn trên mạng" - ông Khánh nói. 
Giới chứng khoán thường gọi những kẻ chuyên rao tin đồn dụ người khác mua vào là "bìm bịp", còn dụ bán ra để gom cổ phiếu là "chim lợn".
Không chỉ các "gà con" non nớt bị lừa, ông Khánh kể có bạn là tiến sĩ học từ nước ngoài về, làm giám đốc cho một quỹ đầu tư, vừa có lý thuyết vừa thực hành chứ không phải tiến sĩ "giấy" nhưng vẫn bị một nhóm lừa hơn 15.000 USD.
Hay chính bản thân ông Khánh cũng bị các nhóm tính đặt "bẫy". Vì am hiểu thị trường nên ông thường được nhiều tờ báo phỏng vấn. Do vậy, có lần "đội lái" đề nghị trả tiền để ông "gài" một số nội dung như tên cổ phiếu có xu hướng tăng… vào bài.
Ông nhẩm tính trong vòng 20 năm ít nhất đã hơn 5 lần có bên đề nghị như vậy. "Khi báo chí đăng, bên đặt bài sẽ copy địa chỉ liên kết rồi đăng lên các diễn đàn. Họ lồng rất khéo léo. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư chửi, nói chuyên gia nói sao thì làm ngược lại là đúng" - ông Khánh nói.
Chi phí "đội lái" trả tùy thuộc vào uy tín chuyên gia. 10 năm trước có bên đề nghị trả ông 2.000 USD/tháng. Tự trọng, ông Khánh từ chối tất cả lời chào mời.
Hai thập niên vui buồn cùng chứng khoán, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư cần bản lĩnh, không lao vào đám đông để bị chèo lái tâm lý, đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Sau tất cả, ông đúc kết: "Một trong những cách tránh lừa đảo tốt nhất là bớt tham".
Tung tin đồn chứng khoán bị phạt đến 3 tỉ đồng
Dự thảo nghị định lần 2 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) mới được Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố, đề cập nâng mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 3 tỉ đồng và cá nhân vi phạm là 1,5 tỉ đồng.
Trong các hành vi phạm luật có bao gồm sử dụng thông tin nội bộ (giao dịch nội gián) và thao túng TTCK.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm khả năng bị tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK, chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 1 tháng đến 24 tháng.
Những năm 2000, thuở khởi đầu TTCK VN có những người Việt bôn ba "đi sứ" thuyết phục từng đồng vốn ngoại chảy về đất nước…
Kỳ tới: Chinh phục "túi tiền" nước ngoài
BÔNG MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.